Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Nam châu Phi (Phần 1)

Trang mạng moneyweb.co.za có bài phân tích việc các nước khu vực Nam châu Phi chuẩn bị nguồn nhân lực có thể lập kế hoạch, lắp đặt và bảo trì các hệ thống năng lượng Mặt Trời, gió và năng lượng sạch.

Các tua-bin gió tại một cánh đồng ở Vredendal, Nam Phi.

Hiện hơn 600 triệu người ở khu vực Nam châu Phi vẫn chưa được sử dụng điện, do vậy, năng lượng tái tạo ngoài mạng lưới là một trong những cách nhanh nhất nhằm đưa điện đến những khu vực đang có nhu cầu, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và hẻo lánh với số lượng không nhỏ người châu Phi sinh sống.

Theo khảo sát, việc thiếu nguồn cung lao động được đào tạo để lập kế hoạch, lắp đặt và bảo trì năng lượng Mặt Trời, gió và các hệ thống năng lượng sạch khác đang là trở ngại lớn nhất đối với nỗ lực cung cấp điện cho khu vực này.

Giám đốc nhân sự châu Phi Kweku Yankson của BBOXX – tập đoàn về năng lượng sạch hiện đang nỗ lực để mở rộng điện ngoài mạng lưới tại 12 quốc gia từ Rwanda đến Pakistan – cho biết ở Goma, thủ phủ của tỉnh Bắc Kivu, phía đông của Cộng hòa Dân chủ Congo, gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc tìm kiếm những người đủ năng lực hoạt động trong lĩnh vực điện tái tạo, đặc biệt là những quản lý cao cấp.

Trong khi đó, các lao động trẻ tại Rwanda đang háo hức tìm kiếm những cơ hội việc làm nhưng tỷ lệ rất nhỏ trong số họ được đào tạo về công nghệ năng lượng sạch.

Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), nếu không tính nước Nam Phi, chỉ khoảng 16.000 lao động đang làm việc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Nam châu Phi.

Con số này chỉ chiếm khoảng 0,1% lực lượng lao động trong ngành năng lượng tái tạo toàn cầu và ít hơn số người làm việc trong lĩnh vực năng lượng gió ở riêng bang Illinois, Mỹ.

Thực tế trên đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các doanh nhân năng lượng tái tạo và công nhân lắp ráp sản phẩm, bán hàng, tiếp thị, tài chính và sở hữu trí tuệ.

*Hơn 4,5 triệu việc làm đang để ngỏ

Tháng Mười vừa qua, Hội nghị quốc tế về năng lượng tái tạo ngoài mạng lưới ở Singapore phát động chiến dịch Thúc đẩy việc làm (Powering Jobs) với mục tiêu đào tạo khoảng 1 triệu người trên toàn cầu vào năm 2025 để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành năng lượng tái tạo.

Giám đốc về phát triển bền vững Gilles Vermot Desroches của Quỹ Năng lượng điện Schneider cho biết với sự hỗ trợ của Schneider và Quỹ Rockefeller, tổ chức Năng lượng cho mọi người (Power for All) – tổ chức thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo ngoài mạng lưới – sẽ tập trung vào việc xây dựng các kỹ năng ở các quốc gia có tỷ lệ tiếp cận điện đang ở mức rất thấp.

Theo IRENA, nỗ lực trên là một phần của chiến dịch toàn cầu nhằm đáp ứng nhu cầu 4,5 triệu việc làm vào năm 2030 liên quan đến việc mở rộng năng lượng tái tạo ngoài mạng lưới. Một phần của việc mở rộng năng lượng tái tạo ngoài mạng lưới tập trung đạt được mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu về cung cấp năng lượng phổ cập, phù hợp với điều kiện tài chính, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại vào năm 2030.

Châu Phi có thể học hỏi kinh nghiệm từ Ấn Độ. Trong 2 năm gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã hỗ trợ đào tạo hơn 30.000 công nhân lắp đặt điện Mặt Trời. Quốc gia châu Á này đặt mục tiêu đào tạo tổng cộng 50.000 công nhân lắp đặt điện Mặt Trời vào năm 2022.

Giám đốc nhân sự BBOXX Kweku Yankson cho biết một trong những vấn đề lớn nhất đối với việc mở rộng năng lượng tái tạo ngoài mạng lưới ở châu Phi là các hệ thống cần được xây dựng, lắp đặt và vận hành ở những khu vực xa xôi, khó thu hút và giữ chân người lao động đáp ứng yêu cầu.

Ngoài ra, ngay cả ở các quốc gia, chẳng hạn như Rwanda, vốn ngày càng được nhiều công ty đa quốc gia hỗ trợ đào tạo số lượng lớn lao động trẻ, thì thách thức cấp bách nhất xoay quanh việc tìm kiếm các giám đốc, nhà quản lý tài chính có kinh nghiệm, đủ khả năng. Kenya gặp phải khó khăn lớn nhất là vấn đề chi phí.

Sự cạnh tranh giữa các công ty và các nhóm phi lợi nhuận để giành được những tài năng lành nghề nhất ở Nairobi khiến mức lương cho các lao động này đang ở mức rất cao.

Nguồn: