Theo tạp chí Nature Communications, trước đây, các nhà khoa học đã tìm ra việc hút CO2 trực tiếp từ ống khói nhà máy hay các nhà nghiên cứu Canada đã biến bột than thành một vật liệu hiệu quả để hấp thụ CO2.
Thậm chí, khoa học đã biến được khí CO2 chỉ thành chất rắn ở nhiệt độ cực cao, nhưng chính nhiệt độ cao đã khiến công nghệ này không hiệu quả.
Nay một nhóm khoa học quốc tế tại Đại học RMIT ở Melbourne, Úc, đã phát triển một kỹ thuật mới có thể chuyển đổi hiệu quả CO2 từ khí thành các hạt carbon rắn. Điều lý thú là phương pháp chuyển đổi CO2 mới hoạt động ở nhiệt độ phòng. Phương pháp này cho phép làm sạch không khí khỏi khí thải carbon dioxide và ứng dụng sản phẩm trong công nghiệp.
Sau khi hoàn thành quy trình, vật liệu thu được có thể được đặt dưới lòng đất mà không hề gây nguy cơ rò rỉ. Đây là một bước đột phá lớn. Theo giải thích của các nhà khoa học, các công nghệ thu giữ CO2 hiện tại mới biến một chất khí thành một hợp chất lỏng, sau đó nó được bơm dưới lòng đất để lưu trữ. Còn công nghệ chuyển đổi carbon dioxide dạng khí thành carbon rắn mới được phát triển giảm thiểu khả năng rò rỉ, bởi vì vật liệu đã được làm cứng và chôn dưới mặt đất.
Hiện tại, công nghệ này chưa được điều chỉnh thích ứng để sử dụng trên quy mô lớn, nhưng trong tương lai, nó có thể được sử dụng để làm sạch không khí khỏi ô nhiễm do quá trình đốt cháy hydrocarbon.