Sổ tay nhà văn? Với một ghi chép xâu chuỗi những ngẫm ngợi vụn vặt chợt đến trong lúc vào rừng chụp ảnh voọc chà vá chân nâu, mà tôi thích cách gọi gần với thực tế hơn là chân đỏ trong tiếng Anh – red-shanked douc, tôi xác nhận mình nhà văn để xác nhận điều khác: Với nhiếp ảnh tôi chỉ là kẻ tài tử.
1. Đôi khi chuyên nghiệp và tay mơ gặp nhau. Như từ cuối đông 2017 đến cuối xuân 2018, đang bơi giữa tiểu thuyết Trong vô tận, mỗi khi thấy cần thoát khỏi màn hình máy tính tôi thường một mình phóng mô-tô lên đỉnh Sơn Trà với gói thuốc lá, phích trà nóng và không mang theo máy ảnh như thời còn làm báo, nếu không tính đến tính năng chụp ảnh của smartphone.
Ở đó tôi biết thế nào là thở thật sự với lá phổi rừng xanh bốn mùa. Ở đó tôi nghiệm ra từ thuở hồng hoang rừng và biển đã gối vào nhau để tôn vinh vẻ đẹp của nhau và của cả hành tinh này. Ở đó tôi bầu bạn đàn voọc chà vá chân nâu. Chúng nổi bật giữa đại gia đình linh trưởng với bộ cánh năm màu riêng có và chỉ xuất hiện tại ba nước xứ Đông Dương Việt Nam, Lào, Campuchia cùng một phần cực nam Trung Quốc. Để rồi ở đó tôi gặp Suburoto – giáo sư sử học kiêm nhiếp ảnh gia người Nhật – cũng không mang máy ảnh.
Nhưng vẫn khác: Tôi đi tay không đơn giản là tay không như mọi ngày, còn Suburoto đi tay không với cả quá trình trải nghiệm nghề và nhận thức sống. Ông cho biết nỗi khao khát chộp lấy những khoảnh khắc độc đáo chỉ bắt gặp một lần trong đời hoặc hiện tượng hiếm khi lặp lại trong miên trường vận hành của tạo hóa đã khiến ông như gắn liền với máy ảnh, nhìn vẻ đẹp thế giới qua kính ngắm nhiều hơn mắt mình.
Phải bước qua tuổi sáu mươi Suburoto mới nhận ra chỉ vậy chưa đủ, thậm chí bỏ lỡ cơ hội kết nối thật sự giữa bản thân với thế giới thực kỳ diệu chung quanh. Từ đó thỉnh thoảng ông có những chuyến dã ngoại tay không như một cách tạo thế cân bằng cho bản thân và để bày tỏ lòng tôn trọng tự nhiên.
Tất nhiên sau đó Suburoto trở lại Sơn Trà với máy ảnh. Và tất nhiên rồi cũng đến ngày tôi vào rừng không còn tay không mà mang vác lỉnh kỉnh ống kính tele, chân máy ba càng. Từ chỗ thong dong nghe chim hót suối reo tự lúc nào tôi mắt ngước không chớp lên những ngọn cây, lòng chỉ mong may mắn gặp voọc để ngắm và chụp ảnh, bất chấp sương lạnh, nắng oi hay mưa núi thất thường.
Mỗi ngày phải khoảng hai mươi con người bị “ma rừng” ám như thế, có những vị thâm niên hơn mười năm, ngày mỗi ngày “trên từng cây số” Sơn Trà. Nên tôi thích cái tên chính xác và thú vị nhà báo Dương Thanh Tùng dành cho nhóm người này, trong đó có anh ta: Voọc Hành.
2. Rừng Sơn Trà tồn tại bao đời nhưng lực hấp dẫn du khách, nhất là những người yêu thích nhiếp ảnh động vật hoang dã, đạt đến cao điểm như hiện nay phải tính đến sức hút của đàn voọc hơn 1.000 cá thể. Chúng xinh đẹp và dễ thương đến mức được phong “nữ hoàng linh trưởng”.
Các nhà động vật học trong nước và quốc tế ghi nhận voọc chà vá chân nâu Sơn Trà sở hữu bộ cánh năm màu rực rỡ nhất so với đồng loại ở các cánh rừng nơi khác. Chưa thống nhất trên các công trình khảo sát cụ thể nhưng lý do họ đưa ra rất gần nhau, không ngoài nguồn thức ăn và vùng tiểu khí hậu đặc trưng tại Sơn Trà.
Chỉ cần quan sát một gia đình gồm ba thế hệ là có thể nắm bắt “bảng màu” của voọc chà vá chân nâu. Theo thời gian sắc lông của chúng chuyển đổi và hoàn thiện. Dưới tám tháng tuổi voọc có gương mặt đen xanh, râu trắng lưa thưa, toàn thân màu hạt dẻ nhạt, đuôi xám, bàn tay và bàn chân màu đen.
Từ tám tháng trở đi bộ cánh của chúng sáng dần để đến ba năm tuổi, tuổi chớm trưởng thành, sở hữu đủ năm màu: Gương mặt hồng tươi – mình xám mướt – râu, cánh tay và đuôi trắng tinh – đỉnh tóc, bàn tay và bàn chân đen bóng – đặc biệt từ đầu gối đến cườm chân nổi bật một màu đỏ sẫm.
Voọc chà vá chân nâu sống theo đàn. Đàn nhỏ là gia đình một chồng một vợ và vài đứa con. Gia đình một chồng nhiều vợ có thể trên 20 thành viên. Cũng có đàn kết hợp vài gia đình liên hệ huyết thống. Các đàn có lãnh địa riêng và không xâm phạm lẫn nhau. Lớp trẻ mới lớn, từ ba đến bốn năm tuổi, bắt đầu tách khỏi cha mẹ để lập gia đình riêng.
Trong mỗi gia đình con đực là đầu đàn. Ngoài việc cùng vợ chăm sóc, dạy dỗ con cái nó luôn ở vị trí cao dễ quan sát để bảo vệ gia đình khỏi mọi bất trắc. Muốn ngắm đàn voọc trước hết phải tiếp cận gã đầu đàn. Đó là lý do tôi có khá nhiều ảnh về những ông chủ kiêm bảo vệ này.
Nhưng tôi sẽ thấy hào hứng hơn mỗi khi có thể chụp ảnh lũ trẻ nhà voọc. Chúng ngây thơ, láu lỉnh, hiếu động và rất tò mò về con người cũng như máy ảnh. Ngoài bản năng yêu trẻ, một lý do khác khiến không chỉ nhiếp ảnh gia mà tất cả mọi người, nhất là nhà nghiên cứu động vật, thấy xúc động khi bắt gặp những sinh vật bé nhỏ đáng yêu như vậy đang nhảy nhót vui đùa giữa rừng xanh. Chúng là dấu hiệu tăng trưởng số lượng, là niềm hy vọng tồn sinh dù vẫn mong manh của loài thú quý có nguy cơ tuyệt chủng. Tổ chức Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) từ lâu đã ghi danh voọc chà vá chân nâu vào Sách Đỏ.
3. Cảnh tượng ngoạn mục nhất trong rừng mà tôi sẽ tiếc hùi hụi khi bỏ lỡ cơ hội chụp ảnh hoặc ảnh bị hỏng: Những cú “bay” của voọc từ cây này sang cây khác trên đường tìm cái ăn. Thực hiện thành công cú nhảy chuyền cây đầu tiên được xem là dấu hiệu khả năng tự lập của voọc con.
Voọc trưởng thành có thể thực hiện cú nhảy xa đến 6 mét. Nó không chỉ thể hiện sức mạnh mà còn là tài nghệ của chúng. Nhưng đỉnh cao xúc động vẫn là hình ảnh vọc mẹ lao ra khoảng không hiểm nghèo với một tay bế con dại.
