Ngày nay, nhiều bạn trẻ suốt ngày dán mắt vào màn hình thay vì ra ngoài tận hưởng thiên nhiên, tuy nhiên, cũng có những người lại sử dụng công nghệ để tạo thành một cộng đồng bảo tồn toàn cầu. Dưới đây là một minh chứng được nhà tự nhiên học người Anh Stephen Moss mô tả bằng bài viết trên tờ Guardian.
Sáu năm trước, tôi đã viết một báo cáo khá ảm đạm cho tổ chức National Trust mang tên Tuổi thơ tự nhiên (Natural Childhood) với đôi chút buồn bã. Báo cáo nêu bật các rào cản của những người trẻ tuổi tham gia vào thiên nhiên: chủ yếu là những mối nguy hiểm từ giao thông, nỗi sợ hãi của cha mẹ về “mối nguy hiểm người lạ”, và ngày càng nhiều người không muốn để trẻ em đối mặt với rủi ro. Tôi kết luận rằng chúng ta phải đối mặt với mối nguy hiểm thực sự về một “thế hệ bị đánh mất”, những người có thể không bao giờ tham gia vào thế giới tự nhiên.
Những người trẻ tuổi đã và vẫn – như chúng ta từng nói – không kết nối với thiên nhiên, chỉ dán mắt vào màn hình trong khi nên ra ngoài tự nhiên. Nhưng điều mà tôi không đoán trước được là chính những màn hình này hiện đang cho phép trẻ em của chúng ta hợp sức để cứu thế giới tự nhiên. Sự phát triển của công nghệ mới – đặc biệt là truyền thông xã hội – cho phép thế hệ mới kết nối với những người cùng sở thích theo phương cách mà khi viết Tuổi thơ tự nhiên tôi không bao giờ tin rằng có thể làm được. Như một nhà Điểu học nói với tôi gần đây: “Cháu nghĩ rằng mình là người duy nhất ở trường nghiên cứu chim chóc, nhưng cháu tìm thấy trên Facebook nửa tá người khác có cùng đam mê ở ngay tại địa phương”.
Abbie Barnes, một nhà tự nhiên học trẻ tuổi khác, người đã leo lên đỉnh Kilimanjaro trong cùng tuần và đạt được kết quả hạng A, giới thiệu cho tôi một chàng trai trẻ làm công tác bảo tồn ở Kenya. Khi tôi hỏi họ quen nhau được bao lâu, Abbie cười đáp: “Bọn cháu chưa bao giờ thực sự gặp nhau trước đây nhưng đã kết nối trên truyền thông xã hội trong vài năm qua”.
Sự nhiệt tình này có thể được thấy khắp nơi và kết quả là một số sáng kiến cao cấp được thúc đẩy một phần bởi các nhà vận động trẻ tuổi, nhiều người trong số họ tham gia vào Tuyên ngôn Chris Packham của con người về động vật hoang dã và Tuần hành vì động vật hoang dã, được tổ chức tại London vào tháng 9 năm 2018.
Packham không hề nghi ngờ gì về việc thế hệ này sẽ tạo ra sự khác biệt thực sự: “Họ sắc sảo, hiểu biết và rất quyết đoán. Giải phóng sự thật trần trụi và hệ tư tưởng tuyệt vời của tuổi trẻ là cơ hội tốt nhất mà chúng ta có được”.
Vậy làm thế nào mà phong trào này phát triển đột ngột và hiệu quả đến thế kể từ báo cáo ảm đạm của tôi? Phần lớn lực đẩy đằng sau bắt đầu tại Hội chợ Birdwatching hàng năm (còn được gọi là Birdfair), được tổ chức tại Rutland vào tháng 8, nơi mọi người từ khắp nơi trên thế giới tụ tập tại quận hạt nhỏ nhất của Anh để chia sẻ niềm đam mê chung với các loài chim.
Cho đến gần đây, điều dễ thấy là sự vắng mặt của một nhóm: những người trẻ trong độ tuổi từ 16 đến 30. Sau đó, nhờ một số cá nhân quyết đoán và có tầm nhìn xa, điều này bắt đầu thay đổi. Ngày nay, hàng tá thanh niên đến thăm Birdfair mỗi năm, tổ chức các cuộc tranh luận, trao đổi các câu chuyện và rèn giũa nghề nghiệp bảo tồn, môi trường và truyền thông.
Nhiều người là thành viên của A Focus on Nature (AFoN), tổ chức có nhiệm vụ “kết nối, hỗ trợ và truyền cảm hứng cho những người trẻ trên khắp Vương quốc Anh quan tâm đến thiên nhiên và bảo tồn, nói lên tiếng nói cho phong trào bảo tồn thanh thiếu niên”.
Ý tưởng cho AFoN thực sự bắt đầu tại Birdfair vào năm 2012, cùng năm tôi công bố báo cáo của mình. Lucy McRobert, một nhà nghiên cứu chim chóc trẻ tuổi đã yêu cầu công ty Opticron tặng ống nhòm cho các nhà bảo tồn trẻ không đủ khả năng chi trả. Opticron đồng ý và chẳng mấy chốc, ý tưởng về một mạng lưới rộng lớn và tham vọng hơn đã xuất hiện: kết nối những người trẻ tuổi với những cố vấn giàu kinh nghiệm hơn, trong các lĩnh vực như viết lách về tự nhiên, truyền hình và bảo tồn động vật hoang dã. Tuy nhiên, chỉ dẫn tốt nhất thường đến từ chính các thành viên, những người bắt đầu phát triển mạng lưới ngang hàng, đưa ra trợ giúp và những lời khuyên thiết thực.
Năm 2015, AFoN tổ chức một hội nghị tại Cambridge dẫn đến việc xuất bản báo cáo Tầm nhìn cho thiên nhiên (A Vision for Nature). Báo cáo chứa đựng một tập hợp các đề xuất cặn kẽ, rõ ràng và khả thi để cứu di sản thiên nhiên, được viết bởi thế hệ những người sẽ phải dọn dẹp mớ hỗn độn mà chúng ta đã tạo ra.
Như dự đoán, mặc dù có sự ủng hộ của nhà tự nhiên học người Anh Sir David Attenborough, báo cáo vẫn bị các chính trị gia và giới truyền thông phớt lờ. Tuy nhiên, kể từ đó, các thành viên AFoN đã hai lần được chính phủ Anh mời đến gặp gỡ các nghị sĩ và cố vấn môi trường.
AFoN không phải là tổ chức thanh thiếu niên duy nhất mọc lên trong những năm gần đây: những tổ chức khác có thể kể tới Bristol Nature Network và Next Generation Birders (đã tan rã), vào năm 2017, tổ chức này đã truyền cảm hứng cho bài báo “Sự nổi lên của người theo dõi chim hipster” trên tờ Telegraph.
Sau đó, có Mya-Rose Craig, hay còn gọi là Birdgirl, năm nay 16 tuổi, đã tạo ra một tác động thực sự trong việc khuyến khích thanh niên dân tộc thiểu số tham gia vào thế giới tự nhiên.
Vậy từ đây AFoN sẽ tiếp tục đi đến đâu? Khi các vấn đề môi trường chúng ta phải đối mặt trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, gần đây, mạng lưới này đã phát động chiến dịch #NowforNature, phản ánh tầm quan trọng của truyền thông xã hội trong việc truyền tải thông điệp.
Các thành viên đầu tiên của AFoN, hiện ở độ tuổi cuối 20 và đầu 30, bắt đầu có nhiều ảnh hưởng hơn. Một số người giữ các vị trí trong các tổ chức bảo tồn, trong khi những người khác làm công tác nghiên cứu, giám sát bảo tồn thiên nhiên, làm phim về động vật hoang dã, nhà báo, blogger và viết lách về thiên nhiên.
Trong số họ phải kể tới Matt Williams, cán bộ chính sách công tại tổ chức National Trust; Megan Shersby, trợ lý biên tập tại tạp chí BBC Wild, và Tiffany Francis với cuốn sách đầu tiên của cô có nhan đề Food You Can Forage được NXB Bloomsbury ấn hành gần đây, cuốn thứ hai mang tên Dark Skies sẽ ra mắt trong năm nay.
Lucy McRobert, người từng giữ chức giám đốc sáng tạo của AFoN năm 2016, hiện là giám đốc truyền thông cho tổ chức Wildlife Trusts. Cô tổ chức và điều hành chiến dịch 30 Days Wild.
McRobert tự hào về những gì AFoN đã đạt được: “Tôi mong muốn được thấy tác động của các thành viên của chúng tôi, dù họ là chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp, CEO, nghệ sĩ, nhà sản xuất chương trình TV, quản lý đất đai và trong nhiều lĩnh vực khác”. Gần đây, cô dành thời gian để đón đứa con đầu lòng: Georgiana, cô bé sẽ đến tuổi thiếu niên vào năm 2036. Lúc đó chúng ta hoặc sẽ khiến thế giới tự nhiên lộn xộn đến mức không thể sửa chữa được nữa, hoặc cuối cùng phải lắng nghe những gì người trẻ nói, để họ cứu hành tinh vào những thời khắc sau rốt.
Khi nhìn vào thế hệ này và thấy sự cam kết, niềm đam mê, sự chăm chỉ và những hành động truyền cảm hứng của họ, tôi đồ rằng họ sẽ thành công.
Nhật Anh (Theo theguardian.com)