Những gia đình có cuộc sống gắn liền với biển hầu hết phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết và thiên nhiên. Trong đó, chị em phụ nữ nghèo, thu nhập thấp, phụ nữ yếu thế chính là đối tượng phải chịu tác động nặng nề do thiên tai gây ra . Vì vậy, việc xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là cho người dân vùng biển được Tổ chức Tài chính vi mô tình thương – TYM (thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) quan tâm và thực hiện một cách thiết thực.
Chị Ðỗ Thị Ninh, Trưởng địa bàn TYM, Chi nhánh Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) cho biết: Ở địa bàn thị xã Cửa Lò, 90% số thành viên tham gia TYM có hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu dựa vào biển, như: đánh bắt hải sản; nuôi, chế biến, kinh doanh hải sản; các hoạt động dịch vụ du lịch liên quan trực tiếp đến biển. Vì vậy, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, quan niệm về cuộc sống rất thụ động: “trời cho thì mới có ăn”.
Thiên tai ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ tới đời sống của các hộ gia đình cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu nhập của các thành viên. Khi có sự cố về môi trường biển, hầu như các nguồn thu nhập đều bị “đình trệ”, thậm chí khả năng phục hồi kinh tế gia đình cũng trở nên khó khăn.
Chị Ninh dẫn chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1968, khối Hải Lam, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò), một trong những thành viên của TYM có hoàn cảnh bấp bênh sau những lần biến động của biển.
Câu chuyện gia đình qua lời tâm sự của chị Hoa bỗng chốc lại bị đứt đoạn bởi tiếng nghẹn ngào khi chị nhớ lại những tháng ngày. Trước kia, nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình chị phụ thuộc vào người chồng đi tàu đánh bắt cá.
Năm 2016, khi có sự cố về môi trường biển, tình hình kinh tế nhà chị bị giảm sút. Vào thời điểm đó, chồng chị lại đổ bệnh, toàn bộ tiền của gia đình gom góp phải dùng chạy chữa nhưng anh không qua khỏi. Cuộc sống của chị trở nên long đong, lận đận, không có nguồn thu ổn định, một mình chị phải gồng gánh, bươn chải mà vẫn không đủ ăn.
Ðến nay, sức khỏe chị Hoa ngày càng yếu đi, chị chỉ biết trông chờ mỗi khi có thuyền cá cập bến, chị lại ra cảng để được thuê bốc vác, dọn dẹp tàu bè… Là thành viên của TYM, chị được cho vay thêm ít vốn nuôi gà để bán, góp phần tăng thu nhập gia đình.
Xuất phát từ mong muốn hỗ trợ chị em phụ nữ, từ năm 2017 đến nay, TYM phối hợp các tổ chức trong nước và tổ chức Oxfarm thực hiện dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực về phòng chống rủi ro thiên tai và lập kế hoạch kinh doanh liên tục cho các thành viên” thuộc ba tỉnh ven biển là Nam Ðịnh, Thanh Hóa và Nghệ An.
Chị Dương Ngọc Linh, Tổng Giám đốc TYM cho biết, tại những địa bàn ven biển này, TYM nhận thấy thành viên đã phải chịu nhiều ảnh hưởng, tác động nặng nề về đời sống và kinh tế do thiên tai gây ra. Họ thiếu nguồn lực, thiếu kiến thức, kỹ năng, nguồn thông tin chủ động để ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai.
“Mặc dù, TYM đã có những hỗ trợ và chia sẻ kịp thời, tuy nhiên, chúng tôi cho rằng điều cốt lõi là phải giúp thành viên có những kiến thức, kỹ năng, công cụ hỗ trợ để có những biện pháp hạn chế rủi ro, xây dựng được kế hoạch kinh doanh liên tục”, chị Linh chia sẻ.
Trước khi triển khai dự án, TYM và các đối tác tổ chức khảo sát thực tế, cũng như nhu cầu của chị em trong việc hỗ trợ. Từ đó, xây dựng giáo trình phù hợp, những kế hoạch đào tạo, hướng dẫn cụ thể, thích hợp từng đối tượng.
Dự án đào tạo cho cán bộ chủ chốt của các chi nhánh ven biển, tiến tới đào tạo tập trung cho cán bộ tín dụng, cụm trưởng rồi sau đến các thành viên, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ nghèo, cận nghèo.
Ðược biết, thế mạnh của TYM là các thành viên chủ yếu là hội viên phụ nữ, cho nên sức lan tỏa của hoạt động gắn liền với các phong trào của Hội Phụ nữ ở các cấp. Nếu cụm trưởng là hội trưởng phụ nữ thì việc tuyên truyền các kiến thức thiên tai, biến đổi khí hậu… sẽ được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của tổ phụ nữ.
Là chủ gia đình có truyền thống đi biển, với hai con tàu thường xuyên ra khơi, bám biển, chị Võ Thị Phong (ở phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) vừa giúp chồng, con công việc chăm lo tàu thuyền vừa đảm nhiệm việc mua bán hải sản khi tàu về.
Năm 2017, chị Phong được tham gia khóa tập huấn về “Quản lý rủi ro thiên tai và phòng ngừa biến đổi khí hậu”. Ðây là lần đầu chị được tiếp cận với những kiến thức, thông tin đầy đủ về việc xây dựng kế hoạch chủ động phòng, chống thiên tai; cách thức liên hệ ban phòng, chống thiên tai của địa phương; được học phân tích những rủi ro gia đình có thể gặp phải khi thiên tai xảy ra.
“Mặc dù, không thể ngăn thiên tai xảy ra nhưng con người hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh, làm giảm nhẹ mức độ thiệt hại cả về của cải vật chất lẫn con người. Ðồng thời, sau khi được tập huấn, tôi còn huy động chị em tham gia bảo vệ gìn giữ, làm sạch biển, góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường biển”, chị Phong chia sẻ.