Tháng 1.2019, Thủ đô Bangkok chìm trong khói mù độc hại chứa bụi siêu mịn. Chất lượng không khí tại thủ phủ của đất nước chùa Vàng và các tỉnh chung quanh đã vượt quá mức báo động, bất chấp các biện pháp dùng vòi rồng phun nước hay triển khai máy bay tạo mưa. Đây chỉ là một trong những hình ảnh điển hình của kẻ thù vô hình mang tên gọi bụi mini.
“Phủ sóng” rộng khắp
Bụi mini (còn gọi là bụi siêu mịn hay bụi mịn) là những hạt bụi cực nhỏ có đường kính 2,5 micromet hoặc nhỏ hơn, được thải ra chủ yếu từ xe cộ hoặc các hoạt động sản xuất. Chúng có thể xâm nhập vào tế bào cơ thể người, phá hủy cơ chế tự bảo vệ, miễn dịch, gây nên một số những căn bệnh cấp tính về đường hô hấp. Thậm chí, theo các nhà khoa học, các hạt carbon đen có thể hấp thụ và mang theo ion kim loại đi vào phổi.
Nghiên cứu của giáo sư Barbara Maher cùng các đồng nghiệp tại đại học Lancaster (Anh) đã cho thấy một hiểm họa. Một lượng lớn những hạt sắt nano trong não không phải từ bản thân cơ thể người sinh ra mà do không khí nhiễm đủ loại bụi mịn.
Gần đây, giới khoa học còn phát hiện, những phân tử bụi siêu nhỏ này còn có thể là tác nhân gây ra các rối loạn về tâm lý. Một cuộc điều tra quy mô lớn được tiến hành đã làm rõ mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và tâm trạng lo âu của nhiều người ở một thời gian nhất định trong môi trường đầy siêu bụi.
Nguy hại hơn, không chỉ về mặt sức khỏe, ô nhiễm bụi siêu mịn tại châu Á không những góp phần vào tác động hâm nóng Trái đất mà còn làm tăng lượng mưa. Các nhà nghiên cứu nhận định: 1/4 khối lượng của 18 triệu tấn bụi siêu mịn này đã vượt qua Thái Bình Dương sang tận nước Mỹ xa xôi. Chúng kết hợp với hơi nước, khí từ đại dương và sa mạc, góp phần khiến thể tích của các đám mây trên Thái Bình Dương lớn hơn, dẫn đến các trận mưa to hơn.
Phòng chống bằng luật hóa
Số liệu thống kê cho thấy, trong những năm gần đây, Trung Quốc và các quốc gia láng giềng hàng năm thải ra khoảng 18 triệu tấn hạt siêu mịn.
Các công trình khoa học cũng thể hiện rõ các hoạt động của con người ngày càng tạo ra nhiều hạt siêu nhỏ. Điều ngạc nhiên ở chỗ, Hàn Quốc, quốc gia tưởng chừng có môi trường trong lành mức cao, lại đứng thứ năm về nồng độ bụi siêu mịn trong các nước phát triển.
Những ngày đầu năm vừa qua, bầu trời xứ sở kim chi liên tiếp bị một lớp bụi dày bao phủ. Lượng bụi do cơ quan thời tiết Hàn Quốc đo được vào ngày 15.1 lên đến 153 microgram trên một mét khối (µg/m3), cao gấp đôi mức 76 µg/m3 – mức được đánh giá là nghiêm trọng. Người dân xứ Hàn phải tự trang bị cho mình khẩu trang và máy lọc không khí để đối phó lại với hiểm họa trên.
Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ phía Trung Quốc khi nước này thải ra một lượng bụi khổng lồ, không chỉ gây ô nhiễm trong nước mà còn tác động không nhỏ tới cuộc sống của người dân Hàn Quốc, nhất là vào thời điểm Đông Xuân.
Để đối phó với tình trạng đó, một mặt, Hàn Quốc và Trung Quốc đã đề xuất trao đổi thông tin về chất lượng không khí cũng như áp dụng công nghệ dự báo liên quan đến bụi mịn. Hai nước ký một thỏa thuận về hệ thống cảnh báo sớm bụi mini. Song song với đó, Seoul cũng muốn hợp tác với Bắc Kinh nghiên cứu các chính sách môi trường để phát triển bền vững.
Bộ Môi trường Hàn Quốc đã chủ động yêu cầu tất cả các cơ quan các cấp thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng ô nhiễm gia tăng như: Chiến dịch khẩn cấp “xe tải làm sạch” trong ngày, giảm giờ làm tại các công sở cũng như hoạt động của các cơ sở đốt rác và ban bố cảnh báo tới người dân.
Quyết liệt hơn, một Ủy ban trực thuộc Văn phòng Thủ tướng được thành lập để chuyên thảo luận chính sách về bụi mịn.
Ngày 15.2 vừa qua, Hàn Quốc cũng đưa ra Luật Đặc biệt về giảm thiểu và quản lý bụi dạng hạt, tạo cơ sở cho các chính quyền địa phương áp dụng những quy định bắt buộc đối với các nhà máy nhiệt điện, cũng như các hoạt động phát thải bụi mịn. Trường hợp nếu lượng bụi mini vượt quá ngưỡng cho phép, cơ quan chức năng các địa phương có quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp nhằm giảm thiểu bụi.
Trong tình huống khẩn cấp, người đứng đầu chính quyền địa phương phải nghiêm khắc điều tiết thời gian hoạt động và tối ưu hóa tỷ lệ của các nhà máy nhiệt điện (sử dụng than đá) và các cơ sở thải bụi mịn với lượng lớn. Các hành vi vi phạm có thể phải đối mặt với mức phạt khoảng 2 triệu won (1.780 USD).
Cũng theo luật, quan chức đứng đầu địa phương có thể đề xuất đóng cửa hoặc giảm thời gian hoạt động, và linh hoạt áp dụng giờ làm việc đối với các trường học hoặc trường mẫu giáo trong trường hợp ô nhiễm bụi mịn ở mức nguy hiểm. Tùy từng nơi, các hạn chế về xe cộ lưu thông cũng sẽ được áp đặt. Với những biện pháp cùng điều luật mới trên, chính quyền Seoul hy vọng đến năm 2022 sẽ giảm 35,8% lượng phát thải bụi mịn so với mức năm 2014.