Với gần 450 nghìn ha đất lâm nghiệp, chiếm khoảng 76% diện tích đất tự nhiên, Tuyên Quang có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Để nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã tăng cường quản lý, cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC (chứng nhận quản lý rừng bền vững của Hội đồng Quản lý rừng thế giới) cho rừng trồng.
Hướng đi này đã phát huy hiệu quả, giúp người trồng rừng đã đạt được các mục tiêu lớn là nâng cao giá trị kinh tế, xã hội và bảo vệ được môi trường.
Công Đa là xã 135 của huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), nhờ trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC, đời sống của người trồng rừng nơi đây đã có nhiều thay đổi.
Ông Ma Văn Duệ, Phó Chủ tịch UBND xã Công Đa cho biết, Xã hiện có 124 hộ dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, với tổng diện tích hơn 448 ha thuộc địa bàn 11 thôn. Rừng được cấp chứng chỉ đã và đang giúp 124 hộ dân xã Công Đa vươn lên thoát nghèo bền vững với thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha.
Là một trong những hộ dân có rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, ông Bùi Quang Chung, thôn Khuân Bén, xã Công Đa cho biết, gia đình ông có 7ha rừng keo đã được cấp chứng chỉ FSC.
Trước đây, do trồng rừng tự do không chú ý đến chất lượng cây giống, kỹ thuật chăm sóc… nên năng suất thấp, giá thành cũng không ổn định, thường xuyên bị thương lái ép giá.
Sau khi trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, rừng của gia đình ông đã được quản lý chặt chẽ, chăm sóc rừng theo đúng kỹ thuật… nên năng suất, chất lượng gỗ được nâng cao.
Được cấp chứng chỉ FSC giá gỗ bán của gia đình tôi cao hơn rừng thường từ 15 – 20%. Năm 2018, gia đình ông khai thác 3,8 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lãi hơn 120 triệu đồng/ha.
Không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC còn giúp người dân thay đổi nhận thức để phát triển rừng theo hướng bền vững.
Ông Nguyễn Văn Nhu, thôn Đồng Giang, xã Công Đa chia sẻ, để được cấp chứng chỉ rừng, các hộ phải tuân thủ nghiêm ngặt bộ 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí như không được sử dụng thuốc diệt cỏ; phải bảo vệ các loại động vật hoang dã; không được đốt thực bì; phải có bảo hộ lao động khi chăm sóc rừng; quá trình khai thác không được để lại dấu tích của xe cộ, chất thải để tránh tác động đến môi trường rừng…Gia đình ông hiện có trên 30ha rừng; trong đó, có 10 ha đã được cấp chứng chỉ FSC.
Ông Nguyễn Văn Nhu cho biết, cũng như nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã, đầu ra cho sản phẩm rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC của gia đình ông rất thuận lợi. Gỗ đến tuổi khai thác sẽ được Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang thu mua và hỗ trợ thêm 100.000 đồng/m3. Do đó, các hộ trồng rừng rất an tâm sản xuất. Đồng thời, thực hiện theo các nguyên tắc trồng rừng để có thêm nhiều diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC.
Với những hiệu quả thiết thực, trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC đã và đang được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn là một trong những xã nằm trong top đầu của tỉnh Tuyên Quang về trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Ông Nịnh Văn Lìn, Trưởng nhóm chứng chỉ rừng FSC, xã Tiến Bộ cho biết, xã hiện có gần 1.500 ha rừng của 668 hộ dân, ở 13/13 thôn trên địa bàn đã được cấp chứng chỉ FSC.
Trước đây, người dân trong xã chủ yếu trồng rừng theo kiểu bột phát, mạnh ai nấy làm nên khi vận động người dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC gặp nhiều khó khăn. Bởi, trồng rừng theo tiêu chuẩn người trồng rừng phải thực hiện các quy trình nghiêm ngặt từ khâu trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch.
Tuy nhiên, để vận động và giúp người dân hiểu rõ về lợi ích khi trồng rừng theo tiêu chuẩn chúng tôi đã mời các chuyên gia về đánh giá, khảo sát, hướng dẫn kỹ thuật… cho người dân. Khi đã hiểu rõ lợi ích từ trồng rừng theo tiêu chuẩn các hộ dân đều hưởng ứng thực hiện.
Hiện nay, rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC của các hộ dân trên địa bàn xã phát triển nhanh, rừng keo 5 năm tuổi phát triển tương đương với rừng keo 9 năm tuổi được trồng theo cách thông thường, sản lượng gỗ cũng tăng từ 10 – 15%.
Qua đó, thu nhập của các hộ trồng rừng theo tiêu chuẩn được nâng cao, đặc biệt là bảo vệ được môi trường…
Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, xác định quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng là một trong những giải pháp quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp nên từ năm 2015, tỉnh Tuyên Quang bắt đầu thí điểm xây dựng chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản trị rừng thế giới FSC.
Tỉnh đã chủ động mời gọi Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang ký kết thỏa thuận hợp tác, lựa chọn đơn vị tư vấn, xây dựng lộ trình cụ thể cho từng hoạt động.
Đồng thời, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố phối hợp với Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang rà soát, triển khai cấp chứng chỉ rừng FSC cho hộ, nhóm hộ gia đình.
Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp.
UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định số 1450/QĐ-UBND ngày 08/12/2017 về việc phê duyệt giao dự toán kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững 2017; trong đó, hỗ trợ một lần chi phí tối đa cho các hộ gia đình cấp chứng chỉ rừng là 300.000 đồng/ha.
Đây là chính sách quan trọng về hỗ trợ đầu tư cấp chứng chỉ rừng cho các hộ gia đình và Tuyên Quang cũng là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước về áp dụng Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ chi phí cấp chứng chỉ rừng.
Tỉnh Tuyên Quang hiện có trên 187.600 ha rừng trồng; trong đó, đã có gần 19.800 ha được cấp chứng chỉ FSC. Tỉnh Tuyên Quang hiện cũng là tỉnh trong top đầu của cả nước về diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC.
Tuy nhiên, việc cấp chứng chỉ rừng ở Tuyên Quang vẫn còn gặp một số khó khăn: quá trình thay đổi nhận thức cho các chủ rừng và người dân trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp còn nhiều hạn chế; diện tích rừng của nhiều hộ dân còn manh mún, nhỏ lẻ khi tham gia quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng chưa mang lại giá trị kinh tế cao, nên chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia quản lý rừng bền vững…
Do đó, thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục vận động người dân duy trì diện tích rừng trồng đã được cấp chứng chỉ; đẩy mạnh các hoạt động để mở rộng diện tích diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ: thành lập nhóm hộ để quản lý rừng bền vững, xây dựng kế hoạch cho từng hoạt động cụ thể trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng…
Đồng thời, tiếp tục thực hiện chuỗi liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp chế biến với doanh nghiệp sản xuất lâm nghiệp, HTX và nhóm hộ trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các bên, đáp ứng được các yêu cầu, nhu cầu của thị trường đồ gỗ xuất khẩu…
Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu từ nay đến năm 2020, mỗi năm có thêm từ 3.000 – 5.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC.