Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho rằng than là một yếu tố chủ chốt để thúc đẩy nền kinh tế, nhưng đốt nhiều than hơn có thể gây ô nhiễm nặng nề hơn ở một quốc gia vốn đã bị nghẹt thở trong tình trạng không khí độc hại nhất thế giới.
Theo dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc, 7 nhà máy điện than và một nhà máy đốt dầu sản xuất gần 50% điện năng của Triều Tiên, phần còn lại đến từ thủy điện. Đối với các hộ gia đình, than cũng là nguồn nhiên liệu chính để nấu ăn và sưởi ấm.
Tuy nhiên, theo bài phát biểu trong năm mới của Kim, sự phụ thuộc vào than ngày càng gia tăng, có thể có những tác động gây chết người.
Báo cáo năm 2017 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy bình quân đầu người, tỷ lệ tử vong do ô nhiễm không khí của Triều Tiên cao nhất thế giới với 238,4 trường hợp tử vong trong tổng số 100.000 người dân vào năm 2012. Con số này cao gấp 10 lần so với tỷ lệ ở Hàn Quốc và cao hơn so với Trung Quốc và Ấn Độ, nơi khói bụi thường bao trùm tại các thành phố lớn.
Triều Tiên đã thừa nhận mối tương quan giữa than và không khí bị ô nhiễm, nhưng nước này có hạn chế trong việc tiếp cận với các lựa chọn sạch hơn.
“Sự kết hợp giữa đầu tư vốn hạn chế vào cơ sở hạ tầng, tiếp cận hạn chế các công nghệ phát thải thấp và hiệu quả… và sự phụ thuộc vào năng lượng sản xuất từ than trong các nhà máy nhiệt điện hiệu suất thấp đã ảnh hưởng đến chất lượng không khí ở các khu vực đô thị và công nghiệp”, báo cáo năm 2012 của Triều Tiên về triển vọng môi trường và biến đổi khí hậu trình lên Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho biết.
Theo báo cáo, các ngôi nhà ở các thành phố của Triều Tiên sử dụng than là nhiên liệu chính. Ở nông thôn, gỗ là nguồn chính, trong khi than đứng thứ hai.