Bình Thuận ngăn chặn cháy rừng

Tỉnh Bình Thuận đang bước vào mùa khô, nhiều diện tích rừng tự nhiên thuộc loại rừng khộp rụng lá, nguy cơ cháy rất cao.

Để ứng phó lực lượng kiểm lâm đã dốc sức tuần tra bảo vệ rừng, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo, thông báo cấp cháy rừng.

Các đơn vị triển khai biện pháp ứng phó PCCCR với vọng gác dã chiến

Ông Huỳnh Hiếu, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận cho biết, toàn tỉnh có hơn 310.000 ha rừng, trong đó 286.998 ha rừng tự nhiên, chiếm 92,3% và 23.842 ha rừng trồng chiếm 7,7%. Nhiều rừng khộp ở vùng giáp ranh tỉnh Lâm Đồng, có địa hình cao, độ dốc lớn, địa thế hiểm trở và bị chia cắt mạnh nên gặp nhiều khó khăn trong quản lý, bảo vệ, chữa cháy rừng. Còn diện tích rừng trồng và rừng trồng chưa thành rừng, chủ yếu là keo, phi lao, bạch đàn phân bố trên các khu vực trọng điểm cháy rừng và tiếp giáp khu vực dân cư, đất canh tác nông nghiệp nên có nguy cơ cao về cháy rừng.

Theo ông Hiếu, rút kinh nghiệm những năm trước, rừng thường bị cháy khi vào mùa khô, từ cuối năm 2018 Chi cục đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các chủ rừng và Ban chỉ huy Bảo vệ rừng – phòng cháy chữa cháy rừng (BVR-PCCCR) cấp huyện, cấp xã củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy (BCH), đồng thời triển khai tổ chức thực hiện phương án PCCCR đã được phê duyệt.

Các đơn vị chủ rừng làm thủ tục đăng ký và cam kết đối với chủ xe cơ giới, xe gắn máy và công cụ thủ công như cuốc, xẻng, cào cỏ, dao, rựa, tẹc đựng nước, kẻng báo động và loa cầm tay trong phạm vi quản lý của đơn vị để phục vụ công tác PCCCR. Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR tỉnh, các Hạt Kiểm lâm cấp huyện và các đơn vị chủ rừng chủ động thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị, công cụ cơ giới phục vụ chữa cháy rừng bảo đảm khi sử dụng phải an toàn và phát huy hiệu quả…

“Hiện các cấp cơ sở trên toàn tỉnh đã củng cố, kiện toàn được 9 BCH cấp huyện, 38 BCH cấp chủ rừng, 68 BCH cấp xã; thành lập lực lượng ứng cứu cấp huyện 180 người, cấp chủ rừng 224 người, cấp xã 512 người; Tổ/đội PCCCR cấp chủ rừng có 173 tổ/1.556 người, cấp xã 237 tổ/2.042 người và 1.289 hộ nhận khoán bảo vệ rừng.

Về phương tiện phục vụ chữa cháy, ngoài các xe ô tô, xe máy công vụ hiện có của các chủ rừng và lực lượng kiểm lâm, đã vận động các cá nhân và hộ gia đình đăng ký được 71 ô tô, 68 máy cày, 1.812 xe máy; công cụ thủ công phục vụ chữa cháy rừng có 1.389 cuốc, xẻng, rựa, cào cỏ… và 2.338 công cụ khác; riêng máy thổi gió đã trang bị cho các BQL rừng và lực lượng kiểm lâm 66 chiếc”, ông Hiếu chia sẻ.

Cày băng trắng

Ghi nhận của PV tại cơ sở các đơn vị chủ rừng và Hạt Kiểm lâm đều triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó PCCCR, cụ thể không giải quyết chế độ nghỉ phép cho cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm đủ lực lượng. Đồng thời, bố trí phương án “4 tại chỗ” trong PCCCR.

Ông Nguyễn Bá Triển, Trưởng BQL Rừng phòng hộ Sông Lũy (Bắc Bình) cho biết, hiện diện tích rừng đơn vị quản lý được cảnh báo cháy rừng cấp III và IV nên không thể lơ là. Đơn vị đã bố trí lực lượng và dụng cụ chứa cháy đầy đủ tại 5 trạm (từ 4-5 người/trạm) phối hợp 300 hộ nhận khoán trên 2 xã Phan Tiến, Phan Sơn, thường xuyên tuần tra, cảnh báo cháy rừng liên tục nhằm ứng phó. Nhờ vậy, mà mới đây tại tiểu khu 102, thuộc xã Phan Sơn xảy ra cháy thực bị, lực lượng đã phát hiện sớm, dập tắt ngay nên không gây thiệt hại về rừng.

BQL Rừng phòng hộ Lê Hồng Phong (Bắc Bình) hiện có 10.209 ha/15.247 ha rừng có nguy cơ bị cháy. Để ứng phó đơn vị đã triển khai đồng loạt các giải pháp như cày băng trắng rừng trồng và cày ranh bao ngạn giáp đất sản xuất nông nghiệp. Cày băng đốt chằn khu vực có nguy cơ cháy cao. Lập vọng gác PCCCR dã chiến tại những điểm cao dễ quan sát. Đốt chằn hai bên đường giao thông Lương Sơn – Hòa Thắng nơi có rừng của đơn vị quản lý. Chỉnh sửa bảng cấm lửa, bảng dự báo cấp cháy.

Bên cạnh đó, đơn vị còn ký cam kết giữa các hộ dân sống ven rừng, gần rừng về công tác BVR, PCCCR. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng tham gia PCCCR. Đặc biệt, duy trì lực lượng trực PCCCR 24/24, tổ chức thường xuyên tuần tra, kiểm soát các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy…

Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, tỉnh đang bước vào mùa khô, vùng trọng điểm cháy rừng cấp II, III có 241.423 ha, chiếm 77,7% diện tích có rừng. Hiện tại các huyện Đức Linh, Tánh Linh và Hàm Tân đã cảnh báo cháy rừng cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), các huyện còn lại, TX La Gi và TP Phan Thiết đang có cấp dự báo cháy rừng từ cấp III và cấp IV.
Nguồn: