Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi các các Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2019.
Năm nay, chủ đề Ngày Đất ngập nước Thế giới là “Ngăn chặn suy kiệt đất ngập nước để chống biến đổi khí hậu”.
Để hưởng ứng Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ quan phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước; kêu gọi cộng đồng cùng cam kết bảo tồn, cũng như dừng ngay các hoạt động gây suy thoái các vùng đất ngập nước.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai lồng ghép nội dung về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành và địa phương.
Tùy theo điều kiện cụ thể, các cơ quan, ban, ngành tiến hành các hoạt động truyền thông phù hợp, tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2019; tổ chức các cuộc thi, triển lãm, xây dựng phim phóng sự về chủ đề “Ngăn chặn suy kiệt đất ngập nước để chống biến đổi khí hậu.”
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị gửi báo cáo kết quả thực hiện về các hoạt động tổ chức hưởng ứng kỷ niệm Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2019, để tổng hợp và báo cáo Ban thư ký Công ước Ramsar.
Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đất ngập nước ở Việt Nam có diện tích khoảng 10 triệu ha, phân bố trên tất cả 8 vùng sinh thái. Dưới tán lá rừng của hệ sinh thái đất ngập nước chứa đựng một nguồn tài nguyên thực vật, động vật phong phú là mắt xích quan trọng trong chuỗi quan hệ dinh dưỡng của hệ sinh thái.
Đến nay, Việt Nam đã thống kê sơ bộ có khoảng 12.115 loài thủy sinh vật phân bố ở môi trường biển, môi trường nước lợ và các vùng nước nội địa, cùng với hơn 300 loài động vật có xương sống chuyên sống trong môi trường nước, hoặc có chu kỳ sống thích nghi liên quan với các hệ sinh thái đất ngập nước.
Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (gọi tắt là Công ước Ramsar), nhằm nâng cao nhận thức về các giá trị, lợi ích của đất ngập nước, khuyến khích bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước. Công ước Ramsar được ký vào ngày 2/2/1971 tại thành phố Ramsar, Iran.
Hiện, Việt Nam là thành viên thứ 50 của Công ước Ramsa và đã được công nhận có 9 khu Ramsar gồm: Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định); vùng ngập nước Bầu Sấu-Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai); Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn); Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp; Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (Cà Mau); Vườn quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu); Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang); khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Láng Sen (Long An) và khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình)…