Liệu đất nước triệu voi có thể trụ được trước Vành đai và Con đường?

Các dự án do Trung Quốc tài trợ ở Lào có thể đẩy nhanh việc xóa sổ quần thể voi.

Văn phòng Đường sắt Trung Quốc ở Côn Minh mới đây thông báo sẽ xây dựng một hàng rào dài 36 km dọc theo dự án đường sắt Singapore-Côn Minh để bảo vệ những con voi hoang dã ở khu vực Tây Song Bản Nạp thuộc phía Tây Nam Vân Nam. Đây là một bước tiến tích cực nhưng không làm giảm bớt mối lo ngại về tác động của đường sắt đối với quần thể voi dọc theo phần còn lại của tuyến đường sắt trung tâm Liên Á dài 3.900 km, đặc biệt ở Lào – nơi sở hữu gần 1.000 con, trong đó, va chạm xe cộ chỉ là một trong nhiều mối đe dọa tiềm tàng phát sinh từ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) đầy tham vọng của Trung Quốc.

Một người Lào vuốt ve con voi ở Lê hội voi tại Paklay, Laos (Ảnh: AP Photo/David Longstreath)

Nếu các quỹ đạo hiện tại tiếp diễn thì sẽ không còn voi ở Lào vào năm 2030 tức chỉ trong 12 năm nữa, chúng ta có thể chứng kiến sự xóa sổ loài voi tại một quốc gia từng được gọi là “đất nước triệu voi” (Lan Xang). Điều gì sẽ đẩy chúng ta đến điểm khủng hoảng đó? Những thách thức khó khăn nhất cho tương lai là gì? Và liệu quần thể voi Lào có thể tồn tại cùng với sự tiến triển của BRI?

Theo Trung tâm bảo tồn voi Xayaboury (ECC), quần thể voi hiện tại của Lào ước tính còn khoảng 400 con voi hoang dã và 450 con voi thuần hóa. Đây là con số mới nhất trong xu hướng giảm dần đều quần thể, tổng số giảm tới gần 90% kể từ năm 1988. Để đảo ngược xu hướng này cho các thế hệ tương lai, phụ thuộc vào việc giải quyết bốn thách thức chính mà cả bốn đều có thể trở nên rõ rệt hơn dưới sự cộng hưởng của BRI.

Đầu tiên là nạn phá rừng. Với 46,7% tổng diện tích, Lào vẫn là một trong những quốc gia được rừng bao phủ nhiều nhất ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, độ che phủ rừng đã giảm đáng kể trong những thập kỷ gần đây – giảm so với mức ước tính 70% diện tích vào giữa những năm 1960. Chính phủ Lào đã đóng một vai trò tích cực trong việc thúc đẩy nạn phá rừng thông qua chính sách thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng để làm cơ chế cho việc “tốt nghiệp” khỏi nhóm các quốc gia kém phát triển vào năm 2020. Những doanh nghiệp nông nghiệp quy mô lớn, khai thác gỗ hợp pháp và trái phép, các dự án khai mỏ, đập thủy điện, cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị hóa đều là những yếu tố góp phần vào nạn phá rừng vốn có khả năng tăng tốc theo BRI.

Liên quan đến nạn phá rừng là thách thức về sự phân mảnh sinh cảnh. Khi mạng lưới đường bộ được mở rộng trên khắp Lào, sinh cảnh tự nhiên bị chia cắt thành những mảnh nhỏ không đủ để nuôi sống các động vật có vú trên cạn lớn như voi. Tương tự, việc khai thác tài nguyên rừng qua các hình thức như khai thác gỗ, nông nghiệp và các hoạt động khác cũng làm ​​môi trường sống bị suy thoái. Trong khi một lớp “hàng rào ngăn voi” có thể giúp tránh va chạm giữa voi và dự án đường sắt cao tốc BRI, nó cũng sẽ làm tăng sự phân mảnh sinh cảnh. Thật vậy, những tác động chia cắt của hàng rào đối với việc di cư và di chuyển của các loài động vật hoang dã nhằm tiếp cận thức ăn, nước uống và nơi sinh sản đã được ghi nhận rõ ràng trên toàn cầu.

Mối đe dọa chính thứ ba đối với quần thể voi là xung đột giữa người và voi. Voi có thể ăn tới 18 giờ mỗi ngày, tiêu thụ hơn 272 kg thức ăn. Mặc dù Lào có lịch sử 4.000 năm sử dụng voi để làm nông nghiệp nhưng đây vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, hơn 70% dân số là nông dân và an ninh lương thực vẫn là một thách thức đeo đẳng. Sinh cảnh của voi bị thu hẹp, các quần thể hoang dã ngày càng di chuyển đến vùng đất nông nghiệp để tìm kiếm thức ăn, tất yếu dẫn tới xung đột giữa người và voi. Khi kết nối cơ sở hạ tầng BRI làm tăng số lượng doanh nghiệp liên doanh nông nghiệp quy mô lớn, xung đột giữa người và voi do các nguồn thực phẩm khan hiếm cũng có khả năng gia tăng.

