Lượng CO2 toàn cầu năm 2019 sẽ chạm ngưỡng kỷ lục

Cơ quan Khí tượng Anh vừa cảnh báo mức độ CO2 trong khí quyển năm 2019 dự báo sẽ tăng lên gần đạt mức kỷ lục.

Sự gia tăng này hiện đang được thúc đẩy bởi tình trạng tiếp diễn đốt nhiên liệu hóa thạch và nạn phá rừng, đặc biệt, lượng CO2 năm nay tăng cao do các hiện tượng thời tiết như El Nino dự kiến trở lại – sự biến đổi khí hậu tự nhiên này gây ra tình trạng ấm và khô ở vùng nhiệt đới, đồng nghĩa với việc hạn chế sự tăng trưởng của các loài thực vật loại bỏ CO2 khỏi không khí.

Liên hợp quốc cũng thúc giục rằng hành động khí hậu cần phải được tăng gấp năm lần để hạn chế sự nóng lên đến mức tăng 1,5oC so với thời đại tiền công nghiệp. Bốn năm qua là kỷ lục nóng nhất và lượng khí thải toàn cầu đang tăng trở lại sau một thời gian ngắn tạm dừng.

“Nhìn vào các số liệu hàng tháng, dường như bạn có thể thấy hành tinh này vẫn đang “thở” khi mức độ CO2 tăng giảm theo chu kỳ thực vật ở bán cầu bắc tăng trưởng và phân hủy theo mùa”, Giáo sư Richard Betts nói tại Trung tâm Hadley thuộc Cơ quan khí tượng Anh. “Đồ thị là một thứ đẹp đẽ nhưng cũng là một lời nhắc nhở rõ ràng về tác động của con người đối với khí hậu. Mỗi năm, CO2 lại cao hơn năm trước và điều này sẽ tiếp tục xảy ra cho đến khi con người ngừng thải thêm CO2 vào khí quyển”.

“Tin tức này thật đáng lo ngại và mang tính thôi thúc”, Giáo sư Nick Ostle thuộc Đại học Lancaster cho biết. Ông kêu gọi cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giảm phá rừng và phát thải từ chăn nuôi: “Đó là thách thức lớn nhưng có những cơ hội thực sự để tạo ra tác động mang tính riêng lẻ và ở cấp độ toàn cầu”.

Dù đã được cảnh báo, phát thải CO2 toàn cầu vẫn tăng, phần lớn do tăng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch (Ảnh: Murdo Macleod)

Cơ quan Khí tượng Anh có uy tín về dự báo mức CO2 toàn cầu và dự đoán rằng mức tăng trung bình trong năm 2019 sẽ là 2,75 phần triệu (ppm) – mức tăng hàng năm cao bậc nhất trong 62 năm kể từ khi cơ quan này bắt đầu dự báo.

Chỉ những năm có hiện tượng El Nino mạnh, 1998 và 2016, là tăng cao hơn. Mức tăng trong năm 2016 là 3,39 ppm. Trong thập kỷ sau lần đo đầu tiên trên núi lửa Mauna Loa ở Hawaii vào năm 1956, mức tăng hàng năm là dưới 0,9 ppm.

El Nino xảy ra khi vùng Thái Bình Dương nhiệt đới chuyển sang giai đoạn ấm áp khiến nhiều khu vực có thời tiết ấm hơn và khô hơn. Thực vật là những bể chứa carbon tự nhiên vì chúng hấp thụ CO2 trong quá trình phát triển nhưng điều này giảm trong những năm có El Nino.

“Năm nay, chúng tôi dự tính những bể chứa carbon này tương đối yếu, do đó, tác động của lượng khí thải do con người gây ra cao kỷ lục sẽ lớn hơn năm ngoái”, Betts nói.

Cơ quan Khí tượng Anh dự báo mức CO2 trung bình trong năm 2019 là 411 ppm. Mức trung bình hàng tháng ​​đạt mức cao nhất là 415 ppm vào tháng 5, trước khi đà tăng tạm thời giảm xuống còn 408ppm vào tháng 9 khi CO2 sẽ bắt đầu tăng trở lại. Trước khi cuộc cách mạng công nghiệp châm ngòi cho việc đốt than, dầu và khí đốt quy mô lớn, mức CO2 trong khí quyển là 280 ppm.

“Họa vô đơn chí”, Giáo sư Dave Reay thuộc Đại học Edinburgh nói. “Phát thải CO2 của riêng chúng ta vẫn đang tăng, các bể chứa carbon tự nhiên của thế giới sẽ có một năm tồi tệ. Những bể chứa này thu nhận khoảng một nửa lượng khí thải của chúng ta cho đến nay. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng đà giảm của những bể chứa này vào năm 2019 chỉ là ngắn hạn vì nếu không có sự hỗ trợ của chúng, sẽ không có bất kỳ cơ hội nào cho tương lai khí hậu an toàn hơn”.

Giáo sư Jos Barlow cũng thuộc Đại học Lancaster cho biết nạn phá rừng ngày càng tăng là mối lo nghiêm trọng: “Đây là một năm đặc biệt tồi tệ. Nạn phá rừng Amazon ở Brazil đã tăng lên khoảng 8.000 km2 vào năm 2018, tương đương với việc mất diện tích rằng bằng một sân bóng đá sau mỗi 30 giây. Cũng có những dấu hiệu đáng lo ngại rằng nạn phá rừng đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn ở các quốc gia vùng Amazon khác, như Colombia, Bolivia và Peru”.

Nhật Anh (Theo Theguardian.com)

Nguồn: