Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang có hàng trăm mỏ khai thác khoáng sản được cấp giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, trong số đó có nhiều mỏ được cấp giấy phép đã nhiều năm nhưng không tiến hành khai thác theo quy định của Luật khoáng sản. Dư luận cho rằng, UBND tỉnh Nghệ An cần phải có chế tài thu hồi những mỏ này, tránh thất thu ngân sách, bỏ phí nguồn tài nguyên quý.
Mỏ đá Thung Sánh Tái 2, xã Liên Hợp (huyện Quỳ Hợp) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác cho Công ty TNHH Hà An Quỳ Hợp theo Quyết định số 1284/GP-BTNMT, ngày 30/6/2011.
Diện tích mỏ được cấp phép là 33,13ha, với trữ lượng khai thác đá hoa làm ốp lát là 2.629.616m3; đá hoa làm bột carbonat canxi là 6.206.809 tấn. Thời hạn khai thác của mỏ đá nói trên là tận…29 năm, trong đó thời gian xây dựng cơ bản mỏ là 01 năm.
Giấy phép hoành tráng là vậy nhưng không hiểu lý do vì sao cho đến nay đã gần 8 năm trôi qua nhưng mỏ đá Thung Sánh Tái 2 của Công ty TNHH Hà An Quỳ Hợp vẫn “án binh bất động”, toàn khu vực mỏ được cấp phép hiện vẫn là một khu vực bỏ hoang, cây cối um tùm.
Một người dân ở xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp, thắc mắc: Nghe nói khu vực Thung Sánh Tái 2, xã Liên Hợp được nhà nước cấp phép khai thác đá cho doanh nghiệp. Thế nhưng, không hiểu lý do vì sao từ đó đến nay không hề thấy động tĩnh gì cả?
Tương tự, mỏ ruby – saphir Đồi Tỷ – Khe Mét, xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu) cũng được Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp giấy phép khai thác theo Quyết định số 1812/GP-BTNMT, ngày 27/9/2010, đợn vị được cấp giấy phép là Công ty CP Đá quý và Vàng Hà Nội. Diện tích đơn vị trên được cấp phép khai thác đá ruby – saphir tại xã Châu Bình là 4,72ha.
Tuy nhiên, theo phản ánh cũng như ghi nhận của PV thì khu vực cấp mỏ cho đơn vị trên hiện nay vẫn là bãi đất hoang, cỏ cây mọc um tùm, những hầm hố, ao nước sâu hoắm do quá trình khai thác thổ phỉ từ những năm 90 của thế kỷ trước để lại rất nguy hiểm cho người dân và gia súc vào khu vực nói tên. Công ty được cấp phép khai thác nói trên chỉ thuê hai vợ chồng người dân bản địa trông coi mỏ từ đó đến nay đã gần…10 năm trời.
“Khu vực cấp giấy phép khai thác cho công ty khai thác đá ruby hiện nay một phần người dân đã trồng keo lên vì mãi không thấy chủ doanh nghiệp vào khai thác. Đất đai để hoang hóa hàng chục năm trời hoang phí quá” – Anh Hà, người dân xã Châu Bình phản ánh.
Liên quan đến mỏ ruby – saphir Đồi Tỷ – Khe Mét, xã Châu Bình được cấp phép đã gần 10 năm nhưng chủ doanh nghiệp không tiến hành khai thác, ông Lô Thanh Sơn – Trưởng phòng TN&MT huyện Quỳ Châu, cho biết: Mỏ ruby – saphir Đồi Tỷ – Khe Mét, xã Châu Bình đã được Bộ TN&MT cấp phép khai thác cho Công ty CP Đá quý và Vàng Hà Nội từ năm 2010. Tuy nhiên, từ đó đến nay chỉ thấy đơn vị này vào xây dựng lán trại, xưởng tuyển rồi thuê người trông coi và để đó. Trước thực trạng trên thì UBND huyện Quỳ Châu cũng đã có kiến nghị trong kỳ họp HĐND tỉnh để tìm cách giải quyết nhưng đến nay sự việc vẫn chưa có tiến triển, mỏ vẫn là mỏ “treo”.
Liên quan đến mỏ đá hoa Thung Sánh Tái 2, xã Liên Hợp, đại diện phòng Khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Nghệ An), lý giải lý do mỏ được cấp phép từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa khai thác là do trước đây vướng về công tác giải phóng mặt bằng cũng như thủ tục thuê đất nên doanh nghiệp chưa thể khai thác.
“Theo tôi được biết thì vào cuối năm 2018 Công ty TNHH Hà An Quỳ Hợp đã hoàn thành thủ tục thuê đất và đơn vị này cho rằng họ đang chuẩn bị để tiến hành khai thác trong năm 2019 này” – Ông Trần Văn Phú – Chuyên viên phòng Khoáng sản – Sở TN&MT Nghệ An, thông tin.
Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Nghệ An về công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong năm 2018 UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại hơn 100 đơn vị và đã phát hiện nhiều sai phạm. Trong đó, các đoàn đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An thu hồi 3 giấy phép khai thác khoáng sản của 3 doanh nghiệp, gồm DNTN Phước Thủy (hoạt động tại mỏ đá núi Hùng Vàng, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên); Công ty TNHH Xuân Hùng và Công ty TNHH Thanh Xuân (hoạt động tại mỏ đá Lèn Chùa, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai).
Có thể nói, việc thu hồi các mỏ vi phạm các quy định về pháp luật khoáng sản là hợp lý và hết sức cần thiết. Hơn nữa, những mỏ đã được cấp phép lâu năm nhưng không tiến hành khai thác theo quy định lại càng phải xem xét lại để nhà nước có thể thu hồi để cấp cho đơn vị, nhà đầu tư khác có năng lực thực sự, tránh lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản quý.
Theo quy định tại Luật khoáng sản năm 2010 thì Giấy phép khai thác khoáng sản bị thu hồi trong các trường hợp sau đây: Sau 12 tháng, kể từ ngày giấy phép có hiệu lực, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chưa xây dựng cơ bản mỏ, trừ trường hợp bất khả kháng; Sau 12 tháng, kể từ ngày dự kiến bắt đầu khai thác, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chưa tiến hành khai thác, trừ trường hợp bất khả kháng; Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản vi phạm một trong các nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản 2 Điều 55 của Luật Khoáng sản 2010 mà không khắc phục trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản có thông báo bằng văn bản; Khu vực được phép khai thác khoáng sản bị công bố là khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. |