Đôi khi, xem lại cú nhảy của voọc đã được “đóng băng” trong ảnh của mình, tôi thậm chí liên tưởng đến một điệu vũ trên không.
4. Mỗi lần vào rừng gặp voọc chà vá chân nâu là mỗi lần chụp được ảnh chúng đang ăn, đến nỗi tôi đã có thể thực hiện một series tiêu đề “Lộc rừng”, lập bảng menu bằng hình. Voọc chà vá chân nâu gần như ăn liên tục nhưng không bị xem là loài ăn tạp mà ngược lại.
Trong tiểu luận tiến sĩ về voọc CVCN Sơn Trà, Larry Ulibarri (Mỹ) sau gần mười năm nghiên cứu cho biết, chỉ 150 trong số hơn 1.000 loài cây ở đây được chúng chọn làm thức ăn, yêu thích nhất là chò đen, bằng lăng, bìm bìm, bứa, sung, trung quân… Với tỉ lệ: Lá (87,8%), trái cây – hạt (10,2%), hoa (1,6%) và vỏ cây (0,4%). Thực đơn như vậy không cung cấp đủ dinh dưỡng nên chúng phải ăn nhiều lần trong ngày.
5. Nhớ một ngày cuối tháng 11 năm 2017 tôi đang chạy mô-tô dọc đường ven biển bỗng nảy ý định lên đỉnh Sơn Trà chơi mà quên mất chiều đã khá muộn để thực hiện điều đó. Vào rừng, tôi có cảm giác phiêu lưu trên con đường hẹp vắng vẻ và bóng tối dâng lên nhanh hơn tôi tưởng. Lúc ấy với tôi Sơn Trà là một khu rừng rậm và rộng lớn. Rồi giờ đây tôi lại thấy khu bảo tồn thiên nhiên này có diện tích khiêm tốn và dấy lên nỗi lo rằng nó sẽ không cung ứng đủ thức ăn cho 287 loài động vật hoang dã tồn tại.
Càng lo hơn khi chứng kiến rừng Sơn Trà đã và đang liên tục hứng chịu tác động tiêu cực từ các hoạt động kinh tế du lịch thiếu kiểm soát của thành phố Đà Nẵng. Năm 2017 cả nước sục sôi phản đối Công ty Biển Tiên Sa ủi trọc một góc Sơn Trà xây dựng khu du lịch sinh thái, dẫn đến quyết định đình chỉ thi công. Nhưng với bóng ma “tư bản thân hữu”, thật khó để yên tâm rằng đó là sự kết thúc hay chỉ là thời kỳ “ngủ đông” của con thú bê-tông-cốt-thép kia.
Trong khi đó, hiện nay rừng Sơn Trà đã thật sự bị chia cắt thành hai vùng riêng biệt bởi quần thể kiến trúc của một khu du lịch. Không gian sống của động vật hoang dã không chỉ bị thu hẹp mà còn bị ngăn tách. Không rõ đó có phải là lý do tôi thường bắt gặp trên gương mặt loài voọc ánh mắt âu lo và đôi khi cả giận dữ? Nhưng chắc chắn những ánh mắt ấy hướng tôi đến việc thực hiện series ảnh chân dung voọc chà vá chân nâu Sơn Trà.
Nhiều công trình khoa học và luận án tiến sĩ tại các trường đại học tại Việt Nam cũng như trên thế giới nghiên cứu về voọc chà vá chân nâu tại rừng Sơn Trà. Ngoài các tổ chức quốc tế như IUCN, Douc Langur Foundation (USA), ngay tại Đà Nẵng – thành phố sở hữu Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà – đã có những tổ chức độc lập nghiên cứu, giới thiệu và phát động phong trào kêu gọi bảo vệ sự tồn tại của loài động vật nằm trong Sách Đỏ này như GreenViet. Với tư cách một nhà báo – nhà văn, những bức ảnh những bài viết của tôi về Sơn Trà, về voọc chà vá chân nâu cùng chung một mục đích như vậy.