Cuối cùng là mối đe dọa săn trộm. Ở châu Phi, nạn săn trộm lấy đi tính mạng của 100 con voi mỗi ngày. Ở Lào, nơi tỷ lệ săn trộm thấp hơn nhiều nhưng không thể bỏ qua, trong đó, mối đe dọa chính là dòng voi bị buôn lậu qua biên giới sang Trung Quốc. Trong năm năm qua, người ta ước tính có 80 – 100 con voi đã được đưa qua biên giới tới Trung Quốc (khoảng 25% quần thể bị săn bắt), nơi chúng được bán cho các trại nuôi và rạp xiếc với giá lên tới 250.000 USD mỗi con.

Tuy khá khép kín khi so sánh với dòng chảy xuyên quốc gia, thị trường ngà voi nội địa ở Lào cũng tăng trưởng nhanh chóng từ năm 2013 đến 2018. Khách du lịch Trung Quốc cho đến nay là đối tượng tiêu dùng ngà voi lớn nhất ở Lào (chiếm hơn 80% tổng doanh số) và số lượng này dự kiến ​​sẽ tăng khi các cơ sở hạ tầng BRI mới như tuyến đường sắt Liên Á bắt đầu lăn bánh. Và tăng trưởng du lịch như vậy cũng là một trong những biện minh kinh tế quan trọng cho việc thực hiện các dự án BRI.

BRI: Con voi chui lọt lỗ kim

Vào tháng 11 năm 2013, Trung Quốc công bố hai chương trình kết nối trị giá nhiều tỷ đô la đầy tham vọng trên khắp Nam và Đông Nam Á, Trung Á, châu Âu và châu Phi. Hiện được ước tính là các dự án trị giá hàng nghìn tỷ đô la, mạng lưới đường bộ (vành đai) và hàng hải (con đường) tìm cách thông qua sử dụng các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng lớn trên đất liền cũng như các hiệp định thương mại và giao thông và giao lưu nhân dân, tạo hành lang mới cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Dự kiến BRI cũng sẽ tăng khả năng tiếp cận tài nguyên thiên nhiên, xây dựng mối quan hệ để thúc đẩy lợi ích an ninh của Trung Quốc, tạo cơ hội đầu tư mới cho các công ty và làm nghiêng nền kinh tế chính trị toàn cầu về phía lợi ích địa chiến lược của nước này.

Ở Đông Nam Á, BRI được cấu thành bởi các tuyến hàng hải đi qua Biển Đông đến biển Andaman (qua eo Malacca) và hai hành lang đường bộ: Hành lang kinh tế bán đảo Trung Quốc – Đông Dương (CIPEC) và Hành lang kinh tế Trung Quốc – Ấn Độ – Myanmar – Bangladesh. Với BRI trải rộng hơn, các hành lang này được Trung Quốc (và các quốc gia khác) dựng lên như những chiến xa mạnh mẽ để phát triển kinh tế xã hội, qua đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mang lại sinh kế được cải thiện và an sinh cho hàng triệu người.

Tuy nhiên, những xảo ngữ hoa mỹ như thế khá gây tranh cãi. Như đã được chứng minh trong vô số trường hợp, lợi ích của kết nối cơ sở hạ tầng không được phân bổ đồng đều và trên thực tế, các cơ hội mới thường đi kèm với các mối đe dọa và yếu tố mới gây tổn hại cho xã hội và môi trường.

Đi liền với các mối đe dọa môi trường, nghiên cứu học thuật đã chứng minh rằng các dự án đường bộ và đường sắt mới tiềm tàng nguy cơ gia tăng mất sinh cảnh do khai thác gỗ và nông nghiệp thực phẩm, giảm khả năng sinh sản của các loài nhạy cảm do tiếng ồn vận chuyển, tạo ra rào cản cho sự di chuyển thiết yếu của động vật, thay đổi vi khí hậu rừng và phân bố các loài thực động vật chuyên biệt, gây ra xói mòn đất và tăng nguy cơ sạt lở, tăng thêm sự di cư của con người vào rừng, gây ra xung đột giữa người và động vật, làm tăng nạn săn trộm, khai thác gỗ và cháy rừng.

