Tại khu vực miền núi phía Bắc vẫn còn hàng ngàn điểm có nguy cơ cao gây ra trượt lở đất, lũ quét, gây rủi ro lớn về người và tài sản nhất là khi mưa lũ sắp vào mùa cao điểm.
Do vậy, việc xác định được và triển khai ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong cảnh báo, dự báo, xây dựng công trình giảm nhẹ rủi ro bảo vệ khu vực chính là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Để thực hiện điều đó, cần có những đột phá về khoa học và công nghệ, đồng thời với các giải pháp giảm thiểu trước thiên tai, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cảnh báo sớm, năng lực tự ứng phó, đặc biệt trong cộng đồng dân cư cũng như đầu tư vào hệ thống thông tin tới người dân.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 76/NQ-CP về công tác phòng chống thiên tai, trong đó nhấn mạnh: Đối với các khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ: xác định khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét để triển khai đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình, tổ chức thông tin cảnh báo, dự báo, điều chỉnh sản xuất nhằm hạn chế thiệt hại về người, đảm bảo sinh kế bền vững phù hợp với tập quán từng khu vực.
Theo đại diện Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số các giải pháp phòng chống, lũ quét, sạt lở đất như phục hồi thảm thực vật, đập sabo, tường chắn, nạo vét bề mặt, hệ thống quan trắc, cảnh báo lũ bùn đá… Trong đó, các kỹ thuật quan trắc cảnh báo trượt lở thường sử dụng: Đo chuyển vị trên mặt đất, đo chuyển vị của đất đá dưới các độ sâu khác nhau trong hố khoan, đo áp lực nước lỗ rỗng trong đất, đo dao động, rađa định hướng, ghi hình…
Với giải pháp về công trình tập trung vào việc giảm nhẹ rủi ro cần quan tâm đến việc phân dòng lũ với mục tiêu điều tiết nước, hạn chế tập trung nước gây lũ quét, giữ lại một phần dòng chảy bùn rác, tăng khả năng điều tiết dòng chảy; giảm lưu lượng và cản trở sự truyền lũ bằng xây dựng các hồ chứa nước trên lưu vực; xây dựng bổ sung các tràn sự cố ở các hồ đập thượng lưu để đề phòng sự cố ở các hồ đập thượng lưu gây ra lũ quét vỡ dòng nhân tạo có thể xây dựng bổ sung các tràn sự cố cho các hồ này. Đồng thời, mở rộng khẩu độ thoát lũ của hệ thống cầu cống, khơi thông đường thoát lũ, tăng cường công trình vùng cửa suối để chịu tác động của lũ bùn đá; chống trượt lở đất đá theo sườn dốc; kè chống sạt lở dọc lòng suối; xây dựng đập, tường chắn lũ quét, lũ bùn đá…
Bên cạnh đó, Việt Nam đã thực hiện nhiều dự án, đề tài điều tra, khảo sát nghiên cứu về lũ quét, sạt lở đất như: Điều tra, khảo sát, phân vùng và cảnh báo khả năng xuất hiện lũ quét ở miền núi Việt Nam – Giai đoạn 1: Miền núi Bắc bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường); điều tra, khảo sát và phân vùng nguy cơ lũ quét khu vực miền Trung và Tây Nguyên (Bộ Tài nguyên và Môi trường); tăng cường khả năng giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Việt Nam áp dụng thí điểm tại một số khu vực của tỉnh Lào Cai và Yên Bái (Viện Khoa học Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)… Các dự án, đề tài này cũng đề ra những giải pháp cụ thể đối với lũ quét và sạt lở đất.
