Ngày 15/02, Tập đoàn Itochu của Nhật Bản đã tuyên bố rút khỏi việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than mới và các mỏ than nhiệt nhằm góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Để thực hiện chính sách mới, Tập đoàn Itochu đã bán 12,5% cổ phần trong mỏ than nhiệt có sản lượng 13 triệu tấn/năm ở bang Queensland và thoái 35% cổ phần trong Dự án NCA tại mỏ Newlands và Collinsville (Australia) vào tháng 9/2016.
Với tư cách một Cty có vốn hóa thị trường 29 tỷ USD, trong thời gian tới, Tập đoàn Itochu sẽ tiếp tục thoái vốn các khoản đầu tư đang đổ vào các mỏ than nhiệt tại Australia và Indonesia để chuyển hướng phân bổ vốn đầu tư vào các ngành phát thải cacbon thấp trong tương lai.
Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA) đánh giá: Việc làm của Itochu đã cho thấy sự cần thiết phải hành động khẩn cấp để chống biến đổi khí hậu.
Ông Tim Buckley – Giám đốc Nghiên cứu tài chính năng lượng của IEEFA cho biết: “Sự thay đổi trong định hướng chính sách này dựa trên thay đổi trong một số chính sách phát triển của các Cty và tổ chức tài chính được công bố tại Nhật Bản từ tháng 5/2018, bao gồm Cty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life, ngân hàng Sumitomo Mitsui, Tập đoàn Marubeni, Cty Mitsui & Co hay Tập đoàn Mitsubishi.
Nói chung, IEEFA đánh giá những thông báo này ngày càng có ý nghĩa quan trọng, do các tổ chức tài chính Nhật Bản đang đứng đầu danh sách các tổ chức tài chính toàn cầu tài trợ cho sự phát triển các nhà máy nhiệt điện than mới trên thế giới”.
Lâu nay, các tổ chức tài chính Nhật Bản luôn là những nhà tài trợ vốn hàng đầu cho các nhà máy nhiệt điện than do Nhà nước bảo lãnh vốn ở hầu hết các thị trường mới nổi như châu Phi, Pakistan, Bangladesh, Việt Nam hay Indonesia. Chính vì vậy, động thái mới nhất của Itochu dường như đang cho thấy Nhật Bản sẽ ngừng tài trợ cho việc phát triển nhiệt điện than.
Ông Tim Buckley nhận định: “Những gì xảy ra tại Nhật Bản có ảnh hưởng rất lớn đối với ngành than toàn cầu, đặc biệt là ngành than Australia có 44% tổng sản lượng than nhiệt được xuất khẩu sang Nhật Bản.
Một chuỗi các thông báo từ các tổ chức tài chính của Nhật Bản rút khỏi nhiệt điện than trong 8 tháng qua cho thấy, Nhật Bản đang thực hiện một sự chuyển hướng trong công tác chống biến đổi khí hậu, dù hơi muộn màng”.
Với những sự thay đổi trên, các nhà cung cấp than nhiệt năng toàn cầu cho thị trường Nhật Bản cần xem lại mô hình kinh doanh của chính họ. Đây cũng sẽ là động lực cho các tổ chức tài chính khác trên toàn cầu rút khỏi việc tài trợ cho việc phát triển nhiệt điện than trong tương lai.
Sau khi Cty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life trở thành tổ chức tài chính đầu tiên của Nhật Bản thông báo hạn chế đầu tư cho các nhà máy điện than vào tháng 5/2018, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã lên tiếng kêu gọi toàn thế giới cùng Nhật Bản hành động khẩn cấp, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và cứu Trái đất.
Những sự kiện thời tiết cực đoan tàn phá nền kinh tế Nhật Bản và cướp đi sinh mạng hàng trăm người dân Nhật trong năm qua càng khiến Chính phủ Nhật Bản và các doanh nghiệp nước này quyết tâm hơn trong việc thoái vốn tài trợ vào dự án phát triển nhiệt điện than.