Cho đến nay, nỗ lực khai khoáng lớn nhất trên toàn cầu là đào cát, chủ yếu để sản xuất bê tông xây các tòa nhà. Nhưng hoạt động ít được chú ý và phần lớn không được kiểm soát này lại có cái giá quá đắt – gây thiệt hại cho các dòng sông, tàn phá hệ sinh thái ven biển và thậm chí xóa sổ toàn bộ hòn đảo.
Khai thác tràn lan, vô phép và hủy hoại môi trường
Không gì nghe nhàm hơn việc khai thác cát, ngay cả với hầu hết các nhà môi trường. Nhưng ở Ấn Độ, tin tức về các băng đảng tội phạm (mafia) khai thác cát đang kiếm bộn tiền từ việc bùng nổ xây dựng gần đây đã trở thành tin tức nổi bật. Tháng trước, vấn đề đã lan tỏa – một cô gái 17 tuổi tên Kavya ở một làng chài thuộc bang Kerala đăng một video trên ứng dụng điện thoại di động về cảnh những chiếc máy xúc và tàu nạo vét xâm lấn cộng đồng ven biển của cô. “Nền đất dưới chân chúng tôi đang chìm dần”, cô nói. Cảm xúc lan tỏa khắp đất nước. Các diễn viên Bollywood ủng hộ cô, và bây giờ là Tòa án Môi trường quốc gia, một cơ quan chính phủ giải quyết tranh chấp môi trường, xem xét vụ việc.
Khai thác cát là nỗ lực khai khoáng lớn nhất thế giới, chiếm 85% tổng số khai thác khoáng sản. Nó cũng ít bị điều chỉnh nhất, và hoàn toàn có thể là ngành tham nhũng, hủy hoại môi trường nhất. Vì vậy, liệu đây có trở thành bước ngoặt?
Cát sỏi được khai thác quy mô lớn trên toàn thế giới. Nhưng rất ít dữ liệu toàn cầu về hoạt động này được thu thập. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ước tính tổng số vượt quá 40 tỷ tấn/năm. Nhưng ước tính này phải dựa vào một ngành: sản xuất xi măng. Mỗi tấn xi măng cần thêm sáu đến bảy tấn cát sỏi để sản xuất bê tông.
Bê tông sử dụng chủ yếu là cát. Cát cũng chiếm tới 90% nhựa đường. Cát được sử dụng để lấn biển ở những nơi như Singapore, trong các ngành công nghiệp như sản xuất thủy tinh và dầu đá phiến – theo đó cát tạo thành một phần của hỗn hợp lổn nhổn được bơm xuống dưới lòng đất để phá vỡ các mỏ đá phiến và giải phóng khí hoặc dầu tự nhiên.
Khoảng 60% sử dụng cát trên toàn thế giới là ở Trung Quốc, ước tính trong ba năm sẽ tiêu thụ nhiều cát hơn lượng Hoa Kỳ tiêu thụ trong toàn bộ thế kỷ 20. Tuy nhiên, dù khai thác cát luôn ở quy mô lớn, hiện diện khắp nơi và tác động tới môi trường thì việc cấp phép thường được giao cho chính quyền địa phương; đánh giá tác động môi trường là rất hiếm; pháp luật thường bị ngó lơ; và không có hiệp ước toàn cầu nào điều chỉnh việc khai thác, sử dụng hay buôn bán, hoặc thậm chí để thúc đẩy thực hành tốt.
Không phải tất cả các loại cát đều giống nhau. Một số được tinh chế để chiết xuất đất hiếm hoặc kim loại ở nồng độ cao. Nhưng ngay cả cát thông thường cũng không phù hợp cho mọi mục đích sử dụng. Chẳng hạn, cát sa mạc hầu như vô dụng trong xây dựng vì các hạt thường được gió mài tròn nên không liên kết tốt trong bê tông. Những đơn vị khai thác chủ yếu nhắm vào khai thác lộ thiên trên đất liền, nạo vét từ lòng sông hoặc múc lên từ đáy biển.
