Đang ngồi nói chuyện, điện thoại ông Nguyễn Thanh Tú (57 tuổi, trú tại xã Thạch Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) đổ chuông. “Alo Tú voọc xin nghe…”. Qua trao đổi chừng 2 phút, ông Tú bật dậy: “Bà con báo tin là có người lạ vào rừng. Tui phải chạy vô đó xem ra sao”.
Người viết bài này cũng kịp chụp mũ đội lên đầu rồi lên xe máy phóng theo ông…
Trốn vợ tìm… voọc
Đến cửa rừng Hung Sú, đã thấy mấy người lạ mặt đang ngó nghiêng lên phía núi đá. Khi hỏi, một người trong nhóm trả lời là hay tin có đàn voọc quý nên đến xem và chụp ảnh. Ông Tú ôn tồn: “Mấy anh không được vào đó làm ảnh hưởng đến bầy. Khi mô có mấy chú bên kiểm lâm đi cùng thì mới được vào”.
Cái duyên mà ông Tú gắn bó với đàn voọc như chuyện truyền kỳ. Vốn là sỹ quan biên phòng nên khi giã từ binh nghiệp ông vẫn giữ thói quen vào rừng khi rảnh tay. Đầu năm 2012, ông kiếm được ít cây sưa (huê) mang vào rừng Hung Sú để trồng. Lúc nghỉ tay, ông mới phát hiện có mấy con thú đu cây băng qua dãy lèn vôi. Ông lặng người theo dõi và chợt lóe nhớ những bài giảng nhận diện thú quý hiếm lúc tại ngũ.
“Voọc quý đây rồi”, ông suýt reo lên. Về nhà, ông Tú tìm đến những người lớn tuổi hỏi thăm mới được biết vùng lèn đá vôi nằm giáp ranh Thạch Hóa và Đồng Hóa có đàn voọc khá đông sinh sống. Sau đó, thợ săn khắp nơi tìm về để đặt bẫy, bắn vô tội vạ. Đàn voọc hao tổn dần, còn lại số ít thì di tản đi nơi khác. Mấy năm gần đây, thi thoảng đàn gần chục con có vài lần quay lại. “Đó là loài voọc đen, má trắng, đuôi dài, còn gọi là voọc Hà Tĩnh, rất quý hiếm ở Việt Nam”, ông Tú nói.
Liền cả tháng sau đó, cứ hai ba hôm ông lại vào rừng, trèo lên dãy lèn đá vôi để tìm xem đàn linh trưởng quý này sinh sống ở đâu. Thấy chồng vào rừng đều đặn, bà Nguyễn Thị Tâm (vợ ông) cứ nghi hoặc. Hỏi thì ông nói đi trồng cây. Có lần, bà nghe người ta nói chồng mình cứ mỗi ngày nắng to lại gùi nước lên đổ vào các hốc lèn đá lại càng khó hiểu.
Căn vặn mãi, ông Tú mới thủng thẳng: “Nắng khô hạn, tui mang nước đổ vô hốc đá cho đàn voọc trên lèn Hung Sú uống đó chớ. Nếu không chúng đi tìm nước là bị người ta săn bắt ngay”. Đến lúc đó bà Tâm mới thở phào: “Ôi dào, rứa mà ông cứ giấu diếm làm tui sinh khổ. Chớ ông làm điều thiện đó thì mẹ con tui cũng ủng hộ liền. Hôm mô cần, mẹ con tui phụ giúp mang nước thêm cho bầy nớ luôn”.
Gần một năm sau, đàn voọc khá quen thuộc với hình bóng của ông Tú. Chúng không còn hoảng sợ khi nhìn thấy người đang quan tâm đến mình. Nhiều lần, cả đàn vắt vẻo trên ngọn cây nhìn ông rồi kêu ríu rít như chào đón. Ông Tú mừng đến rơi nước mắt.
Chưa là khu bảo tồn, vẫn giữ
Gần trưa, chúng tôi theo ông Tú và các anh kiểm lâm huyện vào Hung Sú xem đàn voọc sưởi nắng. Cuối năm nhưng trời không lạnh nên bầy voọc ít ra mỏm lèn đá sởi nắng. “Trời nắng kéo dài nên đàn chỉ ra tầm trước 9 giờ sáng sau đó chúng vào lùm cây lớn để tránh. Nhưng bây giờ, tui có cách gọi bầy ra”, ông Tú cho hay.
Tiếng nhạc réo rắt từ máy điện thoại phát lên, chừng hơn chục phút sau, trên ngọn cây lớn đã xuất hiện những chú voọc đầu tiên. Sau nhóm “tiền trạm” này là thêm mấy con nữa đu bám trên ngọn cây nhìn xuống.
Qua ống nhòm, thấy đàn tỏ vẻ thích thú. Có con gãi đầu, con đưa chân trước lên cào cào ra trước mặt như ra tín hiệu chào. Có con còn hứng chí nhảy tót xuống tảng đá ngồi chồm hổm nhìn ra mà chẳng hề sợ. “Nghe tiếng nhạc và nhìn thấy có người trong tổ bảo vệ thì đàn kéo ra chứ không sợ chi mô. Voọc cũng khôn lắm biết phân biệt người quen, người lạ đó mà”, ông Tú nói.
Theo ông Tú, khi khẳng định được đàn voọc đã về trên vùng Hung Sú, ông đã báo cho Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình để có kế hoạch bảo vệ. Việc bảo vệ hiện đang được giao cho cộng đồng dân cư hai xã Thạch Hóa và Ðồng Hóa.
Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cho rằng đó cũng chỉ mới là giải pháp trước mắt, về lâu dài phải có đề án bảo tồn loài động vật quý hiếm này. Trên tinh thần đó, Chi cục đã tổ chức hội thảo tham vấn xây dựng phương án bảo tồn quần thể voọc gáy trắng và xây dựng đề án Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc gáy trắng huyện Tuyên Hóa.
“Phải nhanh chóng có được phương án bảo vệ tốt cho đàn voọc chứ không thể dựa vào sự tự nguyện của những người dân. Chúng tôi đã xây dựng đề án khu bảo tồn với diện tích 175 ha trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện. Việc xây dựng đề án bảo tồn loài và sinh cảnh đối với quần thể voọc gáy trắng hiện nay là hết sức cấp bách”, ông Thái quyết tâm.
Tổ bảo vệ của ông Tú voọc cũng mong muốn như vậy. Vì hàng ngày vẫn có người dân tự do đi vào rừng mà tổ bảo vệ khó kiểm soát hết được. “Dù chưa có khu bảo tồn thì mỗi ngày qua, chúng tôi vẫn tự nguyện bảo vệ, giữ cho đàn voọc được yên ổn và phát triển tăng thêm”, ông Tú khẳng định.
Sau hơn 5 năm được bảo vệ, từ số lượng 10 cá thể ban đầu, đàn voọc đã có được số lượng trên 100 con. Nhiều nhà khoa học và chuyên gia về bảo tồn linh trưởng cho hay, đàn voọc gáy trắng quý hiếm sinh tồn, phát triển trên khối núi đá vôi bên cạnh cộng đồng dân cư, thân thiện với con người như ở Hung Sú là rất độc đáo và hiếm có.