Thời gian gần đây, nhiều người dân sinh sống tại khu Đét, xã Văn Luông, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ rất bức xúc việc một nhóm người đã tự ý san gạt đất để khai thác khoáng sản (quặng talc) gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông.
Điều đáng nói, chính khu vực này, trước đây, UBND tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định xử phạt vì hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Theo đó, ngày 9-2-2018, UBND tỉnh Phú Thọ có Quyết định số 375/QĐ-XPVPHC do Chủ tịch UBND tỉnh ký về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Đức Hòa, khu 12, thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ vì có hành vi khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên địa bàn huyện Tân Sơn với số tiền hơn 860 triệu đồng.
Sự việc chưa được lắng xuống thì ngày 4-12-2018, UBND huyện Tân Sơn lại có Quyết định số 4923/QĐ-UBND cho phép san gạt, hạ cốt nền đối với hộ ông Hà Kim Duyệt tại xã Văn Luông, huyện Tân Sơn với thời gian 30 ngày kể từ ngày ký quyết định.
Địa điểm cho phép san gạt này lại trùng khớp với địa điểm ông Lê Đức Hòa từng khai thác trộm khoáng sản talc và đã bị xử phạt. Việc cho phép san gạt, hạ cốt này, người dân cho biết thực chất là “lách luật” để ăn cắp tài nguyên.
Trao đổi với phóng viên, người dân ở khu Đét cho biết, dưới lòng đất nhà ông Duyệt có mỏ talc với trữ lượng lớn. Do đó, việc xin san gạt, hạ cốt chỉ là “chiêu bài” để ăn cắp khoáng sản. Tại khu vực này, hằng ngày, xe trọng tải lớn chở đất, khoáng sản đi lại rầm rập khiến đường xuống cấp, bụi bặm, nguy cơ gây mất an toàn giao thông… người dân chúng tôi rất bức xúc, phản ánh lên chính quyền nhiều lần, nhưng chẳng biết họ xử lý ra sao, cứ được một thời gian ngắn, tình trạng này lại tái diễn.
Trước phản ánh của người dân, Công an huyện Tân Sơn cùng với chính quyền xã Văn Luông đã xuống kiểm tra. Qua kiểm tra cho thấy, trên khu đất nhà ông Hà Kim Duyệt có một khối lượng đất đá màu nâu xám được gom thành đống với khối lượng khoảng 430 m3 nghi là quặng, gần chỗ tập kết có dấu hiệu đào bới.
Tuy nhiên, khi làm với với đoàn kiểm tra, ông Hà Kim Duyệt lại cho biết, từ ngày 16-12-2018 khi đoàn công tác xuống kiểm tra, cả gia đình ông đi vắng và không biết ai đến đào bới trên khu đất của gia đình.
Đến ngày 22-1-2019, dù thời hạn san gạt, hạ cốt đối với khu đất của hộ gia đình ông Hà Kim Duyệt đã hết thời hạn được 17 ngày, nhưng khi chính quyền xã Văn Luông xuống kiểm tra thì hoạt động khai thác khoáng sản nơi đây vẫn diễn ra và UBND xã Văn Luông buộc phải ra quyết định tạm đình chỉ việc san gạt này.
Trao đổi với phóng viên, ông Tân Khải Hồng, Chủ tịch UBND xã Văn Luông cho biết, trước Tết Nguyên đán, khi thấy việc san gạt, vận chuyển đất đá tại đây, tôi đã báo cáo (qua điện thoại) lên huyện nhưng đến nay (12-2-2019) vẫn chưa thấy ai xuống làm việc. Tại hiện trường, bùn đất được bóc ra, đổ xuống cả sông Bứa, làm ảnh hưởng đến dòng chảy. Cạnh đó là những chiếc hố sâu cả 10m và có dấu hiệu của việc khai thác khoáng sản (quặng talc) trái phép.
UBND xã Văn Luông đã có văn bản yêu cầu dừng hoạt động san gạt, hạ cốt trên khu đất của hộ gia đình ông Hà Kim Duyệt. UBND huyện Tân Sơn cũng cử cán bộ về kiểm tra, lập biên bản, đồng thời có quyết định đình chỉ việc san gạt, hạ cốt tại khu đất này; yêu cầu công an huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND xã Văn Luông thường xuyên kiểm tra, không để tình trạng san gạt trái phép xảy ra trên địa bàn.