Trước, trong và sau Tết Nguyên đán cũng là thời điểm các lực lượng chức năng chống buôn lậu gồm: Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường, Công an… căng mình bám địa bàn, kiểm soát chặt khu vực biên giới, nội địa theo văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Trong đó, tập trung đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng; hàng cấm. Cũng không nằm ngoài quy luật cung-cầu, các nhóm đối tượng lợi dụng NK hàng hóa thông thường để giấu động vật, thực vật hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm XK, NK… vì mục đích thương mại.
Ngày 30/1, Đội Kiểm soát Hải quan Hải Phòng đã tiến hành kiểm tra 1 container chứa ngà voi, vảy tê tê được ngụy trang trong lô hàng gỗ NK từ châu Phi. Lô hàng được vận chuyển từ cảng Apapa (Nigeria, châu Phi) quá cảnh qua Singapore và vận chuyển về cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Cảng đích đến cuối cùng là cảng VIP Green (Hải Phòng). Khám xét ban đầu (tại cảng VIP Green), lực lượng Hải quan thu giữ khoảng hơn 100 kg ngà voi và hơn 1 tấn vảy tê tê. Người nhận hàng trên vận đơn cũng là Công ty TNHH XNK VIC Thanh Bình (địa chỉ tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, Hà Nội). Tuy nhiên lô hàng này chưa mở tờ khai.
Một vụ việc khác từng bị lực lượng Hải quan “lật tẩy” là vụ 8 tấn vẩy tê tê và ngà voi cất dấu trong container phế liệu NK qua cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Cụ thể, tháng 9/2018, qua công tác thu thập, phân tích thông tin Cục Hải quan Đà Nẵng đã xác lập nghi vấn 1 lô hàng NK có dấu hiệu nghi vấn chứa hàng cấm dự kiến về Cảng Tiên Sa Đà Nẵng vào đêm ngày 28/9/2018. Lô hàng trên được giấu trong container: MSKU 0147717 thuộc vận tải đơn số 770655775 – Lô hàng chưa mở tờ khai; hành trình từ Nigeria về Đà Nẵng. Tên hàng theo khai báo trên emanifest là nhựa cắt mảnh mới (New plastic PETS). Doanh nghiệp đứng tên NK trên vận đơn là Công ty TNHH Thiên Trường Sử (xóm Đoàn Kết, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An).
Không chỉ phức tạp trên các tuyến cảng biển, qua thông tin tổng hợp từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, lực lượng chức năng từng phát hiện các vụ vận chuyển trái phép động vật hoang dã ở khu vực tiếp giáp biên giới Việt-Trung, Việt–Lào. Tinh vi hơn, trên đường vận chuyển, các đối tượng thay đổi lịch trình xe, thay đổi tuyến đường chạy, cất giấu hàng hóa tại những nơi tự tạo trên xe, xé lẻ hàng hóa vận chuyển bằng nhiều xe, nhiều chuyến, sử dụng biển số giả để đánh lừa cơ quan chức năng, sử dụng phương tiện xe khách, xe chuyển phát nhanh bưu kiện, bưu phẩm, xe gắn máy để vận chuyển.
Như tại Nghệ An, Quảng Bình, thời gian qua, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các loại hàng động vật hoang dã diễn ra ở các khu vực cửa khẩu, các đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới Việt – Lào. Gần đây nhất, tháng 11/2018, Công an Nghệ An đã phát hiện và bắt quả tang một xe ô tô vận chuyển trái phép động vật hoang dã. Tang vật thu được là 6 cá thể khỉ, 10 cá thể dúi, 2 cá thể chồn. Trước đó, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến vận chuyển gỗ và động vật hoang dã quý hiếm từ Lào về Việt Nam như: Tê tê, rùa, gỗ mun…
Cùng thời điểm này, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với phòng Cảnh sát giao thông đã đón, dừng, kiểm tra hành chính xe ô tô mang BKS 38C – 057.40 do Phan Văn Sơn (sinh 1983 trú tại thị trấn Tân Sơn, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh điều khiển chạy từ Nam ra Bắc vận chuyển 1.280 kg rắn hổ mang, 675 kg rắn ráo trâu và 379 kg rùa răng.
Còn ở biên giới Quảng Ninh, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh này cho biết, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm (động vật hoang dã) quý hiếm qua biên giới còn diễn ra và tiềm ẩn phức tạp mọi thời điểm. Ngoài một số mặt hàng tiêu dùng như mỹ phẩm, thuốc lá, rượu, lực lượng chức năng trên địa bàn phát hiện, thu giữ 429 kg vảy tê tê; 666,91 kg và 51 cá thể động vật hoang dã.
Năm 2019, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch công tác năm 2019 theo chức năng, địa bàn, lĩnh vực quản lý. Trong số nhóm các mặt hàng trọng tâm, trọng điểm (như xăng dầu, khoáng sản, phân bón…), Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các lực lượng cần xây dựng các kế hoạch chuyên đề đấu tranh có động vật hoang dã. Mặt khác, giao chỉ tiêu cụ thể cho các cơ quan chức năng về số vụ thanh tra, kiểm tra, vụ phát hiện, bắt giữ, khởi tố vụ án…
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương trong việc chấp hành, thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch chuyên đề, ý kiến chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đổi mới công tác truyền thông cả bề rộng và chiều sâu để xã hội nhận biết tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tuyên truyền cho nhân dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, tham gia tố giác tội phạm, cùng chung tay với các lực lượng chức năng trong lĩnh vực này.