Tại Việt Nam, chương trình Chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) đã và đang đạt được thành công. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF) giám sát hoạt động PFES ở cấp quốc gia và hiện điều phối 44 quỹ tỉnh khác.
Tổng doanh thu PFES vào cuối năm 2017 là hơn 8.219 tỷ đồng (350 triệu USD) từ 494 đơn vị chi trả trên toàn quốc: 339 công ty thủy điện, 96 công ty nước và 59 công ty du lịch.
Nguồn kinh phí này đã có những đóng góp cơ bản cho người làm nghề rừng, nhưng thực sự chưa xứng đáng với nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng…
Lượng thải CO2 quá lớn
Theo thống kê năm 2013, lượng phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện là 41,56 triệu tấn CO2. Kế hoạch Hành động tăng trưởng xanh (GGAP) ngành Công thương đặt ra là mục tiêu giảm phát thải CO2 của nhiệt điện giai đoạn 2015 – 2020 là 20% với sự hỗ trợ của quốc tế.
Mục tiêu giảm phát thải CO2 vào năm 2020 khoảng 14,27 triệu tấn CO2, trong đó 10,68 triệu tấn CO2 từ điện than và 3,59 triệu tấn CO2 từ điện khí hoá lỏng. Trong quy hoạch ngành sản xuất xi măng sẽ là 91 nhà máy (NM) hiện có và đến 2030 là 111 NM với công suất 144,54 triệu tấn/năm. Lượng phát thải từ ngành xi măng năm 2013 là 46,4 triệu tấn CO2. Mục tiêu giảm phát thải 20 triệu tấn CO2 đến năm 2020 và 164 triệu tấn CO2 đến năm 2030. Từ 2018 – 2020, ngành xi măng phải giảm trung bình 6,7 triệu tấn CO2/năm; từ 2021 – 2030 giảm trung bình 14,4 triệu tấn CO2/năm.
Trong ngành sản xuất thép, mục tiêu là 65 triệu tấn năm 2020 và 107 triệu tấn năm 2025. Năm 2015, có 91 NM đang hoạt động, kế hoạch bổ sung 54 NM giai đoạn 2015 – 2020. Phát thải khí nhà kính trong ngành thép năm 2013 là 2,64 triệu tấn CO2.
Năm 2013, phát thải từ ngành Giao thông vận tải là 29,492 triệu tấn CO2, trong đó 1,218 triệu tấn từ hàng không; 26,815 triệu tấn từ đường bộ; 0,109 triệu tấn từ đường sắt; 1,348 triệu tấn từ vận tải thủy; vận tải đường bộ phát thải lớn nhất (năm 2017 có 2,7 triệu ô tô và 45 triệu xe máy).
Những con số trên cho chúng ta thấy, lượng khí thải CO2 mà các ngành công nghiệp chính đang thải ra là quá lớn, vượt xa sức chịu đựng của những cánh rừng đang hàng ngày gồng mình hấp thu để trả lại bầu không khí trong lành cho con người.
Chính sách đang chậm!
Dịch vụ hấp thụ các bon là 1 trong 3 loại dịch vụ chưa được thực hiện đầy đủ theo Nghị định 99/2010/ND-CP, và doanh thu từ các bon PFES được kỳ vọng sẽ giúp huy động thêm nguồn tài chính để bảo vệ và quản lý rừng.
Trong Luật Lâm nghiệp mới số 16/2017/QH14, ngày 14/11/2017 của Việt Nam, Quốc hội đã chính thức công nhận các bon PFES (C-PFES) và giao Bộ NN-PTNT thí điểm và xây dựng cơ chế C-PFES ở Việt Nam.
Luật Lâm nghiệp cũng khẳng định khái niệm hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh. Và khẳng định, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn phải chi trả tiền dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng.
Chúng ta đang rất cần một chính sách cụ thể, nhằm đảm bảo tốt nhất cho người làm nghề rừng đồng thời đảm bảo màu xanh cho những cánh rừng, nơi đang hàng ngày hấp thụ toàn bộ lượng khí thải để cuộc sống con người trong lành hơn. |
Dù Luật Lâm nghiệp không quy định cụ thể các ngành nghề trọng điểm đối với C-PFES, các hoạt động thí điểm ban đầu đã tập trung xác định các nhà máy nhiệt điện là đơn vị chi trả ban đầu (người mua dịch vụ PFES), trong đó các công ty sẽ chi trả dựa trên mức phát thải của họ. Các ngành khác có thể được xem xét như xi măng và giao thông.
C-PFES sẽ bao gồm sự tham gia của nhiều ngành như Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT, Bộ Công thương và Bộ KH-ĐT. Khi được thực hiện thành công, nó sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, chính phủ, cộng đồng và chủ rừng. Vì thế, việc xây dựng và thực hiện các hoạt động thí điểm C-PFES sẽ cần có quá trình tham vấn rộng rãi nhằm đảm bảo hiệu quả tham gia và hiệu quả chính sách.
Giống như việc chi trả PFES ở các ngành khác, C-PFES được kỳ vọng là một cơ chế trong nước với sự tham gia của các công ty ở Việt Nam nhằm mang lại lợi ích cho rừng Việt Nam. Đồng thời, C-PFES đưa ra cơ hội có một không hai cho Việt Nam huy động vốn và đạt mục tiêu giảm thải nhằm hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam trong việc hiện thực hóa cam kết Đóng góp quốc gia tự quyết trong Thỏa thuận Paris, cũng như các cam kết quốc tế khác.