Năm 2000, Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan ký kết thỏa thuận để bắt đầu dọn sạch chướng ngại vật trên sông Mê Công để các tàu chở hàng có thể đi từ miền nam Vân Nam đến cố đô Luang Prabang của Lào. Cả Campuchia và Việt Nam, hai quốc gia ven sông khác, đều tham gia vào các cuộc thảo luận đưa đến thỏa thuận.
Từ năm 2000 đến cuối năm 2002, các nhóm công tác của Trung Quốc đã dọn dẹp xong chướng ngại vật trên con sông nối Quan Luy ở phía nam tỉnh Vân Nam và tỉnh Chiang Saen ở phía bắc Thái Lan. Điều này cho phép giao thông thủy diễn ra một cách thường xuyên trong thời gian nước lên.
Tuy nhiên, theo thông tin và quan điểm của chuyên gia Milton Osborne đăng trên trang The Interpreter – thuộc Viện Lowy, Úc, kế hoạch phá đá khơi luồng dòng sông ở Chiang Saen đến Luang Prabang, Lào và đặc biệt là đoạn có mật độ lớn tại ghềnh Khon Pi Luang ngay phía trên thị trấn Chiang Khong, Thái Lan đã không diễn ra.
Chính phủ Thái Lan lo ngại các vấn đề phân định biên giới có thể phát sinh nếu các chướng ngại vật trên sông bị loại bỏ, làm dấy lên nghi ngờ về vị trí chính xác của đáy sông, điểm thấp nhất trong dòng sông sẽ xác định chủ quyền nằm ở đâu. Đồng thời, các nhóm xã hội dân sự địa phương ở những khu vực gần sông trở nên rất tích cực trong việc phản đối bất kỳ hoạt động phá đá nào khác ảnh hưởng tới môi trường.
Mọi thứ dường như dừng lại cho đến năm 2016 khi chính phủ Thái Lan ủy quyền cho một công ty Trung Quốc, Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC), thực hiện một cuộc khảo sát ban đầu về các chướng ngại vật phải được gỡ bỏ trong lúc chuẩn bị phát ngôn về tác động môi trường.
Ngoài những lý do không thể nghi ngờ về quan ngại môi trường liên quan đến vấn đề liệu ghềnh Khon Pi Luang có thể bị xóa hay không, câu hỏi mở rộng hơn là ai sẽ được lợi nếu kế hoạch phá đá ban đầu để đến Luang Prabang thực sự xảy ra?
Theo Milton Osborne, không cần hỏi cũng biết tàu bè và lợi ích của Trung Quốc là những bên hưởng lợi chính từ mối liên kết giữa miền nam Vân Nam và miền bắc Thái Lan. Chủ yếu là vì các con tàu Trung Quốc đông đảo và công suất lớn hơn so với các con tàu cạnh tranh của Lào và dĩ nhiên thương mại bị các công ty Trung Quốc chi phối, bao gồm cả các công ty hoạt động tại tỉnh Chiang Rai của Thái Lan.
Vì vậy, không phải là không có lý khi kết luận rằng nếu việc khơi luồng thực sự diễn ra, tàu bè Trung Quốc sẽ gặt hái được lợi ích chính. Và như vậy sẽ càng làm rõ thực tế rằng Trung Quốc đang thống trị sông Mê Công ở phía dưới biên giới của họ. Điểm này được thể hiện rõ trong một bài viết của Cơ quan truyền thanh quốc gia (NPR) lưu ý đến việc hiển thị sức mạnh một cách có tính toán của các pháo hạm Trung Quốc đi vào khu vực Tam giác vàng ngay dưới biên giới nước này.
Cuộc chiến bảo tồn ghềnh Khon Pi Luang dường như sẽ còn tiếp tục. Nói chung, viện dẫn thương mại để tăng cường giao thông trên sông Mê Công đến Luang Prabang xem ra vô cùng đáng ngờ. Mặc dù có thể có thị trường cho hàng hóa Trung Quốc tại Luang Prabang, nhưng rõ ràng không có loại hàng hóa nào được chuyên chở ngược lại để bán ở Trung Quốc.
Hơn nữa, mở rộng hệ thống đường bộ giữa Trung Quốc và Lào và cuối cùng là một tuyến đường sắt sẽ hữu ích hơn trong việc phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước. Tóm lại, nếu diễn ra thì việc phá ghềnh đá sông Mê Công để tăng cường giao thông thủy dường như phù hợp với kế hoạch của Trung Quốc để mở rộng ảnh hưởng hơn là phát triển các liên kết thương mại lớn với nước láng giềng nhỏ.
Nhật Anh (Theo Lowyinstitute.org)