Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm ô nhiễm không khí đã giết chết hàng triệu người, trong đó có khoảng gần 1 triệu trẻ em. Để giảm thiểu đáng kể con số thiệt hại này, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra rất nhiều biện pháp để giảm ô nhiễm không khí. Biện pháp mà Bangkok đang triển khai đó là sử dụng máy bay không người lái (drone) và mưa nhân tạo để giảm bụi không khí độc hại PM2.5.
“Rửa” thành phố ngăn ngừa ô nhiễm
Giới chức Thái Lan cho biết, không chỉ ở Thủ đô Bangkok mà ở rất nhiều địa điểm thu hút khách du lịch nhất của Thái Lan, tình trạng ô nhiễm không khí đang ở mức báo động cao, thậm chí một số nơi khẩu trang y tế cũng bị “cháy hàng”, không đủ cung cấp cho người dân và du khách. Từ đó, bước đầu khi chính quyền địa phương triển khai biện pháp dùng nước rửa những con đường có lượt người qua lại đông đúc, rồi tiến hành gây mưa nhân tạo. Họ đã tiến hành “rửa” thành phố như vậy theo lịch trình vào mỗi tối thứ ba hàng tuần và khu vực tẩy rửa đầu tiên bắt đầu từ khu phía Đông Thủ đô Bangkok.
Chính quyền Bangkok cùng Quân đội Hoàng gia Thái Lan đã điều động 60 xe chở nước tẩy rửa các con phố chính. Tuy nhiên, đặc biệt hơn là Cơ quan Quản lý hành chính đô thị Bangkok (BMA) đã thuê một đội khoảng 50 chiếc máy bay không người lái (drone) phục vụ nông nghiệp thay các nhân viên môi trường làm nhiệm vụ phun nước vào không khí để giảm bụi ô nhiễm độc hại ở 6 khu vực của Bangkok. Những chiếc drone chỉ có nhiệm vụ duy nhất là phun nước sạch vào không khí. Mỗi chiếc có thể mang theo từ 5-10 lít nước và bay trên diện tích khoảng 2km2 trong vòng từ 15 đến 20 phút mỗi lần sạc.
Theo ông Silpasuai Raweesaengsoon, một quan chức của thành phố Bangkok cho biết, ngoài việc phun mưa nhân tạo để rửa sạch bụi cho các con đường và giảm bụi ô nhiễm độc hại, các drone còn có nhiệm vụ phun nước và làm sạch cây cối ở các công viên nhằm làm sạch bụi bám trên các lá cây cản trở quá trình quang hợp và sản sinh ra khí ô xy của cây xanh. “Chúng tôi đang cùng người dân đưa ra những sáng kiến đóng góp để giúp làm sạch môi trường đô thị của Bangkok. Không nên bỏ mặc để người dân phàn nàn vì họ phải hứng chịu ô nhiễm không khí quá nặng nề”, ông Silpasuai cho biết thêm.
Giải quyết khủng hoảng ô nhiễm
Cũng giống như thủ đô của nhiều quốc gia ở châu Á khác như Trung Quốc, Ấn Độ… làn sương mù dày đặc ở Bangkok, Thái Lan được tạo thành từ khói và bụi rất độc hại, đa phần chúng được thải ra từ các phương tiện giao thông, các công trình xây dựng, khai thác, các nhà máy ở các khu công nghiệp ngoại ô, hay thậm chí từ việc đốt rơm rạ sau khi thu hoạch mùa màng của nông dân ở các vùng nông thôn. Theo đánh giá của Tổ chức Hòa bình Xanh, một nhóm hoạt động vì môi trường cho thấy, Bangkok đang đứng thứ 10 trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Tình trạng ô nhiễm không khí thời gian gần đây ở Bangkok đã trở nên rất nghiêm trọng, nó đã gây nên một làn sóng dư luận rất bất mãn trên các trang mạng xã hội, truyền thông và truyền hình của Thái Lan. Theo Air Visual, giám sát chỉ số chất lượng không khí trực tuyến (AQI) độc lập, cho biết mức ô nhiễm không khí ở Bangkok đã đạt mức 156 AQI trong cả thời gian dài vừa qua. Cơ quan chuyên trách về môi trường Thái Lan đã sử dụng phép đo PM2.5 để xác định số lượng vi hạt có trong không khí, để từ đó đưa ra những khuyến cáo bảo vệ sức khỏe cũng như môi trường của người dân Bangkok.
Dù bằng cách này hay cách khác để chính quyền thành phố Bangkok triển khai nhằm bảo vệ môi trường không khí trong lành hơn. Tuy nhiên, đối với ông Tara Buakamsri, Giám đốc Tổ chức Hòa bình Xanh tại Thái Lan cho rằng, chính quyền Bangkok cần hành động nhanh và nhiều hơn nữa để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm khói bụi như giảm lưu lượng xe ô tô lưu thông trong nội đô hoặc đóng cửa các nhà máy, cơ sở chế biến gây ô nhiễm, để không còn tình trạng người dân suốt ngày phải mang khẩu trang hay hàng trăm trường học của Thái Lan phải đóng cửa như thời gian vừa qua.
Cũng giống như thủ đô của nhiều quốc gia ở châu Á khác như Trung Quốc, Ấn Độ… làn sương mù dày đặc ở Bangkok, Thái Lan được tạo thành từ khói và bụi rất độc hại, đa phần chúng được thải ra từ các phương tiện giao thông, các công trình xây dựng, khai thác, các nhà máy ở các khu công nghiệp ngoại ô, hay thậm chí từ việc đốt rơm rạ sau khi thu hoạch mùa màng của nông dân ở các vùng nông thôn. Theo đánh giá của Tổ chức Hòa bình Xanh, một nhóm hoạt động vì môi trường cho thấy, Bangkok đang đứng thứ 10 trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. |