“Những ngày nắng, mấy đứa ra ngồi sưởi ấm. Nhìn cả đàn ngồi tắm nắng, vạch lông bắt rận rồi đùa nghịch với nhau. Dễ thương lắm!” – anh Huấn đầy yêu thương, hồ hởi khoe với chúng tôi về “tài sản vô giá” – đàn Voọc Chà Vá chân xám tại khu vực núi Hòn Dồ thuộc thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Theo sát từng dấu chân Voọc
Năm 2017, thông tin về hai đàn Voọc Chà Vá chân xám với số lượng từ 16 đến 20 phát hiện tại núi Hòn Dồ của huyện Núi Thành, ngay lập tức, chính quyền tỉnh Quảng Nam lưu tâm lên kế hoạch di dời để đảm bảo sinh cảnh sống cũng như nguồn thức ăn cho giống linh trưởng được ghi trong sách đỏ.
Tuy nhiên, kế hoạch trên sớm dừng lại khi vấp phải sự phản đối của người dân và chính quyền địa phương. Bởi lẽ, đàn Voọc đã chung sống và trở thành những đứa con tinh thần, những người bạn và trên hết là tài sản vô giá của vùng đất.
“Mỗi lần đi vào rừng tuần ra, nhìn mấy đứa bóc lõi chuối để ăn, cũng có khi ngấu nghiến đọt non của cây đa mà thương lắm. Hai ngày, ba ngày mà không đi vào rừng để thăm là thấy nhớ rồi. Có khi nhớ bọn nó (đàn Voọc) còn hơn nhớ người yêu ngày trước” -anh Phan Minh Huấn – Cán bộ Kiểm lâm huyện Núi Thành – trải lòng với chúng tôi trên con đường đi bộ vào núi Hòn Dồ.
“Mấy ngày nay ở đây có mưa, bây giờ đi vào có thể tận mắt thấy được đàn Voọc không hả anh?” – Tôi bâng quơ hỏi.
“Có chứ em. Anh theo sát đàn Voọc từ trước khi cả nước biết nên hiểu rất rõ. Chúng cũng như con người mình vậy, cứ sau một đêm dài, chúng hay dậy “tập thể dục” rồi “ăn sáng”. Từ 5h đến 8h sáng, cả nhà quây quầng với nhau. Trời mưa thế này, mấy đứa khum khum nhìn thương lắm” – anh Huấn cười nói.
Xuất phát từ Trạm Kiểm lâm Hòn Dồ lúc 4h30 phút, sau hơn 2km đi bộ đường rừng, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi theo hướng cánh tay của anh Huấn chỉ là một con Voọc trưởng thành đang chuyền cành bật nhảy hệt như một vận động viên thể dục dụng cụ.
“Đó là con đực đầu đàn. Tới gần hơn một chút, lúc đó mọi người sẽ được thấy cả nhà cùng chuyền cành đi xuống. Đẹp lắm!” – anh Nguyễn Danh – Trưởng thôn Đồng Cố – hồ hởi, liên tục thúc giục chúng tôi nhanh tới gần để có thể tận mắt chứng kiến được cảnh tượng hy hoàng này.
“Mọi người thấy không? Lông chúng mượt lắm. Trời mưa lất phất thế này mà lông chúng vẫn mượt. Các anh mau nhìn lên trên chút nữa đi, có thấy con mẹ đi đâu cũng địu theo con non kìa, xúc động phải biết!” anh Danh ríu rít chỉ chúng tôi.
Mua đất rừng để cứu đàn Voọc
Trong đoàn đi thi sát thực tế đàn Voọc Chà Vá chân xám ở khu vực núi Hòn Dồ, còn có ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và nhiều chuyên gia đến từ các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu, bảo tồn động vật trong và ngoài nước.
Ông Thanh chia sẻ, đàn Voọc Chà Vá chân xám xuất hiện tại đây là một điều rất đáng mừng cho huyện Núi Thành, cho tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, số lượng cá thể bị ảnh hưởng bởi tác động từ môi trường sống quá eo hẹp. Vì môi trường sống của đàn voọc bị chia cắt, phân tán bởi rừng sản xuất của người dân. Nên tỉnh Quảng Nam sẽ lên phương án mua rừng sản xuất của người dân bao quanh khu vực núi Hòn Dồ để đảm bảo quần thể sống của đàn voọc được rộng hơn.
“Tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ đạo cho các đơn vị có liên quan, cho chính quyền địa phương làm việc với nhân dân tại khu vực này để sớm phối hợp xây dựng một đề án để có phương án bảo tồn đàn Voọc này một cách có khoa học nhất, phù hợp nhất với thực tiễn của địa phương, nơi mà đàn Voọc đang sinh sống” – ông Thanh chia sẻ.
Mới đây nhất, một nổ lực tuyệt vời đến từ chính quyền tỉnh Quảng Nam cùng với Hội bảo vệ động vật hoang dã (WWF) và Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt xanh (Green Việt) đã tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng “Đề án Bảo tồn loài Voọc Chà Vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành giai đoạn 2019-2028”.
Theo đó, đề án đưa ra các giải pháp bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên còn lại trên Hòn Dồ và tăng thêm diện tích rừng tự nhiên từ 25 hecta lên 100 hecta ở ba khu vực núi: Hòn Ông, Hòn Dương Bông và Dương Bản Lầu.
Mục tiêu là xây dựng đề án nhằm có tầm nhìn về lâu dài, trong đó, vấn đề đặt ra là phải làm bảo tồn được nguyên vẹn đàn Voọc. Đồng thời, phải giữ gìn được môi trường, mở rộng cái cảnh quan, khu vực sống để đảm bảo tính sinh trưởng ổn định và lâu dài của đàn Voọc. Hơn nữa, để bảo vệ đàn Voọc nhưng cũng phải vừa phát triển sinh kế cho người dân tại khu vực này.
Trở lại Hòn Dồ vào ngày nắng ấm, hành trang mà chúng tôi mang theo để đem đến với bốn gia đình Voọc khoảng 50 cá thể và những người ngày đêm canh giữ như anh Huấn, anh Danh,…là kết quả đạt được từ đề án.
Tôi vừa dứt lời, trong đôi mắt đang dõi theo một Voọc mẹ đang cho con bú mớm của anh Huấn, anh Danh có một chút lệ ngấn lên. Các anh vui vì việc bảo vệ, theo dõi đàn Voọc bao năm qua giờ đây có thêm sự chung tay. “Xúc động quá em ơi! – anh Danh vỗ vai tôi.
Ra về, sau lưng tôi là hai chú Voọc ngồi tắm nắng, vạch lông, chải chuốt cho nhau. Kế bên, một Voọc mẹ mang bầu nhai chốp chép một đọt lá của cây da đang đâm chồi nảy lộc…