Ngày 19/2, các chuyên gia an ninh cảnh báo mối đe dọa do biến đổi khí hậu – từ việc khiến tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại Iraq và Pakistan trầm trọng hơn đến việc gia tăng các cơn bão tại khu vực Caribe – là một hiểm họa an ninh và yêu cầu phối hợp hành động trước các hiểm họa này.
Phát biểu tại hội nghị về khí hậu và an ninh ở La Haye (Hà Lan), Tổng Giám đốc Viện Cố vấn Clingendael, bà Monika Sie Dhian Ho cho biết: “Biến đổi khí hậu không phải là vấn đề ở tương lai xa. Chúng tôi đang thảo luận về các mối hiểm họa an ninh quốc gia cận kề”.
Về phần mình, giáo sư địa lí Haruna Kuje Ayuba tại Đại học tổng hợp bang Nasarawa (Nigeria) cho biết trữ lượng nước tại Hồ Chad ở châu Phi cạn kiệt, tạo điều kiện cho phiến quân Hồi giáo Boko Haram lôi kéo những người trẻ thất nghiệp tham gia lực lượng.
Trong khi đó, Đại sứ Iraq tại Hà Lan Hisham Al-Alawi cho biết Iraq đang trải qua đợt thiếu nước nghiêm trọng trong khi thời tiết ở thủ đô Baghdad trở nên nóng và khô hơn do biến đổi khí hậu.
Tại hội nghị, Đại sứ Iraq cho biết tổng lượng nước mà Iraq nhận được ít hơn 40% so với trước đây. Để đổi phó, Iraq sẽ phải chi gần 80 tỷ USD đến năm 2035 để xây dựng các hồ tích nước và giảm lượng nước thất thoát. Theo Đại sứ, trước tình hình nắng nóng khô hạn tiếp tục kéo dài, nước này cần khôn ngoan và bắt đầu lên kế hoạch cho tương lai.
Hiểm họa an ninh không chỉ tồn tại ở các nước đang gặp hạn hán. Tại khu vực Caribe, các cơn bão khiến rạn san hô bị hủy hoại, nước biển dâng và nước sinh hoạt thiếu trầm trọng đang đe dọa những ngành kinh tế chính, trong đó chủ yếu là ngành du lịch.
Theo Giám đốc điều hành của Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IADB) Selwin Hart, 90% hoạt động kinh tế trong khu vực này (bao gồm cả du lịch, ngư nghiệp và hoạt động của các cảng biển) đang diễn ra tại khu vực bị đe dọa do nước biển dâng.
Những năm gần đây, các cơn bão đã khiến nền kinh tế tại nhiều quốc gia Caribe bị “tê liệt”. Trong đó, theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), bão Maria hồi năm 2017 đã khiến Dominica thiệt hại khoảng 225% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Tình hình cắt giảm khí thải nhà kính không đạt chỉ tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở ngưỡng 2 độ C, khiến các nước tại khu vực này phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất.
Giới chức quân sự trên khắp thế giới đang ngày càng nhận thức rõ hiểm họa liên quan đến biến đổi khí hậu, họ đã quyết định dời các căn cứ quân sự đến vùng đất cao hơn nhằm đối phó mực nước biển dâng, hạn chế khí thải quân sự, sử dụng nguồn năng lượng sạch và khảo sát các nguy cơ đang biến đổi.
Cũng tại hội nghị trên, Hội đồng Quân sự quốc tế về Khí hậu và An ninh đã được thông báo thành lập, với sự tham gia của nhiều sĩ quan quân đội hàng đầu thế giới, nhằm xây dựng chính sách khống chế các hiểm họa do biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia, khu vực và thế giới.