Khi cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia mở ra cơ hội mới cho vận chuyển hàng hóa và con người vượt ra khỏi biên giới, nạn săn trộm và buôn bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng từ trong và ngoài khu vực cũng gia tăng – bao gồm việc hình thành các điểm nóng mới để tiêu thụ động vật hoang dã như khu vực sòng bạc ở “Tam giác Vàng” – vùng biên giới giữa Lào và Myanmar. Ngoài voi, Đông Nam Á là nơi có tỷ lệ các loài thực vật có mạch, bò sát, chim và động vật có vú bị đe dọa ở mức toàn cầu cao hơn bất kỳ khu vực nào khác trên hành tinh. Các trại nuôi gấu và hổ cũng như nạn săn trộm voi đều được hưởng lợi từ các hành lang BRI (và các chương trình kết nối khác), và sẽ tiếp tục là mối đe dọa dai dẳng cho sự tuyệt chủng loài trong nhiều thập kỷ tới.

Chiến lược sinh tồn

Nếu không có sự can thiệp tích cực của con người, Lào sẽ không còn voi vào năm 2030. Quả vậy, với việc xây dựng đường bộ và đường sắt BRI trước mắt, chúng ta có thể thấy sự tuyệt chủng hoàn toàn của voi bản địa ở Lào thậm chí trước năm 2030. Hiện tại, dường như các nỗ lực ngăn chặn cơ sở hạ tầng BRI ở Lào là vô ích. Tiềm năng tăng trưởng kinh tế là quá hấp dẫn đối với một nước Lào “kém phát triển” và đơn giản là có quá nhiều tiền được tạo ra bởi nhà nước và doanh nghiệp thân hữu. Nhiều người trên khắp đất nước chưa bao giờ nhìn thấy một con tàu, chứ đừng nói đến tàu cao tốc, nên sẽ rất hứng thú về những gì ở tương lai.

Vì vậy, những điều gì khác có thể được thực hiện để chống lại sự mất mát của loài động vật lớn nhất và đáng kính nhất của Lào?

Đầu tiên, mỗi trong bốn thách thức nêu trên đòi hỏi phải có những cam kết phản hồi từ chính phủ Lào và các tổ chức NGO quốc tế. Pháp luật sẽ đóng vai trò rất quan trọng vì chính phủ Lào phải bảo vệ hiệu quả các khu bảo tồn quốc gia và làm việc với các tổ chức đối tác để giải quyết nạn săn trộm bất hợp pháp và các hoạt động liên quan khác. Nhưng Lào cũng là một lời nhắc nhở quan trọng rằng luật pháp đứng riêng rẽ là không đủ.

Cho đến nay, hầu như không có vụ bắt giữ hay truy tố nào được thực hiện đối với những kẻ buôn lậu ngà voi, thậm chí chính phủ Lào còn là một cổ đông chiếm 20% ​​cổ phần tại Đặc khu kinh tế sòng bạc Kings Romans, một điểm nóng buôn bán ĐVHD bất hợp pháp tại quốc gia này.

Từ năm 1989, việc bắt những con voi hoang dã ở Lào trở nên bất hợp pháp và vào năm 1996, tất cả các hoạt động buôn bán ĐVHD (trừ cho mục đích nghiên cứu hoặc bảo tồn) đều bị cấm. Tuy nhiên, nạn săn trộm vẫn tiếp tục, một phần do những thách thức song hành của quản trị nhà nước yếu kém và tham nhũng, nhưng cũng vì các khu vực pháp lý “lờ mờ” còn lớn – đáng chú ý nhất là các bộ phận của voi thuần hóa vẫn có thể được phép bán.

Tương tự, trong sáu năm qua, chính phủ Lào đã ban hành một số lệnh cấm và thông báo đình chỉ hoặc giảm các hoạt động khai thác gỗ phá hủy sinh cảnh của voi. Tuy nhiên, hoạt động khai thác gỗ tràn lan vẫn tiếp tục, như đã chứng minh bằng vụ bắt giữ năm 2017 với hơn hai chục xe gỗ khai thác trái phép thuộc sở hữu của vợ một tỉnh trưởng nổi tiếng ở miền Nam.

Chiến lược thứ hai nên được thực hiện là các cơ sở hạ tầng giao thông mới phải đi kèm với các hành lang bảo tồn. Hành lang bảo tồn cho phép di chuyển và di cư an toàn của quần thể voi và các loài khác bằng cách thiết lập các con đường cho ĐVHD đến môi trường sống vốn bị chia cắt bởi các tuyến cơ sở hạ tầng. Lý tưởng nhất, những hành lang này nên được thiết lập cả trong nước và xuyên quốc gia. Để có một ví dụ thành công về hành lang nội địa, Lào không cần tìm đâu xa mà chỉ cần nhìn sang hành lang ĐVHD quốc lộ 304 dành cho hổ Đông Dương của nước Thái Lan láng giềng.

