Quỳnh Nhai là huyện nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Sơn La, có diện tích tự nhiên hơn 105.000 ha, gồm 11 xã. Những năm qua, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất luôn được UBND huyện chỉ đạo thực hiện sát sao, là cơ sở để thực hiện quản lý nhà nước về đất đai và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, vừa phù hợp điều kiện tự nhiên, vừa đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2018 huyện Quỳnh Nhai cho thấy: Diện tích nhóm đất nông nghiệp sử dụng đạt tỷ lệ 92,57%. Trong đó, một số chỉ tiêu sử dụng đất không đạt như đất chuyên trồng lúa nước đạt 97% kế hoạch, do một số công trình thủy lợi dự kiến triển khai trong năm 2018 nhưng chưa thực hiện hoặc đang triển khai. Đất rừng phòng hộ đạt 98%, rừng sản xuất đạt 78,2% là do năm 2018, huyện tiến hành rà soát, thống kê lại diện tích đất rừng.
Nhóm đất phi nông nghiệp thực hiện đạt tỷ lệ 99,18%. Các chỉ tiêu chưa đạt gồm đất quốc phòng, đất thương mại dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, đất phát triển hạ tầng… Nguyên nhân là do một số công trình dự kiến triển khai trong năm nhưng chưa bố trí được vốn. Mặt khác, một số công trình mới bắt đầu triển khai thực hiện có diện tích lớn, nhiều hạng mục, thời gian thực hiện dài nên cần tiếp tục chuyển tiếp để thực hiện trong các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, năm qua, huyện Quỳnh Nhai có 79 công trình, dự án được phê duyệt. Kết quả, đã thực hiện được 16 dự án, hủy bỏ 5 công trình, đang triển khai 9 công trình. Còn 49 công trình chưa được triển khai.
Nhìn chung, trong năm 2018, công tác quản lý đất đai đã được UBND huyện Quỳnh Nhai quan tâm, chỉ đạo thực hiện sát sao. Tuy nhiên, đất đai có nguồn gốc rất phức tạp, là lĩnh vực nhạy cảm; nhận thức của một số bộ phận người dân, tổ chức sử dụng đất về chính sách pháp luật còn hạn chế, thiếu hợp tác trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, gây nhiều khó khăn, làm chậm triển khai nhiều dự án đầu tư. Còn tình trạng người sử dụng đất vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Việc quản lý, cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai còn tồn tại nhiều bất cập, vì vậy quá trình xác minh nguồn gốc sử dụng đất, thời điểm sử dụng đất phục vụ việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn gặp nhiều khó khăn. Việc đăng ký nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức còn chủ quan, không theo kế hoạch nên nhiều dự án đã phê duyệt song không có khả năng thực hiện.
Năm 2019, huyện Quỳnh Nhai đề ra kế hoạch sử dụng diện tích đất nông nghiệp là hơn 61.000ha; trong đó, giảm diện tích đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác, tăng hơn 85ha đất trồng cây lâu năm, tăng 1.000ha đất rừng phòng hộ, tăng 1.178ha đất rừng sản xuất…
Diện tích nhóm đất phi nông nghiệp hơn 13.000ha, tăng 146ha so với năm 2018. Diện tích đất nông nghiệp dự kiến chuyển mục đích sang đất phi nông nghiệp hơn 120ha. Diện tích đất dự kiến thu hồi hơn 90ha. Diện tích chưa sử dụng đưa vào sử dụng hơn 2.300ha. Dự kiến, số tiền thu được từ đấu giá đất khoảng 81 tỷ đồng…
Huyện sẽ triển khai 89 công trình, dự án, trong đó, 1 công trình, dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh; 56 công trình, dự án chuyển tiếp từ năm 2018; triển khai mới 32 công trình, dự án.
Để hoàn thành kế hoạch sử dụng đất năm 2019 đạt hiệu quả cao, huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức công bố, công khai kế hoạch sử dụng đất đến các cấp, các ngành, các chủ đầu tư và nhân dân trong huyện biết để thực hiện, tạo điều kiện để mặt trận, đoàn thể và nhân dân tham gia giám sát.
Thường xuyên thanh, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2019. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các công trình dự án, khắc phục tình trạng “quy hoạch treo”. Kiên quyết thu hồi diện tích đất các dự án không sử dụng, chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích…
Đồng thời, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, Quỳnh Nhai sẽ tăng cường quản lý, bảo vệ, khôi phục, phát triển vốn rừng, chú trọng phát triển lâm sản ngoài gỗ, các cây đa mục tiêu như mắc ca, cây dược liệu… Trồng mới rừng tập trung theo hướng liền vùng, liền khoảnh. Canh tác trên đất dốc kết hợp với các biện pháp bảo vệ đất như xây dựng hệ thống nông lâm kết hợp, xây dựng nương định canh, băng cây xanh, trồng cây bằng biện pháp đào rãnh, hố, tránh xói mòn đất.
Ưu tiên chuyển đổi diện tích đất trồng cây hàng năm sang trồng cây lâu năm có giá trị kinh tế cao như cà phê, cây ăn quả. Tận dụng diện tích đất lòng hồ công trình thủy điện trên địa bàn áp dụng chính sách hỗ trợ cá nhân, tổ chức nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch hệ thống sản xuất thủy sản tại khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La đến năm 2020, định hướng 2025.
Tạo điều kiện về thủ tục, thu hút vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân, ưu tiên đầu tư và ưu đãi cho vùng khó khăn về cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật… Từ đó, nâng cao đời sống nhân dân, làm cho người dân có trách nhiệm hơn trong việc khai thác có hiệu quả và bảo vệ đất đai. Bên cạnh đó, các nguồn thu từ đất cần được trích lại một cách phù hợp nhằm cải tạo đất, điều tra, đánh giá, phân loại, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.