Hầu hết các công ty châu Âu không có mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mặc dù 80% coi biến đổi khí hậu là rủi ro kinh doanh.
Theo báo cáo hàng năm của Dự án công bố carbon (CDP), chỉ 1/3 trong số những công ty đặt ra các mục tiêu khí hậu có kế hoạch thực hiện kéo dài đến năm 2025. Tuy nhiên, các công ty lại tập trung hành động vào thượng tầng với 47% doanh nghiệp thưởng cho CEO về hiệu suất khí hậu và 1/4 khuyến khích các mục tiêu môi trường.
Các công ty châu Âu hiện chiếm một nửa trong danh sách “hạng A” về môi trường của CDP. Steven Tebbe, giám đốc điều hành tại Châu Âu của CDP ca ngợi việc công khai khí hậu được đưa vào tài chính dòng chính: “Thập kỷ tiếp theo rất quan trọng nếu chúng ta thay đổi thành công sang một nền kinh tế bền vững, các công ty sẽ nằm ở trung tâm của quá trình chuyển đổi này”.
Steven Tebbe cũng nhận định trong thập kỷ hiện tại, các công ty hạng A theo Chỉ số các nhà lãnh đạo biến đổi khí hậu toàn cầu Stoxx có hiệu suất vượt trội 5,5% mỗi năm so với những công ty khác.
Mặc dù 53% các công ty được khảo sát chưa có mục tiêu khí hậu, song có tới 58% cho biết có cắt giảm carbon vào năm 2018, với tổng mức giảm tương đương 85 triệu tấn CO2 – bằng lượng khí thải hàng năm của Áo.
Một cái tên trong danh sách hạng A, công ty quản lý tài sản Landsec, đã cắt giảm 17% lượng khí nhà kính kể từ năm 2014 – trên đường đạt kế hoạch giảm 40% vào năm 2030.
Caroline Hill, người phụ trách bộ phận bền vững của Landsec cho biết công ty đã giảm mức tiêu thụ năng lượng tại các văn phòng ở London và các trung tâm mua sắm ở ngoại ô bằng cách nâng cấp hệ thống chiếu sáng thành đèn LED và lắp đặt một cách có hệ thống các tấm pin mặt trời trên mái nhà.
Năm nay, CDP nhận được công bố về khí hậu từ 849 công ty châu Âu tại 23 quốc gia với lượng khí thải kết hợp khoảng 2,3 tỷ tấn CO2 – lớn hơn cả Anh, Đức, Pháp cộng lại.
Các nhà tổ chức chiến dịch đã phản ứng giận dữ khi các công ty nhiên liệu hóa thạch như Engie, Natemony Energy Group SA, Neste Oyj, các công ty hóa chất như Bayer AG, BASF và cả các công ty thực phẩm như Nestlé được đưa vào danh sách hạng A.
Pascoe Sabido, phát ngôn viên của tổ chức Corporate Europe Observatory, cho biết: “Nếu các công ty này đại diện cho các doanh nghiệp lớn thân thiện nhất với môi trường thì chúng ta thực sự gặp rắc rối. Họ không nên tổ chức lễ lạt gì mà nên tránh càng xa các nhà hoạch định chính sách của chúng ta càng tốt”.
Nhật Anh (Theo Theguardian.com)