Hình ảnh vệ tinh từ năm 1995 và 2013 cho thấy tác động của việc khai thác cát trên tuyến đường thủy nối liền hồ Bà Dương của Trung Quốc và sông Dương Tử (Ảnh: Nasa Earth Observatory)
Tuy nhiên, cát biển không thích hợp lắm với bê tông bởi vì cần phải loại hết muối có thể ăn mòn kim loại trong các kết cấu cốt thép xây dựng. Điều đó khiến cát sông là ưu tiên số một – mặc dù việc khai thác, theo nhóm môi trường WWF, thường là hủy hoại môi trường nhất. Thông thường, các giàn khai thác sử dụng gầu kéo để tách cát từ lòng sông. Phương pháp thô sơ và rẻ tiền này có thể làm thay đổi mạnh dòng chảy, gây xói mòn các bờ sông, làm khô các dòng nhánh, gây cạn mực nước, hủy hoại các vùng đất ngập nước và nghề cá. Pascal Peduzzi, nhà nghiên cứu của UNEP, cho biết các tác động còn trở nên tệ hơn do “thiếu phương pháp khoa học thích hợp cho khai thác cát sông dẫn đến nạn khai thác bừa bãi, trong khi quản trị kém và tham nhũng dẫn đến khai thác lậu”.
Các dòng sông sẽ tự lấp đầy các hố do những người khai thác cát đào nhưng với lượng cát bị lấy khỏi các dòng sông thế giới ước tính gấp đôi quá trình hồi phục tự nhiên từ bồi lắng trầm tích thì hiếm khi sông sẽ làm điều đó đủ nhanh để xóa đi thiệt hại. Các nhà nghiên cứu đã nói về một “thảm kịch u ám với những người dân ở vùng cát”.
Hãy xem những gì xảy ra với nơi WWF gọi là “mỏ cát lớn nhất thế giới”: Hồ Bà Dương trên sông Dương Tử ở Trung Quốc. Trong nhiều năm, cát ở dòng chính sông Dương Tử được nạo vét để xây dựng siêu đô thị Thượng Hải ở hạ nguồn, nơi trong thập kỷ qua mọc lên nhiều tòa nhà chọc trời hơn cả New York. Thực tế đó đã bị dừng lại vào năm 2000 vì các giàn khai thác chặn hết cả dòng sông.
Nhưng những người khai thác chỉ đơn giản là di chuyển đến hồ Bà Dương trong vùng ngập của con sông. Hồ lớn nhất Trung Quốc cũng là điểm dừng chân mùa đông lớn nhất châu Á với các loài chim di cư, bao gồm 90% quần thể sếu Siberi trong danh sách các loài nguy cấp. Cho tới năm 2006, theo ước tính được công bố gần đây nhất, mỗi năm những người nạo vét đã lấy đi 400 triệu tấn cát, chủ yếu là từ tuyến đường thủy nối liền hồ với sông Dương Tử.
Lấy đi nhiều cát như thế, những người khai thác đã tăng gần gấp đôi công suất đường thủy, làm cạn kiệt một phần hồ và khiến nó dễ bị hạn hán hơn. Các nhà nghiên cứu cũng đổ lỗi cho việc khai thác làm giảm nghề cá lòng hồ và gây ra sự sụt giảm khốc liệt về số lượng cá heo không vây ở sông chính. Tiến sĩ Lại Tích Quân thuộc Viện Khoa học Trung Quốc kêu gọi lệnh cấm khai thác cát trong hồ.
Đáng lo ngại không kém là tình hình trên sông Mê Công ở Việt Nam và Campuchia. Tiến sĩ Jean-Paul Bravard thuộc Đại học Lyon, trong một nghiên cứu chi tiết cho WWF, nhận ra rằng mỗi năm khoảng 55 triệu tấn cát được khai thác ở hạ nguồn, gần gấp đôi đầu vào từ thượng nguồn. Viện Môi trường Stockholm kết luận rằng việc khai thác đã hạ thấp mực nước sông hơn một mét, đồng thời góp phần gây ra xói mòn bờ biển và xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng, tác động tiêu cực đến cây lúa. Trớ trêu thay, phần lớn cát đã được sử dụng để duy trì hệ thống bảo vệ bờ biển và nâng cao các tuyến đường đồng bằng trên mực nước lũ.