Thứ ba, khi cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia và sự vận chuyển của hàng hóa và con người gia tăng trên khắp Trung Quốc và lục địa Đông Nam Á, cần có các sáng kiến ​​bảo tồn môi trường song phương và đa phương rộng hơn. Cho đến nay, hợp tác môi trường đa cấp trong khu vực chủ yếu chỉ giới hạn ở đối thoại ven sông Mê Công – Lan Thương – và ngay cả ở đây cũng có rất ít thành công trong việc ngăn chặn các dự án gây ô nhiễm môi trường cao. Sinh cảnh và quần thể voi vượt ra khỏi biên giới quốc gia, do đó cũng phải có các sáng kiến ​​để đảm bảo sự chăm sóc và bảo vệ loài.

Ở quy mô địa phương, muốn bảo tồn voi thành công trong tương lai, cần cung cấp sinh kế thay thế cho quản tượng. Theo truyền thống, voi nuôi ở Lào đã được sử dụng làm động vật kéo trong ngành khai thác gỗ. Tuy nhiên, trong 20 năm qua, việc tăng cường khối lượng công việc của voi đã ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của quần thể, vì thời gian mang thai và cho bú kéo dài đã khiến phần lớn quản tượng tìm cách không để voi sinh đẻ – điều sẽ làm giảm thu nhập trong gần ba năm.

Khi nhận ra thách thức này cũng như sự căng thẳng về thể chất mà ngành khai thác gỗ tác động lên voi, việc sử dụng voi để kéo gỗ hiện giờ là bất hợp pháp. Điều này có thể cho phép tăng sinh sản trong tương lai, tuy nhiên trong ngắn hạn, nhiều quản tượng thất nghiệp đã tìm cách bán voi – thường cho những người mua sẽ đưa chúng ra khỏi lãnh thổ Lào. Thiếu việc làm cho quản tượng cũng khiến nhiều con voi thuần hóa bị bỏ lại đến chết trong rừng, để các bộ phận cơ thể của chúng có thể được đem bán. Để ngăn chặn việc mất thêm voi kiểu đó, cần thiết phải có thu nhập thay thế khả thi. Du lịch có một vai trò quan trọng ở đây, nhưng cũng phải được quy định chặt chẽ để đảm bảo rằng voi không bị ngược đãi.

Cuối cùng, nếu quần thể voi của Lào sống sót trước các mối đe dọa tăng dần của BRI và các chương trình kết nối khác, điều quan trọng là thiết lập được các chương trình nhân giống thành công. Hiện tại, số lượng voi mới sinh ở Lào thấp hơn số lượng voi bị mất do các nguyên nhân tự nhiên và phi tự nhiên. Chính xu hướng giảm này dẫn đến dự báo về việc biến mất hoàn toàn loài voi ở nước này vào năm 2030. Quá trình mang thai của voi kéo dài từ 18-22 tháng và sau đó là 3-4 năm cho bú, thời gian giữa các lần sinh lên tới bốn đến năm năm, và trên hết, chỉ có một tỷ lệ nhỏ voi cái hiện tại có khả năng mang thai do các vấn đề sức khỏe sinh sản.

Một tổ chức đang cố gắng thiết lập một chương trình nhân giống là ECC, hiện đang nuôi 29 con voi, trong đó 12 con thuộc sở hữu của trung tâm, 12 con của chính phủ Lào và bốn con được thuê cho mục đích nhân giống. Thông qua hợp tác với Viện Smithsonian, ECC đã thiết lập một chương trình nhân giống thành công và một phòng thí nghiệm nội tiết đầy đủ chức năng. Trong tương lai, ECC cũng hy vọng sẽ thả những con voi được nuôi nhốt vào Khu bảo tồn quốc gia Nam Pouy (NPA) rộng gần 200.000 ha. Bằng cách hợp tác với chính phủ Lào, chương trình nhân giống của ECC tìm cách (tái) tạo ra các quần thể nhân giống bền vững trong tự nhiên.

Hy vọng cho tương lai?

Công việc của ECC và một số ít cá nhân có cam kết khác mang lại một số hy vọng cho sự sống còn trong tương lai của loài động vật có vú lớn nhất và có ý nghĩa lịch sử nhất của Lào. Nhưng không có bất cứ điều gì chắc chắn ở thì tương lai. Những con voi đang chết và biến mất với tốc độ nhanh hơn so với những con được sinh ra nên số lượng cá thể đang giảm dần. Với những thay đổi sâu sắc mà chúng ta có thể thấy trong những năm tới thông qua BRI, rất có khả năng đất nước triệu voi sẽ sớm trở thành vùng đất không có con voi nào.

Nhật Anh (Theo Diplomat)

Nguồn: