Ngày 19/2, giới chức Australia đã chính thức tuyên bố loài gặm nhấm có tên khoa học là Bramble Cay melomys sinh sống tại dải san hô Great Barrier Reef ngoài khơi bang Queensland của Australia đã tuyệt chủng.
Như vậy, Bramble Cay melomys đã trở thành loài động vật có vú đầu tiên trên thế giới không còn tồn tại do các tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học Australia đã xác nhận thông tin đáng buồn này. Theo họ, trong một thập kỷ qua, loài vật họ chuột này đã không còn xuất hiện tại nơi sinh sống ưa thích của chúng là một hòn đảo nhỏ nằm ở cực Bắc của Australia.
Nguyên nhân chủ yếu khiến Bramble Cay melomys tuyệt chủng “gần như chắc chắn” là do mực nước biển dâng cao, xâm thực hòn đảo, hủy hoại môi trường sống của chúng.
Bộ Môi trường Australia đã đưa Bramble Cay melomys vào danh sách những loài động vật tuyệt chủng của nước này.
Trước đó, theo một kết quả nghiên cứu khác của các nhà khoa học Australia công bố hồi năm 2016, những dữ liệu thông tin có sẵn về tình trạng gia tăng mực nước biển và các hiện tượng thời tiết cực đoan, cũng đã chỉ ra rằng tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự biến mất của loài Bramble Cay melomys.
Bramble Cay melomys được những người châu Âu chuyên đi săn “những con chuột lớn” phục vụ cho các hoạt động thể thao, phát hiện lần đầu tiên vào năm 1845 tại đảo cát ở phía Bắc Australia.