Cuộc chơi của nghệ thuật BOARC không chỉ đẹp mà còn là điển hình của sự đam mê, lòng kiên nhẫn.
Hoàng Tuấn Long bên mô hình điện Capitol.Bảo tàng Ripley’s Believe It or Not nằm ở Orlando, tiểu bang Florida, Mỹ là nơi được xem là “thánh địa” của giới hâm mộ “kỳ nhân, quái sự”. Nó thuộc sở hữu của họa sĩ biếm họa, doanh nhân và nhà phiêu lưu được nhiều thế hệ người Mỹ hâm mộ là Robert Ripley. Cùng các cộng sự, ông đi vòng quanh thế giới để thu thập những mẫu vật độc đáo, hình ảnh về các nền văn hóa còn bí ẩn khi đó, những câu chuyện khó tin hay đơn giản là những sự thật ít người biết.
Từ các mẩu lượm lặt trên báo, đến nay, Ripley đã phát triển thành chương trình truyền hình ăn khách, cả trăm cuốn sách cũng như hơn 30 bảo tàng tại nhiều nước với tổng cộng hơn 20.000 hình ảnh và 30.000 mẫu vật “kỳ quái”. Có thể kể đến một phần Bức tường Berlin, cục than vớt từ xác tàu Titanic hay mẩu tóc của “cha già” nước Mỹ George Washington. Góp mặt trong bộ sưu tập độc đáo của Ripley, có không chỉ một, mà là hai công trình của một kiến trúc sư người Việt: Hoàng Tuấn Long.
Điện Capitol bằng tăm
“Đó là một nhân duyên tình cờ”, Hoàng Tuấn Long mở đầu câu chuyện của mình như vậy. “Chơi” với tăm giang từ năm 2005, thực hiện nhiều công trình văn hóa ấn tượng của Việt Nam như mô hình chùa Một Cột, Ngọ Môn Quan, chợ Bến Thành… và cả của các nước như đền Tajmahal (Ấn Độ), nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed (Abu Dhabi), điện Capitol, tượng đài Washington (Mỹ)… kiến trúc sư trẻ này là một trong những kỷ lục gia được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận.
Sáng tạo của Hoàng Tuấn Long không chỉ đơn giản là ghép nối các cây tăm lại với nhau mà là một bài toán ứng dụng công nghệ nghiêm túc. “Sau khi thiết kế mô hình bằng 3D, tôi sẽ tính toán để có thể cho ra các tấm mica làm trụ đỡ. Công nghệ cắt laser giúp tôi có những điểm nối chi tiết rồi từ đó, xỏ tăm giang vào để thành từng bộ phận. Công đoạn cuối cùng sẽ là ráp nối”, anh chia sẻ.
Kể ra thì đơn giản vậy nhưng tất cả các công đoạn đều cần đến sự khéo léo, khả năng tính toán chi tiết. Đơn cử, để làm nên mô hình chùa Một Cột, anh Long phải dùng đến gần 110.000 cây tăm có đường kính từ 0,8-0,9mm, đã được xử lý nhiệt để có độ tròn đều, nhẵn bóng, mềm dẻo và nhất là bền. Sau đó là tỉ mỉ xâu vào hơn 250.000 lỗ trên tấm mica mới hoàn tất được sản phẩm.
Nhân chuyến du lịch Mỹ, anh mang theo mô hình điện Capitol mà lúc ấy chỉ mới hoàn tất phần mái vòm theo để khoe với người bạn thân. Người bạn ấy thích thú, bèn mang giới thiệu với Thượng nghị sĩ Van Hollen. Ấn tượng với công trình, vị này đã chụp ảnh và đưa lên Twitter. Ngay sau đó, tờ Washington Post tải lại hình mái vòm Capitol bằng tăm giang ấy lên trang The Daily 202 PowerPost để rồi, người của Bảo tàng Ripley lập tức liên lạc để mua lại mô hình, ngay khi nó còn chưa được hoàn thiện.
