Tỉnh Lâm Ðồng vừa công bố Suối Vàng – vùng rừng và hồ nước lớn thuộc địa phận huyện Lạc Dương và Ðà Lạt với diện tích khoảng 4.000 ha, giáp với khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang – sẽ trở thành “Khu du lịch quốc gia”.
Theo đó, Khu Du lịch quốc gia Ðankia – Suối Vàng sẽ có 760 ha là diện tích xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch. Hiện đã có 19 dự án được ưu tiên đầu tư tại đây; chủ yếu là phát triển kết cấu hạ tầng và xây dựng công trình.
Nhìn về lịch sử, một đặc khu nghỉ dưỡng, Ðankia từng nằm trong tính toán của người Pháp dưới thời Toàn quyền Paul Doumer. Nhưng vì những lý do địa hình phức tạp cũng như nhìn ra vai trò quan trọng quyết định đến môi trường, đặc biệt là duy trì chất lượng và sự ổn định của dòng nước thượng nguồn, người Pháp đã không xây dựng nơi này thành trạm nghỉ dưỡng mà chỉ ngăn đập làm hồ, điều tiết nước, điều hòa khí hậu cho một đô thị Ðà Lạt ở địa thế thấp và bằng phẳng hơn về sau.
Lựa chọn một khoảng lùi với Ðankia – Suối Vàng cho thấy sự sáng suốt và tầm nhìn xa của những nhà quy hoạch Pháp hồi đầu thế kỷ XX. Ðó chính là khoảng lùi cần thiết, góp phần gìn giữ một hệ sinh thái riêng, nguồn năng lượng tự nhiên, tài sản khí hậu tuyệt vời cho Ðà Lạt trong 125 năm qua. Vì thế, trở lại vấn đề biến Ðankia – Suối Vàng thành khu du lịch quốc gia theo bản quy hoạch mà Lâm Ðồng vừa công bố, chắc hẳn những ai quan tâm đến lịch sử môi trường đô thị Ðà Lạt không khỏi băn khoăn, lo lắng.
Có thể nhắc lại một dẫn chứng gần gũi nhất để cho thấy mối băn khoăn, lo lắng ấy là có cơ sở. Sau một thời gian ngắn Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm được cấp phép cho các dự án du lịch nghỉ dưỡng xây dựng, các mảng xanh ở khu vực này bị can thiệp nghiêm trọng. Nhiều lần báo chí, dư luận đã phản ứng việc hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ngang nhiên xẻo rừng tại đây.
Và mối lo ấy càng có cơ sở khi mà chỉ trong chừng 20 năm qua, tốc độ xây dựng bê-tông hóa đã hủy hoại đa số thông xanh trong thành phố, các dòng nước chảy qua thành phố bị ô nhiễm nghiêm trọng trong mùa khô, gần hơn, rừng ở những khu vực quy hoạch phát triển xây dựng dịch vụ du lịch đã bị tàn phá đáng kể.
Nếu điều tương tự xảy ra ở Khu Du lịch quốc gia Ðankia – Suối Vàng, khu sinh quyển đóng vai trò điều hòa khí hậu cuối cùng của Ðà Lạt, thì sao? Chắc chắn nguồn nước, môi trường, hệ sinh thái Ðà Lạt nói chung sẽ biến đổi nghiêm trọng. Khí hậu thay đổi, nguồn tài nguyên thiên nhiên – tặng vật mà tạo hóa ban tặng cho Ðà Lạt – sẽ bị phá hủy, chất lượng sống của cư dân sẽ bất ổn, nói chi đến mục tiêu “phát triển du lịch”.
Cần nhớ, những “lỗi cài đặt” can thiệp thô bạo vào môi trường thì không có cơ hội chỉnh sửa!