Lời cảnh tỉnh từ vụ vỡ đập Brazil

Tập đoàn khai thác khoáng sản Vale và các nhà chức trách Brazil bị chỉ trích vì không rút ra bài học từ thảm họa trong quá khứ, dẫn đến vụ vỡ đập hồ chứa chất thải thứ hai trong vòng chưa đầy 4 năm.

Hôm 27-1 (giờ địa phương), lực lượng cứu hỏa bang Minas Gerais xác nhận 58 người thiệt mạng sau vụ vỡ đập chứa chất thải tại mỏ quặng sắt Corrego do Feijao, thuộc thị trấn Brumadinho, hôm 25-1. Hơn 300 người vẫn mất tích, trong đó có hơn 260 nhân viên của Vale. Giới chức trách thừa nhận hy vọng tìm thấy người còn sống rất mong manh. Theo phát ngôn viên cơ quan phòng vệ dân sự thuộc bang Minas Gerais, khoảng 365 người đã được giải cứu.

Song song với nỗ lực tìm kiếm người sống sót dưới lớp bùn, nhà chức trách đã sơ tán 3.000 người do lo ngại đập VI gần đó sắp vỡ. Rất may, lệnh sơ tán được dỡ bỏ do nguy hiểm đã qua.

Lực lượng cứu hộ chuyển thi thể nạn nhân trong vụ vỡ đập ở Brumadinho – Brazil đến nơi tập trung hôm 27-1

Theo Reuters, thảm họa tại mỏ quặng sắt Corrego do Feijao xảy ra chưa đầy 4 năm sau khi một đập chất thải ở khu mỏ khác cách đó khoảng 100 km – thuộc quyền quản lý của Samarco Mineracao SA, một công ty liên doanh giữa Vale và BHP Billiton – bị vỡ. Sự cố ở thị trấn Mariana hồi năm 2015 khiến 19 người thiệt mạng và đổ chất thải độc hại ra một con sông lớn.

Theo đánh giá, vụ vỡ đập hôm 25-1 gây chết chóc hơn nhiều khi “cơn sóng” bùn ập xuống các văn phòng của Vale ở địa phương, bao gồm một căn-tin đông người và quét qua khu dân cư đông đúc ở vùng thấp.

Theo đài CNN, sự cố vỡ đập mới nhất khiến nhiều người phẫn nộ biểu tình ở khu Casa Branca, cách Brumadinho 15 km. Tổ chức Hòa bình xanh ở Brazil cho rằng “sự tham lam” của Vale và sự quản lý kém hiệu quả của chính phủ Brazil đã gây ra cả 2 sự cố ở Mariana lẫn Brumadinho.

Giám đốc điều hành Vale, ông Fabio Schvartsman, khẳng định công ty đã “nỗ lực to lớn” trong việc cải thiện các con đập của họ sau thảm họa ở Mariana và hiện chưa thể xác định nguyên nhân vụ vỡ đập mới nhất.

Nguồn: