Rừng Bắc Trường Sơn chạy dọc biên giới Việt – Lào từ đỉnh núi Pu Xai Lai Leng (cao hơn 2.700m ở Nghệ An) qua đỉnh Rào Cỏ (Hà Tĩnh), Kẻ Bàng (Quảng Bình) đến đỉnh đèo Hải Vân (giáp ranh Huế và Đà Nẵng) nối tiếp những cánh rừng già, nguyên sinh cổ thụ, lâu nay vẫn được ví như một kho báu khổng lồ giữa đại ngàn.
Không ngoa khi nói rằng, những chuyến tuần rừng của những người canh giữ kho báu giữa rừng Trường Sơn là những cuộc hành trình gian nan bậc nhất.
Nếu không tin, cứ thử một chuyến tuần rừng biên giới với kiểm lâm, công việc hàng tuần hàng tháng, hàng năm của họ.
Trạm Kiểm lâm Cò và Sao La là hai trong số rất nhiều đơn vị kiểm lâm nằm giữa vùng lõi rừng già dọc dãy Trường Sơn, ngay cạnh dấu tích căn cứ nghĩa quân cụ Phan Đình Phùng chống giặc thuở trước.
Anh em trạm nói vui, xa xôi thế nhưng ở đây cũng theo kịp thời đại 4.0, chỉ có điều khác là không điện, không đường, không sóng điện thoại, không phương tiện đi lại và cách khu vực dân cư gần nhất tầm 30km đường lòng hồ.
Giống như Pù Mát ở Nghệ An, Phong Nha – Kẻ Bàng ở Quảng Bình, Vườn Quốc gia Vũ Quang quản lý dãy rừng Trường Sơn rộng hơn 57.000ha chạy dọc 62km theo đường biên giới Việt – Lào.
Nghị định 117 của Chính phủ về việc định biên tối đa 500ha rừng đặc dụng có 1 công chức kiểm lâm được ban hành từ năm 2010 nhưng dường như chưa về được những nơi như thế này. Rừng quá rộng mà người thì quá ít.
Chỉ riêng 2 trạm kiểm lâm Cò và Sao La đã phụ trách 9 tiểu khu biên giới, diện tích rừng giáp biên vào khoảng gần 14.000ha trong tổng số hơn 30.000ha mà họ được giao nhưng thật khó ngờ là cả 2 đơn vị chỉ vỏn vẹn hơn 10 người. Cũng may, lâu nay vốn quen với thiệt thòi nên chẳng mấy ai kêu ca.
Ông Đỗ Quang Tùng – Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT) đưa ra con số thống kê, lực lượng kiểm lâm toàn quốc hiện có 10.260 biên chế, nhiệm vụ quản lý hơn 14 triệu ha rừng, thế nên, những khó khăn, vất vả, thiệt thòi với họ đang dần trở thành quen. |
Cả Phạm Văn Ngọc trưởng trạm Cò, Nguyễn Công Sáng trưởng trạm Sao La đều mới ngoài 30, còn các thành viên khác cũng chỉ tầm 25 đến 28 tuổi. Đó là quy luật bố trí công tác bất thành văn của nghề kiểm lâm lâu nay, bởi với đặc thù công việc là những chuyến tuần rừng liên tục lên đỉnh Trường Sơn, mỗi chuyến kéo dài cả tuần, thì ngoài 40 tuổi đã xem như “hưu” rồi.
Chuyến tuần rừng biên giới mà chúng tôi chuẩn bị lên đường là chuyến cuối cùng, chuyến thứ 16 trong năm 2018 của Hạt Kiểm lâm VQG Vũ Quang, đúng vào những ngày đất nước nghỉ Tết dương lịch, cũng là đợt giá rét khốc liệt nhất của mùa Đông năm nay. Mục tiêu là Tiểu khu 204, nơi có đỉnh Rào Cỏ, độ cao hơn 2.300m so với mực nước biển, cũng là điểm cao nhất dãy Trường Sơn đoạn qua Hà Tĩnh, dự kiến mất khoảng 3 – 4 ngày đêm.
Từ chiều hôm trước, anh em kiểm lâm đã chuẩn bị đủ lương thực, nhu yếu phẩm và thuốc men cho 10 thành viên trong đoàn. Mỗi kiểm lâm cõng 15kg gạo, võng bạt, nồi niêu, bát đũa… Thịt lợn, cá khô, mắm phải ướp muối mặn nhất, để vừa giữ được lâu, vừa giúp anh em có thể ăn dè.
Nhà báo, giống như nhiều thành viên “ngoại đạo” trong những chuyến tuần rừng trước đây, được ưu tiên mang mỗi dụng cụ tác nghiệp và quần áo, còn lương thực “ở đây chưa có ai khác ngoài kiểm lâm có thể mang nổi vài cân gạo vượt rừng Trường Sơn cả, chỉ đi không thôi đã là cực hình rồi”, Vương Khả Sơn (35 tuổi, phó Hạt trưởng kiểm lâm VQG Vũ Quang), người có nhiều kinh nghiệm đi rừng nhất, cũng là trưởng đoàn tuần rừng nói vậy.
Địa hình dãy Trường Sơn ở miền Tây Hà Tĩnh chủ yếu là núi non, khe suối… Từ các trạm kiểm lâm nằm giữa rừng già lên đỉnh Trường Sơn không hề có bất cứ một lối mòn nào để đi tuần rừng cả. Chuyến nào chuyến nấy phải vạch lối rừng già, cắt qua giăng núi, khe suối mà ngược lên. Những cuộc hành trình Vương Khả Sơn tiết lộ, đã có không ít người bỏ nghề hoặc xin chuyển công tác sau chuyến đầu tiên.
6 giờ sáng, khi sương mù còn giăng như tơ nhện phủ kín rừng già, các thành viên phải cố ăn thật no “bữa cơm tử tế cuối cùng” có cá, thịt, rau rừng… Mỗi người được phát một đùm cơm nắm, muối lạc, một chai nước suối đeo lủng lẳng bên ba lô lên đường. Kế hoạch ngày thứ nhất, đi thông tầm ngược Rào Con với mục tiêu là phải đến được điểm tuần rừng đầu tiên – giăng Nguyệt Đức trước khi trời tối.
Trời rét căm, càng đi sâu vào rừng già càng lạnh. Chỉ mới qua ngầm suối đầu tiên thôi mà tất cả các thành viên trong đoàn chỉ còn giữ được mỗi chiếc ba lô khô ráo. Nước suối mùa này lúc nào cũng như lũ. Gầm gào, chảy xiết và lạnh băng.
Dù đã sắm mỗi người một cây gậy, nhưng lắm đoạn anh em bị nước cuốn chìm cả người lẫn ba lô hành lý. Từ đây, hoặc chỉ dấu chân của lâm tặc hoặc là kiểm lâm, người bình thường chả ai vào.
Hành trình qua ngầm Cơn Du, Hang Cọp rồi Khe Cận… Cứ lội qua một con suối lại phải cắt leo qua một giăng núi để tiếp tục. Áo quần mới bị nước nhấn chìm xong, leo đến đỉnh núi sức nóng bốc lên như khói.
Có những ngọn núi dốc dựng đứng, tưởng chừng như người trước phải dẫm cả lên đầu người sau để mà leo. Hang đá, dốc núi trơn trượt khiến cho những kiểm lâm tuần rừng kinh nghiệm cả chục năm cũng chỉ có cách duy nhất là bò bằng cả chân tay. Nếu không may sẩy chân, chắc chắn bị rớt xuống vách đá sâu hun hút.
Dù đã quán triệt chỉ nói chuyện vui để lấy tinh thần nhưng Đội trưởng đội cơ động kiểm lâm Dương Văn Nhàn trong mấy phút nghỉ ngơi vô tình tiết lộ khiến tay chân tôi càng thêm bủn rủn: Còn 32 ngầm suối và 19 lần leo giăng núi nữa là đến.
Tính tổng cộng, mỗi chuyến tuần rừng đi bộ từ 30 – 40km, tức một năm, những kiểm lâm ở đây đi gần nửa nghìn cây số đường rừng. Gian khổ không thể nào tả nổi. Ví như ở khu vực Băng Lạnh, điểm dừng chân ở độ cao khoảng 800m, nước như nước đá, ngậm một ngụm khiến mồm tê cứng nhưng vẫn phải uống lấy uống để vì đó là điểm dừng chân dễ tìm nguồn nước cuối cùng trước khi lên đỉnh Trường Sơn.
“Có những chuyến tuần rừng 8 – 10 tiếng không thể tìm ra nguồn nước, anh em phải ngắt ngọn chuối rừng nhai ngậm cầm hơi. Ban đầu cũng mát nhưng càng đi nhựa chuối dính vào cổ họng, nghẹn không thở được. Cũng phải cố ngậm mà đi vì giữa rừng già, công cụ hỗ trợ chỉ là tấm bản đồ với chiếc la bàn, nhiều khi khe suối cách đoàn có vài trăm mét nhưng cắt rừng tìm cả ngày cũng không thấy”, Vương Khả Sơn chia sẻ, không quên dặn anh em đoàn mỗi người lấy thêm một can nước múc đầy mang theo.
Hay đúng hơn là không thể ngủ. Sau 10 tiếng đồng hồ vượt rừng Trường Sơn chúng tôi cũng đến được Giăng Nguyệt Đức, điểm dừng chân đầu tiên được định vị trên bản đồ, cách Tiểu khu 204 thêm một ngày đi bộ nữa.
Trời tiếp tục mưa. 4 giờ chiều đã tối sầm sập. Việc đầu tiên là tìm chỗ dựng lán. Vương Khả Sơn, Dương Văn Nhàn, những người kinh nghiệm nhất đi chọn điểm dừng chân.
Phải chọn chỗ nào cách xa suối và cây to. Mùa này nhiều nước sóc, loại nước lũ dân đi rừng hay gọi tên như vậy bởi nó có thể đổ ập về bất cứ lúc nào, bất kể trời nắng hay mưa. Kinh nghiệm từ nhiều thế hệ kiểm lâm tuần rừng dặn lại, nếu đặt lán cạnh suối, nước lũ về bất chợt có thể cuốn cả người lẫn lán trôi bất cứ lúc nào.
Còn trú dưới gốc cây to, cành khô rơi xuống đánh sập lán ngay. Mới đây, một tổ kiểm lâm ở Ngàn Phố đi tuần rừng, đêm đang ngủ, gió quật cành cây khô đổ ập vào lán đè một bảo vệ rừng chấn thương sọ não.
Lán trú qua đêm giữa rừng già chỉ là tấm bạt buộc vào gốc cây, chỉ đủ che mưa, không bao giờ cố định, cứ sau một đêm ngủ lại phải tháo để mang theo. Thứ quan trọng nhất là bếp lửa. Mưa phùn ẩm ướt, củi chẻ nhỏ như tăm nhưng cũng phải mất cả tiếng đồng lửa mới được nhóm lên. Nhiều lúc, ngọn lửa vừa mới bén đã bị mưa tạt cho tắt ngúm.
Vất vả lắm mới có bữa cơm, chao ôi, chỉ mấy con cá khô với thịt lợn ướp muối mặn quắt cổ họng. Dù nấu khéo lắm rồi nhưng mưa lạnh quá cơm không chín được. Sống sượng mà đành cố nuốt vội để 6 giờ chiều mắc võng đi ngủ.
Theo kinh nghiệm ngủ rừng của kiểm lâm, phải tranh thủ vài ba tiếng đầu hôm chứ đêm sương núi xuống, buốt không thể nào ngủ nổi.
Quả thực, độ 9 – 10 giờ tối cả đoàn ai cũng phải dậy nhóm lửa ngồi sưởi chờ đến sáng. Bên bếp lửa, những kiểm lâm như Sơn, Nhàn, Ngọc, lại kể về những nỗi ám ảnh của những chuyến tuần rừng biên giới. Nghe như tiểu thuyết kinh dị, hãi vô cùng.
Tuần rừng Trường Sơn chỉ có 2 cách tìm đường, một là dựa vào hướng mặt trời, 2 là khe suối. Ám ảnh nhất ngoài những lúc không may gặp tai nạn là bị lạc đường. |
Đỉnh Trường Sơn chạy dọc biên giới này cấu tạo phân thủy, nước từ các dãy núi chảy về phía nào thì mặc định là lãnh thổ của quốc gia đó. Nhưng cũng có những điểm, khe suối từ rừng già Việt Nam uốn éo thế nào lại chảy về phía Lào, mùa mưa, mây mù che mất mặt trời để định hướng, những con suối lại “đánh lừa” những kiểm lâm, những biên phòng trong những chuyến tuần rừng biên.
Năm 2017, đi rừng kỳ cựu như Vương Khả Sơn cũng bị lạc đoàn giữa rừng mất 4 ngày 3 đêm chỉ với duy nhất chiếc điện thoại cục gạch để chiếu sáng. Hay như đầu năm nay, một anh lính biên phòng, trong chuyến phối hợp tuần rừng với kiểm lâm đã bị lạc giữa rừng già 7 ngày 7 đêm, sang tận đất Lào chỉ với một chiếc bật lửa mang theo.
Chuyện tai nạn, trừ phi chết người chứ còn lại phải xác định là “bệnh ngoài da” ngay từ khi theo nghiệp. Tuần rừng biên giới, mùa nắng, “bên nắng đốt” đất Việt gió Lào táp bỏng rát cả mặt nhưng phía “bên mưa bay” nước trút theo suối đầu nguồn đổ ập về bất chợt nhanh như điện, nếu không phán đoán kịp coi như mất mạng.
Chỉ mới đây thôi, một đoàn kiểm lâm tuần tra biên giới 20 người, nắng tháng 6 như thiêu thế mà nước lũ về bất chợt cuốn trôi toàn bộ vật dụng, nhu yếu phẩm, lại còn khiến các thành viên trong đoàn lạc nhau. Anh em “trôi dạt” giữa rừng 5 ngày đêm khi trong tay không còn một hạt gạo, độc ăn rau dại chờ giải cứu.
“Chuyện lạc giữa rừng già đối với anh em kiểm lâm thì như cơm bữa. Đi tuần rừng, công cụ hỗ trợ hiện đại nhất là máy định vị GPRS, nhưng mà giữa rừng già không đọc được thông số nên phụ thuộc hoàn toàn vào kinh nghiệm thôi. Có nhiều chuyến đi, kế hoạch chỉ 1 tuần nhưng kéo dài lên đến nửa tháng vì không tìm được đường đi”, Trạm trưởng Ngọc tư lự.
Gian nan hơn cả vẫn là cuộc chiến chống lâm tặc. Dọc dãy Trường Sơn, địa hình phía tây bên đất Lào chủ yếu đồi bát úp, đi lại dễ dàng hơn nên các dự án thủy điện, các băng nhóm lâm tặc lén lút có, lợi dụng chính sách có “gần như đã phá cơ bản xong”.
Từ nhiều năm trước, lâm tặc phía Việt Nam “mượn” đường đất Lào để đánh vào những khu rừng Việt Nam giáp ranh biên giới. Tinh vi, hung hãn và rất manh động. Những cuộc chiến xảy ra liên tiếp, nhưng không cân sức.
“Lực lượng kiểm lâm quá mỏng, lại thiếu nhiều chế tài hỗ trợ nên thường thất thế so với bọn lâm tặc vừa đông vừa ở thế đường cùng. Ở khu vực biên giới, giữa rừng sâu thăm thẳm, bọn chúng sẵn sàng chém người, sẵn sàng nổ súng tấn công lại kiểm lâm”, Hạt phó Vương Khả Sơn kể giọng bùi ngùi.
Chính vì thế, cuộc chiến giữ rừng Trường Sơn, máu của kiểm lâm liên tục đổ. Kiểm lâm Hoàng Trọng Chương bị lâm tặc chém đứt lìa ngón tay út, kiểm lâm Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Song Lam bị lâm tặc cầm mã tấu đuổi chém, truy sát đến nhập viện trong tình trạng nguy kịch… Rất nhiều cuộc vây ráp bắt giữ lâm tặc tổ chức xong phải dẫn giải đối tượng luồn rừng xuyên đêm về giao cơ quan chức năng xử lý, bởi nếu ở lại giữ rừng sẽ bị lâm tặc tấn công ngược giải vây cho đồng bọn ngay.
“Rừng đặc dụng VQG Vũ Quang có 62km đường biên giáp ranh. Chừng ấy, bộ đội biên phòng có 4 đồn quản lý, khoảng 250 chiến sĩ, nhưng bên kiểm lâm chỉ có 39 người. Lực lượng quá mỏng. Đấy là chưa kể chế độ chính sách, chế tài hỗ trợ còn rất hạn chế. Mỗi chuyến tuần rừng như thế này, anh em được hỗ trợ chế độ 100 nghìn đồng/ngày, hầu như chỉ đủ chi phí ăn uống thêm miếng thịt, hộp sữa cải thiện mà thôi. Nghề rừng vốn là nghiệp, lúc có tuổi mới biết, kiểm lâm vùng biên hầu như cứ ngoài 50 thì ai cũng bệnh khớp, bệnh thần kinh…”, đội trưởng Dương Văn Nhàn, kế nghiệp ông bố hơn 40 năm làm kiểm lâm vùng biên này đúc rút.
Hỏi chuyện gia đình mấy ông kiểm lâm “ở rừng nhiều hơn ở nhà”, ai cũng bảo thương vợ, thương con thiệt thòi. Như các trạm Sao La, trạm Cò, chả có ông nào bên cạnh vợ lúc sinh con đẻ cái. Còn cánh trẻ, ông nào muốn lấy vợ chỉ có cách xin chuyển công tác ra khỏi rừng một thời gian, chứ ở đây “có ma nào nó lấy hả anh”. |
Sau 2 đêm ngủ giữa rừng và 3 ngày trời cuốc bộ chúng tôi cũng bò được lên đến đỉnh Trường Sơn. Đứng từ những cột mốc biên cương, giữa những mây mù lởn vởn trên đầu, nhìn về phía Đông của dãy Trường Sơn, rừng già bạt ngàn, xanh thẳm.
Đồ rằng, hiếm có nơi nào trên đất nước này rừng còn đẹp, còn nhiều cây cổ thụ quý giá như ở đây. Rừng già rậm rạp, những thân cây cổ thụ cao vút, hiếm hoi lắm mới tìm được điểm có thể nhìn thấy ánh mặt trời.
Đó là những cánh rừng pơ mu, loài cây quý đến mức phải đưa vào sách đỏ, vậy mà ở đây, bạt ngàn như thể người ta trồng lên từ ngàn năm trước. Rừng dày chi chít, thân cây to đến mấy người ôm. Quý đến mức mới rồi, Viện KH Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tiến hành khoan vòng năm và xác định 33 cây pơ mu giữa đại ngàn này, có những cây niên đại hơn 1.000 năm tuổi.
Các chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước xác định, dãy Bắc Trường Sơn, từ VQG Pù Mát, Vũ Quang, Phong Nha – Kẻ Bàng cho đến Bạch Mã là địa bàn sinh sống của hàng ngàn loài động, thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm đang cần được bảo tồn, nằm trong một vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, được xác định là cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả rừng mưa mùa, vùng đồi núi đến núi cao. Rất có thể nay mai thôi thì nơi này sẽ trở thành Vườn di sản ASEAN khi Bộ TN-MT đã đồng ý xây dựng hồ sơ đề xuất.
Hay như năm 2016, trong chuyến hợp tác điều tra, đánh giá đa dạng hệ thực vật tại rừng Trường Sơn, nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia Nhật Bản, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã phát hiện quần thể sồi ba cạnh quý hiếm dọc theo đỉnh tiếp giáp giữa hai Tiểu khu 224 và 223 thuộc VQG Vũ Quang, ước tính trên 300 cá thể, đây là loài được xem như là một hóa thạch sống còn sót lại từ thời nguyên thủy, được giới khoa học cực kỳ quan tâm… Rồi cả những đàn voi, những loài thú cực quý hiếm như sao la, mang lớn, rắn lục sừng…
Rừng Bắc Trường Sơn, từ Pù Mát đến Bạch Mã, rất nhiều dãy còn chưa có dấu vết của bàn chân con người.
Rừng còn đẹp quá, quý quá! Đúng như tên gọi kho báu giữa đại ngàn. Cái dạo có thông tin phá rừng chỗ này, chỗ nọ, có ông lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh dẫn đoàn liên ngành lên biên giới kiểm tra để làm rõ trách nhiệm bảo vệ rừng.
Sau chuyến đi ấy, gần như trong tất cả các cuộc họp về công tác bảo vệ rừng, vị lãnh đạo này đều phát biểu: Nếu chỉ nghe báo cáo thì tiêu cực quá. Có đi thực tế mới biết, rừng Trường Sơn vẫn còn đẹp lắm, quý lắm. Và cũng có đi mới biết anh em kiểm lâm thiếu thốn, vất vả đến nhường nào.
Chuyến tuần rừng của chúng tôi kéo dài 3 ngày 2 đêm, anh em kiểm lâm nói rằng, đây là chuyến tuần rừng gần như ngắn nhất. Như Phạm Hữu Hà, một gã trai thành phố Hà Tĩnh (sinh năm 1990), nói là “nhàn lắm”. “Thực ra, trước đây em chưa bao giờ nghĩ nghề kiểm lâm lại vất vả đến thế. Sau chuyến tuần rừng biên giới đầu tiên về trong đầu lúc nào cũng nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Nhưng cứ như là nghiệp vận vào thân vậy. Lại đi, mãi thành quen.
Bây giờ tháng hai tháng không đi đâm ra nhớ rừng, nhớ núi”. Vừa kể vui vẻ Hà vừa “khoe” đôi bàn chân to bạnh và chi chít sẹo, đặc trưng của những kiểm lâm giữ rừng giữa Trường Sơn.
Chia tay chúng tôi ra khỏi cửa rừng cũng là lúc anh em các trạm kiểm lâm giữa rừng Trường Sơn chuẩn bị đón Tết. Giống như bao cái Tết trước đây, họ phải ở lại 100% quân số để cùng nhau đón “Tết 4.0”.
Mà đâu chỉ riêng giữa rừng Trường Sơn, tôi từng lên Khau Tép, đỉnh núi cao nhất ở tỉnh Tuyên Quang cùng những kiểm lâm ăn cơm với nòng nọc qua bữa, từng ra đảo Cát Bà cùng kiểm lâm ở đây tuần tra bảo vệ rừng trên biển… Và cả những cánh rừng biên giới phía Bắc, rừng Tây Nguyên, rừng miền Nam… Ở đâu cũng vậy. Gian khổ đến mức ở một số địa phương, anh em kiểm lâm bế tắc viết đơn xin nghỉ việc dù đã gắn bó, cống hiến với nghiệp bảo vệ rừng cả chục năm rồi. |