Trong thời gian tới, TP. Cần Thơ sẽ triển khai thực hiện thí điểm dự án ứng dụng phương án “hạ tầng xanh” nhằm góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu… trên địa bàn thành phố.
Ông Mai Văn Hiệp, Chủ tịch UBND phường An Khánh (quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) thông tin, vị trí khu đất được lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ chọn để cho triển khai thực hiện thí điểm dự án “hạ tầng xanh” trên diện tích khoảng 05 ha, cặp với sông Rạch Ngỗng và khu dân cư Thới Nhựt thuộc phường An Khánh (quận Ninh Kiều).
“Khi biết TP. Cần Thơ chọn phường An Khánh để thực hiện dự án “hạ tầng xanh”, chính quyền và người dân địa phương rất đồng tình, ủng hộ. Thông qua dự án này, sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho sức khỏe và phúc lợi của cộng đồng dân cư, giải quyết tốt hạ tầng xanh trong điều kiện đô thị hóa tại địa phương”, ông Hiệp phấn khởi nói.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu – Trường Đại học Cần Thơ, thành viên tham gia xây dựng dự án “hạ tầng xanh” cho biết: Khi hoàn thành, công trình này không chỉ có chức năng là công viên mà còn góp phần điều tiết nước mặt, tạo cảnh quan không gian sống, cải thiện điều kiện khí hậu.
Cũng theo ông Trịnh Anh Tuấn, điểm mới của dự án “hạ tầng xanh” này là công viên sẽ được thiết kế theo hướng không gian mở trên nền công trình hạ tầng xanh. Bờ sông Rạch Ngỗng được thiết kế linh hoạt theo hướng giữ hoặc gia cố theo hiện trạng tự nhiên nhằm tạo sự thân thiện và cảnh quan sinh thái.
Cùng với đó, các công trình cải thiện môi trường nước và giảm ngập được bố trí lồng ghép vào các công trình cảnh quan. Ngoài ra, các công trình phục vụ lợi ích cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở khu vực đô thị. Đây được xem là giải pháp phù hợp với các vùng đất bằng phẳng như TP. Cần Thơ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ, ông Đào Anh Dũng cho rằng, việc triển khai dự án thí điểm ứng dụng phương án “hạ tầng xanh” tại khu đất công viên dọc bờ sông Rạch Ngỗng và khu dân cư Thới Nhựt nhằm hướng tới mục tiêu tăng khả năng chống chịu đối với ngập lụt, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị và là mô hình điển hình về ứng dụng hạ tầng xanh tại TP. Cần Thơ.
“Trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị có liên quan của TP. Cần Thơ sớm hoàn thiện các thủ tục cần thiết để triển khai dự án “hạ tầng xanh” này trong năm 2019 hoặc chậm nhất là trong quý I năm 2020. Đồng thời, xem xét, mở rộng phạm vi dự án, thiết kế nối liền cho cả phần công viên dọc rạch Bà Bộ – tiếp giáp giữa khu tái định cư Đại học Y Dược và khu tái định cư Cửu Long”, ông Đào Anh Dũng đề nghị.
Theo các chuyên gia quy hoạch cảnh quan đô thị, “hạ tầng xanh” là mạng lưới các thành tố “xanh” được bảo tồn, hoặc tăng cường, thiết lập nhằm giải quyết các tiêu cực của đô thị hóa bằng cách “xây dựng cùng thiên nhiên”, nghĩa là đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo tồn các giá trị của tự nhiên; cung cấp các dịch vụ quan trọng cho con người như bảo vệ họ khỏi lũ lụt hoặc khí hậu khắc nghiệt, giúp nâng cao chất lượng không khí, đất và nước.