Trước tình hình khô hạn, xâm nhập mặn đến sớm và dự báo diễn ra trên diện rộng, các tỉnh – thành ĐBSCL cần nhanh chóng đề ra những biện pháp ứng phó.
Theo kết quả đo đạc vừa được Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam công bố, mực nước đầu mùa khô năm 2018-2019 tại trạm Prek Kdam (gần Biển Hồ) thấp hơn so với nhiều năm trước, có nguy cơ gây hạn, mặn sớm cho cả vùng ĐBSCL.
Mặn bắt đầu xâm nhập
Kết quả đo đạc cho thấy dung tích Biển Hồ vào thời kỳ đỉnh lũ năm 2018 lớn hơn so với những năm gần đây nhưng do lũ kết thúc sớm nên nước hồ đang rút nhanh. Đến cuối tháng 1-2019, lượng nước trong Biển Hồ đã thấp hơn cùng thời kỳ năm 2017 đến 3,1 tỉ m3. Dung tích này chỉ còn cao hơn khoảng 2,2 tỉ m3 so với năm hạn lịch sử 2016. Đến thời điểm này, dung tích nước trong Biển Hồ đã xuống ở mức thấp so với ngày bắt đầu mùa khô (từ đầu tháng 11-2018). Do đó, dự báo dòng chảy từ Biển Hồ về ĐBSCL thời gian tới sẽ rất hạn chế.
Riêng kết quả dự báo triều mùa khô năm 2018-2019 của cơ quan trên cũng xác định đỉnh triều rơi vào giữa, đầu mỗi tháng, trong khi mùa gió chướng (ở biển Đông) bắt đầu hoạt động ngay từ đầu mùa khô, làm gia tăng xâm nhập mặn (XNM) vào hệ thống sông, kênh, rạch ĐBSCL.
Còn theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong mùa khô năm 2018-2019, nền nhiệt độ dự báo ở ĐBSCL có xu thế cao hơn nền nhiệt trung bình từ 0,5-1 độ C, nhiệt độ cao nhất ở mức 33-37 độ C. Từ tháng 2-2019 đến cuối mùa khô, có khả năng xuất hiện những đợt mưa trái mùa nhưng dự báo mùa mưa ở ĐBSCL có khả năng xuất hiện muộn hơn so với mọi năm. Với điều kiện khí tượng nêu trên, nguồn nước ngọt có khả năng khan hiếm. Thêm vào đó, nhiệt độ cao sẽ làm gia tăng bốc hơi, XNM và làm gia tăng nhu cầu nước cho cây trồng, vật nuôi.
Ông Phạm Minh Truyền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, cảnh báo hiện tại, mặn đã xâm nhập nhiều nơi ở Trà Vinh. Tại huyện Càng Long và Cầu Kè, độ mặn đo được là 2‰; riêng tại những vùng giáp biển từ 10‰-14‰. “Chúng tôi đã hướng dẫn các địa phương, lúc nào mặn tăng cao thì đóng cống, khi nào đo được độ mặn dưới 1‰ thì mở cống lấy nước vào phục vụ tưới tiêu. Do chủ động lịch mùa vụ và lịch quản lý vận hành cống nên trước mắt bảo đảm không thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân” – ông Truyền nói.
Tại An Giang, mực nước trên các sông, kênh ở địa bàn tỉnh đang dao động theo triều với xu thế xuống dần, ở mức xấp xỉ và thấp hơn từ 0,1-0,3 m so với cùng kỳ năm 2018. Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, các khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của khô hạn gồm các xã, thị trấn: Châu Lăng, Cô Tô, An Tức, Lê Trì (huyện Tri Tôn); An Cư, An Hảo, Nhơn Hưng, Chi Lăng (huyện Tịnh Biên)… Dự kiến thời gian chịu ảnh hưởng trung bình khi xảy ra khô hạn là 2 tháng (đầu tháng 3 đến cuối tháng 4).
Nguy cơ thiếu nước ngọt
Ông Nguyễn Huỳnh Trung, phụ trách Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, bày tỏ lo lắng trước lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đang giảm nhanh. Mực nước cao nhất đo được tại Châu Đốc trong tháng 2 xuống thấp nhất, ở mức 1,29 m, chỉ còn cao 0,12 m so với tháng 2-2018 và 0,15 m so với tháng 2-2016. Mực nước nội đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang từ tháng 12-2018 đến nay luôn ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2018 từ 0,05-0,25 m. Có thời điểm mực nước tại vùng Tây sông Hậu xuống rất thấp, xấp xỉ gần mức thấp nhất trong tháng 1 và 2-2016 (XNM lịch sử).
Hiện các đơn vị chức năng ở Kiên Giang đã thực hiện việc đo độ mặn ở những nơi trọng yếu để lên kế hoạch phòng chống thích hợp. Đến ngày 20-2, độ mặn đo được tại trạm cửa sông Cái Bé ở mức 6,8‰, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 là 2,7‰; tại trạm Rạch Giá trên sông Kiên là 1,1‰, thấp hơn 7,6‰ so với cùng kỳ năm 2018; tại các trạm trên sông Cái Lớn (Gò Quao, Xẻo Rô) dao động từ 3,6‰ – 15,2‰, cao hơn cùng kỳ năm 2018 từ 1‰-3‰.
Theo ông Lê Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp, do địa phương này nằm ở khu vực đầu nguồn sông Tiền nên không phải chịu ảnh hưởng XNM từ biển vào. Tuy nhiên, Đồng Tháp cũng đang chờ được trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện các công trình liên quan đến công tác chống hạn mang tính cấp bách để bảo đảm đủ nước tưới cho hơn 223.000 ha lúa, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày trong vụ hè thu năm nay.
“Mực nước tại các nơi trên địa bàn tỉnh sẽ xuống thấp dần trong những tháng mùa khô và đạt mức thấp nhất vào cuối tháng 5-2019. Tình hình nắng nóng và mực nước thấp trong mùa khô sẽ gây khá nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống” – ông Hùng nhận định.
Nguy cơ mất mùa vụ đông xuân
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết độ mặn cao nhất ở vùng cửa sông trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có khả năng xuất hiện vào khoảng tháng 4 và 5-2019. Mặn sẽ xâm nhập vùng giáp ranh 2 tỉnh Kiên Giang – An Giang qua hệ thống kênh nhánh, tại các khu vực chưa có hệ thống cống, đập ngăn mặn, độ mặn cao nhất tại 2 huyện Tri Tôn và Thoại Sơn có khả năng ở mức cao hơn năm 2018. Tình hình XNM đe dọa đến vụ đông xuân 2018-2019, với tổng diện tích hơn 254.000 ha. Trong số này, phần diện tích có khả năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn 24.000 ha. Ông Lai Thanh Ẩn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, khuyến cáo nếu tình hình XNM diễn biến phức tạp trong khoảng từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4 sẽ ảnh hưởng đến hơn 32.000 ha vụ lúa đông xuân của tỉnh. |