Nhà thủy văn Lois Koehnken cho biết việc khai thác cũng có thể làm suy yếu nghề cá sông Mê Công vốn trực tiếp nuôi sống hơn 60 triệu người. Mối lo lớn nhất, bà viết trong một nghiên cứu cho WWF, là việc nạo vét dòng sông gần thủ đô Phnompenh đang phát triển nhanh của Campuchia, nơi một nhánh sông quan trọng là Tonle Sap nối với dòng chính. Phần lớn nguồn cá sông Mê Công bắt nguồn từ vùng đầm lầy ở đầu hồ Tonle Sap. Cá sinh sản ở đó và quay trở lại dòng chính trong mùa mưa, khi sông Mê Công tràn bờ và buộc sông Tonle Sap chảy ngược lại. Việc nạo vét có thể làm tăng dung tích của dòng chính đến mức ngăn chặn dòng chảy ngược này, sẽ làm khô khu vực cá sinh sản.
Khai thác cát ở sông và biển đã gần như bị loại bỏ ở các nước phát triển, mặc dù không hoàn toàn. Mỏ cát biển cuối cùng của Mỹ là ở Monterey, California, khai thác tới nửa triệu tấn cát mỗi năm. Việc vận hành gây tranh cãi do mỏ đóng cửa vào năm tới, theo một thỏa thuận với chính quyền bang. Ngoài ra, người ta cũng đang thúc đẩy Houston dừng việc khai thác cát trên bờ sông San Jacinto, được cho là đã gây ra bồi lắng – vốn là một phần nguyên nhân trận lụt trong cơn bão Harvey năm 2017.
Nhưng khai thác cát sông và biển vẫn tiếp tục mở rộng ở nhiều nước đang phát triển. Đó thường là ngành kinh doanh vô pháp, chứa đầy tham nhũng và bạo lực. Ở Ấn Độ, quốc gia khai thác cát lớn thứ hai thế giới, khai thác bất hợp pháp diễn ra trên phạm vi cả nước và được điều hành bởi các mafia cát có tính tổ chức cao, thậm chí thường xuyên sử dụng bạo lực, theo báo cáo của Koehnken. Các đơn vị khai mỏ thường hối lộ quan chức, thậm chí các tòa án cũng tỏ ra bất lực. Một cảnh sát đã bị máy kéo đâm chết trong khi cố gắng ngăn chặn việc khai thác bất hợp pháp trong một khu bảo tồn cá sấu quốc gia ở Madhya Pradesh.
Các băng đảng bạo lực bảo vệ những người khai thác cát quanh Nairobi ở Kenya. Các quan chức Malaysia đã bị buộc tội nhắm mắt làm ngơ trong vụ bê bối “đổi tình dục lấy cát”. Từ Java đến Jamaica, đã có những trận chiến trên bãi biển vì cát.
Ở một số nước, các công ty khai mỏ đang hướng ra nước ngoài. Nhưng ở các cửa sông và gần bờ, thiệt hại hệ sinh thái phải hứng chịu có thể không kém các con sông. Nạo vét phá hủy cỏ biển, tạo ra những vạt trầm tích có thể trôi dạt nhiều cây số và có thể gây ra xói mòn bờ biển. Trong quần đảo trũng thấp Maldives ở Ấn Độ Dương, hệ thống bảo vệ cho thủ đô Male đang được gia cố bằng cách sử dụng cát lấy từ các đảo cát ngoài khơi, do đó “nghịch lý… là làm tăng nhu cầu định cư cho dân cư các đảo này”, Peduzzi nhấn mạnh.
Vì vậy, có những động thái để đưa tàu nạo vét ra xa hơn ngoài biển. Anh, ví dụ, bây giờ khai thác tới một phần tư cát từ đáy biển. Nước này đã nạo vét tới 10 triệu tấn, phần lớn là từ các bãi cát ngoài khơi East Anglia ở Biển Bắc, một khu vực vốn bị lo ngại về việc mất trầm tích làm tăng tốc độ xói mòn bờ biển cũng như gây hại cho các loài sống dưới đáy biển như cua và sao biển.
