Ngày 27/1, Văn phòng Ủy viên công tố bang Minas Gerias, miền Đông Nam Brazil, đã phong tỏa tài sản trị giá 3 tỷ USD của tập đoàn khai thác khoáng sản Vale sau vụ vỡ đập hồ chứa chất thải tại một điểm khai thác của tập đoàn này khiến ít nhất 37 người thiệt mạng và hàng trăm người mất tích.
Trong một thông báo, văn phòng trên cho biết đã phong tỏa tổng cộng 11 tỷ reales (khoảng 3,3 tỷ USD) tài sản của tập đoàn Vale sau vụ vỡ đập hồ chứa chất thải tại mỏ quặng sắt Corrego do Feijao thuộc sở hữu của tập đoàn này ở bang Minas Gerais.
Trước đó, ngày 25/1, đập hồ chứa chất thải tại mỏ quặng sắt Corrego do Feijao bị vỡ đã làm tràn hàng nghìn mét khối bùn và nước xuống khu vực dân cư xung quanh. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, hồ chứa có khoảng 1 triệu mét khối chất thải khoáng sản. Bùn và nước từ hồ chứa đã tràn qua khu vực nhà làm việc của công ty quản lý mỏ, nơi các nhân viên và công nhân đang nghỉ trưa, sau đó tiếp tục đổ xuống khu vực dân cư ở thị trấn Vila Ferteco. Cơ quan bảo vệ môi trường Ibama của Brazil đã phạt tập đoàn Vale 66 triệu USD sau thảm họa trên.
Chính phủ Brazil đã cam kết tiến hành một cuộc điều tra toàn diện vụ vỡ đập trên. Tổng thống nước này Jair Bolsonaro và Thống đốc bang Minas Gerais Romeu Zema đã tới nơi xảy ra thảm họa để giám sát tình hình, đồng thời cam kết cung cấp mọi nguồn lực để hỗ trợ công tác cứu hộ cũng như khắc phục hậu quả. Quân đội đã điều 1.000 binh sĩ tới khu vực thảm họa cùng cho nghiệp vụ để tìm kiếm người mất tích. Ngoài ra, Israel cũng đã cử 130 binh sĩ trang bị thiết bị định vị di động, vật thể bay không người lái và thiết bị định vị dưới nước bằng sóng âm để hỗ trợ công tác cứu hộ.
Trong khi đó, lực lượng cứu hộ và lính cứu hỏa đang tiến hành sơ tán khẩn cấp những cộng đồng dân cư gần khu vực thảm họa do lo ngại nguy cơ một con đập khác tại đây có thể vỡ bất kỳ lúc nào.
Cách đây 4 năm, cũng tại bang Minas Gerais đã xảy ra một vụ vỡ đập thuộc sở hữu của Vale và tập đoàn khai thác khoáng sản BHP Billiton của Australia khiến 19 người thiệt mạng và hàng trăm người phải đi sơ tán. Đây được coi là thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử Brazil, gây ra một cuộc khủng hoảng nước sạch ảnh hưởng tới 250.000 người và môi trường sống của các loài thủy sinh. Ước tính 60 triệu m3 chất thải đã đổ ra các con sông và cuối cùng là Đại Tây Dương.