Theo một nghiên cứu mới, những vực biển sâu nhất thế giới đang trở thành “hố rác vô tận” của rác thải nhựa.
Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa học tìm thấy sự xâm nhập của vi nhựa trong các vi sinh vật ở rãnh Mariana, khe vực sâu nhất thế giới nằm dưới mực nước biển 10.890 m và 5 khu vực khác có độ sâu hơn 6.000 m. Họ phỏng đoán: “Rất có thể không còn hệ sinh thái đại dương nào không bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm nhựa”.
Được công bố trên Tạp chí Royal Society Open Science, nghiên cứu nhấn mạnh mối đe dọa đến từ các chất không phân hủy sinh học có trong quần áo, thùng chứa hay bao bì. Chúng rơi xuống sông và biển rồi vỡ nhỏ ra và chìm xuống đáy.
Tác động tiêu cực của nhựa tại những vùng biển nông, như khiến cá heo, cá voi và các loài chim biển mắc nghẹn, đã được ghi nhận rất nhiều. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất cho thấy vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều.
Các nhà nghiên cứu đã đánh bắt và xét nghiệm các sinh vật biển từ 6 trong số những khu vực sâu nhất thế giới, gồm rãnh Peru – Chile ở Đông Nam Thái Bình Dương, rãnh New Hebrides và Kermadec ở Tây Nam Thái Bình Dương và các rãnh Nhật Bản, Izu – Bonin, Mariana ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Họ phát hiện loài amphipod ở cả 6 vực sâu này đều bị nhiễm vi nhựa. Điều đáng nói là vùng nào càng sâu thì tỉ lệ sinh vật nuốt phải vi nhựa càng cao. Tại rãnh Mariana, 100% mẫu vật đều bị nhiễm.
Hiện chưa rõ tác động của những hạt vi nhựa này lên sinh vật biển sâu dù các nhà khoa học dự đoán chúng sẽ gặp những vấn đề như nghẽn đường tiêu hóa và hạn chế khả năng di chuyển, tương tự những sinh vật sống ở vùng biển nông hơn. Ngoài ra, chúng có thể yếu đi vì vực sâu là hệ sinh thái khan hiếm thức ăn, khiến các loài động vật ăn xác thối và động vật ăn thịt phải ngấu nghiến bất cứ thứ gì chúng tìm thấy.