Rất nhiều cát ngoài khơi được sử dụng cho các dự án lấn biển vốn không quan tâm nhiều đến việc muối ăn mòn. Rõ ràng nhất, Singapore đã tạo ra thêm 50 dặm vuông đất đai, tăng thêm 20% diện tích, nhờ hơn một tỷ nửa tấn cát nhập khẩu. Phần lớn số cát đó đến từ Indonesia, nơi có ít nhất 24 hòn đảo nhỏ đã bị xóa khỏi bản đồ và từ Campuchia, nơi ông trùm khai thác cát Ly Yong Phat xuất một lượng lớn cát đến Singapore trước khi chính phủ nước này cấm việc giao dịch vào năm 2016.
Lấn biển là một cơn sốt ở ven biển châu Á, từ đảo Penang ở Malaysia đến vịnh New Manila ở Philippines. Việc xây dựng các đảo nhân tạo xa hoa ở Dubai, dành cho đầu tư bất động sản, đã ngốn hơn 750 triệu tấn. Khi hết cát biển, những công ty xây dựng đảo còn nhập từ Úc – một trường hợp kỳ lạ là xuất cát đến Ả Rập.
Trong khi đó, các thành phố ven biển Trung Quốc, được cho là đã lấn ra đại dương một diện tích đất đủ để tạo nên một Singapore mới mỗi năm. Các dự án bao gồm Thành phố mới Nam Hối bên ngoài Thượng Hải và Tào Phi Điện ở vịnh Bột Hải, nơi đã được quảng bá là một thành phố sinh thái. Trung Quốc cũng đổ cát lên các rạn san hô ở Biển Đông để tạo ra các hòn đảo như một phần lãnh thổ.
Cần siết chặt bằng luật lệ
Vậy nên làm gì? Về mặt kỹ thuật, có một số lựa chọn tồn tại. Một nguồn cát chưa được khai thác là vật liệu tích tụ dưới đáy các hồ chứa. Nạo vét hoặc để thoát ra sẽ là giải pháp tất cả cùng có lợi. Các nhà vận hành đập sẽ nhận được lợi ích qua việc tăng thêm khả năng lưu trữ nước, mặc dù cát thực sự nên được đưa trở lại vào các dòng sông thay vì để xây dựng.
Ở các nước phát triển, các tòa nhà thường bị phá hủy để xây mới, tiềm năng chưa được khai thác là tái chế đống đổ nát của tòa nhà thay vì sử dụng bê tông mới. Một phần ba vật liệu xây nhà ở tại Anh đã được tái chế. Tái chế thủy tinh làm giảm nhu cầu của ngành công nghiệp này đối với nguyên liệu là cát mới. Và có những vật liệu thay thế cho cát trong sản xuất bê tông, bao gồm tro từ lò đốt của nhà máy điện và bụi từ các mỏ đá. Vấn đề là với giá bán dưới 10 đô la một tấn, cát thật sự rất rẻ.
Khai thác cát rõ ràng sẽ tiếp tục, kể cả cát sông. Vì vậy, luật lệ tốt hơn là rất quan trọng. Cát, ở một mức độ nào đó, là một nguồn tài nguyên có thể tái tạo, được tạo ra khi các dòng sông xói mòn ở thượng nguồn và bồi lắng trầm tích xa hơn về phía hạ nguồn. Koehnken nói rằng “sông có thể duy trì được việc khai thác cát”. Nhưng phải có giới hạn. Số lượng khai thác, cô nói, “nên nằm trong phạm vi biến thiên tự nhiên của tải lượng trầm tích dòng sông”. Điều đó cho thấy một quy tắc đơn giản có thể được áp dụng trên toàn thế giới: Khai thác cát trên sông không được vượt quá tốc độ cung cấp cát từ thượng nguồn.
Cho đến khi điều đó xảy ra, những câu chuyện về khai thác cát được không chú ý vẫn sẽ tiếp diễn.
Nhật Anh (Theo e360.yale.edu)