Tháng 7.2016, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật của Đại học Cộng đồng Montgomery, tiểu bang Maryland mang đến cộng đồng một triển lãm đầy thú vị. “Nhân vật chính” trong buổi triển lãm là kiến trúc điện Capitol, tòa nhà Quốc hội Mỹ thu nhỏ, làm hoàn toàn bằng tăm giang. “Mô hình không chỉ đẹp mà còn là điển hình của sự đam mê, lòng kiên nhẫn. Với tôi, người nghệ sĩ này đã bền chí cho tới lúc hoàn thành và chúng tôi hãnh diện khi được giới thiệu kiệt tác này đến mọi người”, bà Kim McGettigan, Giám đốc Hành chánh Đại học Cộng đồng Montgomery, nhận xét.
Ước mơ người mê chơi
Sau triển lãm, công trình mới chính thức được chuyển giao về Viện bảo tàng Ripley. Công chúng hưởng ứng điện Capitol bằng tăm giang này đến mức Ripley tiếp tục đặt hàng thực hiện công trình Nhà Trắng. Trong triển lãm kỷ niệm 100 năm thành lập Ripley, tổ chức tại Dubai – UAE (Trung Đông), công trình Nhà Trắng của Hoàng Tuấn Long được vinh dự trưng bày cùng các hiện vật nổi tiếng thế giới. Anh xúc động: “Điều khiến tôi vui nhất là cộng đồng người Việt ở Mỹ rất vui và tự hào khi chiêm ngưỡng công trình của mình. Họ đã dành cho tôi những tình cảm sâu sắc”.
Thạc sĩ, kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long, tốt nghiệp Khoa Kiến trúc, Đại học Bách khoa Quốc gia Belorusia, châu Âu. Từ nhỏ, anh đã có niềm đam mê đặc biệt với những mô hình tỉ lệ và đặc biệt có khiếu với việc làm nên sa bàn. Trong một lần thử sáng tạo để làm lồng chim trang trí cho siêu anh hùng của mình, Long vô tình phát minh loại hình nghệ thuật mà anh gọi tên là BOARC. BOARC là chữ ghép từ BO là bamboo, ARC tức là acrylic, cũng giống như từ ART là nghệ thuật. Sự kết hợp giữa tăm giang và acrylic đã giúp anh đảm bảo độ bền chắc cho công trình.
“Khó khăn là công đoạn thiết kế. Tôi phải vừa vẽ, vừa tưởng tượng chi tiết từng mảnh nhỏ nhất của công trình. Chỉ cần lơ đễnh, vẽ sai một lỗ nhỏ là phải làm lại tất cả”, Hoàng Tuấn Long tiết lộ. Thách thức không kém là công đoạn định vị để ghép nối các chi tiết lại với nhau, tạo độ uốn cong, mềm mại của công trình. Đòi hỏi cao như thế nên hầu như anh chỉ tìm được người giúp ở việc xỏ tăm, khâu đơn giản nhất.
Tuy nhiên, theo kiến trúc sư trẻ này, đó lại là công đoạn mà những người khuyết tật có thể tham gia để mang lại giá trị cho đời sống. Đó cũng là ước mơ của Hoàng Tuấn Long, xây dựng một trung tâm việc làm cho người khuyết tật để họ cùng anh tạo nên những công trình lớn hơn, ấn tượng hơn.
“Mơ thì mơ vậy thôi chứ tôi vẫn xem đây là cuộc chơi bởi ngoài đam mê và khả năng sáng tạo, tôi vẫn thiếu tư duy kinh doanh nên tác phẩm gần như đều là “hữu xạ tự nhiên hương, chưa đến được với đông đảo người có nhu cầu”, Long trải lòng.
Gọi BOARC là cuộc chơi, Long cũng tự nhận mình là kẻ mê chơi nên bất chấp thách thức về tài chính, anh vẫn mày mò để làm tháp đồng hồ Big Ben, cao 1,8m. Công trình này đã được Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, mời đem đến triển lãm trong Lễ hội Inspire Me, kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập quan hệ ngoại giao giữa Anh và Việt Nam tại Hà Nội.
Hiện nay, anh đang quyết tâm lập kỷ lục thế giới với quần thể Nhà Quốc hội ở Westminster, Anh. “Mong ước lớn nhất của tôi trong cuộc chơi này là được tham dự triển lãm sự kiện văn hóa World Expo 2020 tại Dubai. Tôi thực sự muốn chia sẻ sự độc đáo của sản phẩm sáng tạo Việt Nam với bạn bè thế giới”, anh nói.