Ngoài ra, theo thống kê chưa đầy đủ từ năm 2000-2015 đã có hơn 50 dự án, đề tài, điều tra, khảo sát nghiên cứu về lũ quét, sạt lở đất tiêu biểu như: “Dự án điều tra, khảo sát và phân vùng nguy cơ lũ quét khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Nam Bộ” (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã xây dựng phần mềm cảnh báo lũ quét: cảnh báo thông qua 2 sản phẩm là ngưỡng sinh lũ quét (FFG) và nguy cơ sinh lũ quét (FFT); kết quả cảnh báo khả năng xảy ra lũ quét được thể hiện dưới dạng bản đồ và bảng thống kê cho toàn Việt Nam với các mức cảnh báo khác nhau (thấp, cao, trung bình); hệ thống sử dụng hỗ trợ cảnh báo sớm lũ quét 1,3,6,12 giờ tới cho các tiểu lưu vực nhỏ có diện tích từ 10 đến 30 km2.
Ngoài ra, sử dụng các phương pháp thích hợp để phân tích và lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét với các tỷ lệ ngày càng chi tiết hơn từ 1:500.000, 1:250.000,1:100.000 và có một số vùng đến 1:50.000; lập được bản đồ hiện trạng trượt lở khu vực miền núi phía Bắc (14 tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ). Bản đồ phân vùng tỉ lệ 1:50.000 cho 10 tỉnh.
Nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng chống
Để nâng cao công tác phòng chống, giảm thiểu tối đa thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra trong thời gian tới, Tiến sỹ Lê Quốc Hùng, Liên đoàn trưởng Liên đoàn địa chất Tây Bắc, chủ nhiệm đề án “Điều tra đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” cho rằng, việc ứng phó với lũ quét, sạt lở đất thường theo phương châm “phòng hơn chống”. Trước hết phải tập trung triển khai thực hiện khẩn trương Nghị quyết 76/NQ-CP về công tác phòng chống thiên tai và Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét và sạt, lở đất; triển khai áp dụng khẩn cấp phối hợp giải pháp công trình và phi công trình trong phòng chống giảm nhẹ rủi ro lũ quét, sạt lở đất; thí điểm hệ thống quan trắc, cảnh báo lũ bùn đá; thí điểm công nghệ đập ngăn bùn đá trong điều kiện miền núi phía Bắc Việt Nam…
Đồng thời, cần nhận biết nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thông qua các bản đồ nguy cơ và kế hoạch điều tra khảo sát đã được công bố, tìm hiểu đánh giá mức độ nguy hiểm nơi sinh sống (đánh giá khả năng có sạt lở, nằm trong vùng có nguy cơ lũ quét); không nên xây dựng nhà sát vách sườn núi dốc, bên cạnh hoặc gần đường dẫn nước như suối, lạch nước; lập kế hoạch của cá nhân, gia đình để phòng chống, chuẩn bị cho các trường hợp có lũ quét và sạt lở; chuẩn bị các biện pháp, phương án, dụng cụ, kế hoạch sơ tán khẩn cấp khi xảy ra tình huống…
Bên cạnh đó, đòi hỏi các cấp chính quyền cần rà soát và xử lý tốt các điểm sạt lở, áp dụng phương pháp gia cố tạm thời tránh xảy ra những thiệt hại không đáng có với người dân. Coi trọng công tác dự tính, dự báo, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, trung tâm điều hành phòng chống thiên tai cấp Trung ương; tuyên truyền, trang bị kiến thức, cung cấp thông tin về phòng chống thiên tai cho người dân. Đối với các địa phương phải khẩn trương di dân khỏi các khu vực có nguy cơ cao, rà soát quy hoạch dân cư, cơ sở hạ tầng bảo đảm giảm thiểu tác động do thiên tai gây ra. Nâng cao nhận thức cộng đồng, làm tốt công tác trồng và bảo vệ rừng nhằm chống xói lở. Thành lập các đội xung kích, lực lượng tìm kiếm cứu nạn kịp thời ứng phó giảm thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
“Các kết quả nghiên cứu cần cụ thể hơn, đi vào thực tiễn nhiều hơn, có như vậy công tác dự báo, cảnh báo, điều hành, ứng phó mới có thể đạt hiệu quả mong muốn vì một xã hội an toàn trước thiên tai”, Tiến sỹ Hùng nhấn mạnh.