Tòa án Nepal bác dự án cao tốc xuyên vườn quốc gia nhằm bảo vệ tê giác

Tòa án Tối cao Nepal vừa yêu cầu chính phủ không xây dựng bất kỳ con đường mới nào trong VQG Chitwan mà không có sự chấp thuận của UNESCO, cơ quan quản lý vườn và các bên liên quan khác.

Vườn quốc gia Chitwan là nơi cư trú của quần thể tê giác một sừng lớn thứ hai trên thế giới (Rhinoceros unicornis) cũng như một quần thể đáng kể là hổ Bengal (Panthera tigris) cùng 54 loài động vật có vú khác và hơn 550 loài chim. Đa dạng sinh học đặc biệt của Chitwan khiến nơi này được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới từ năm 1984.

Tê giá một sừng lớn ở VQG Chitwan (Ảnh: Steve Hicks)

Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng các tuyến đường bộ và đường sắt đi qua VQG đã đánh động các nhà bảo tồn và năm 2017, UNESCO đã chính thức cảnh báo Nepal rằng triển khai các dự án được đề xuất có thể đưa Chitwan vào Danh sách Di sản Thế giới bị đe dọa.

Sau cảnh báo của UNESCO, kế hoạch phát triển đường tàu điện Đông-Tây và đường cao tốc Terai-Hulaki được đề xuất đã bị hoãn lại. Phán quyết của tòa án, được đưa ra sau phiên xử ngày 13/2 vừa qua, có nghĩa là chính phủ buộc phải chấp nhận các điều khoản UNESCO đưa ra cho các dự án này.

Theo chi tiết án lệnh, ban hành vào ngày 14/2, các thẩm phán cho rằng việc xây dựng một con đường xuyên qua VQG mà không có sự chấp thuận của UNESCO sẽ vi phạm các hiệp ước và thỏa thuận quốc tế mà Nepal là thành viên. Tòa án cho biết các dự án chỉ có thể được xây dựng sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt bởi Vườn quốc gia Chitwan, UNESCO và các bên liên quan khác.

Tòa án cũng lưu ý một cảnh báo khác do Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đưa ra vào tháng 10/2018, thông qua một lá thư không được công bố công khai, nêu chi tiết các yêu cầu của ủy ban về báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Phán quyết được đưa ra nhằm đáp lại một bản kiến ​​nghị được Luật sư Ram Vendra Simkhada, người đã yêu cầu Tòa án tạm dừng việc xây dựng 30 km đường cao tốc Đông – Tây vì đi qua sinh cảnh của các loài động thực vật nguy cấp, đệ trình lần đầu vào năm 2012.

Nhật Anh (Theo Mongabay.com)

Nguồn: