Nguy cơ thế giới thất bại trong “cuộc đua” chống biến đổi khí hậu

Thế giới sẽ thất bại trong “cuộc đua” chống tình trạng biến đổi khí hậu. Lời cảnh báo trên được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra khi kêu gọi chính phủ các nước cần có những cam kết mạnh mẽ hơn trong vấn đề biến đổi khí hậu và tình trạng nóng lên toàn cầu.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2019 tại Davos, Thụy Sĩ, Tổng Thư ký Guterres đã phải thừa nhận nguy cơ cộng đồng quốc tế “sẽ thất bại trong cuộc đua” chống biến đổi khí hậu trong bối cảnh hiện không còn nhiều thời gian để cứu “Hành tinh Xanh,” do đó điều cốt yếu là phải “đảo ngược chiều hướng này.”

Mặc dù không quá hy vọng rằng các nước sẽ nhanh chóng tìm kiếm được giải pháp, song ông Guterres nhấn mạnh: “Chúng ta cần một quyết tâm chính trị và cần các chính phủ hiểu được ưu tiên quan trọng nhất của thời đại chúng ta.”

Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng cho rằng những cam kết được đưa ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 là “không đủ”.

Theo ông Guterres, nếu những gì đã nhất trí trong Hiệp định Paris được cụ thể hóa, nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng hơn 3 độ C.

Do đó, ông kêu gọi các nước cần đưa ra những cam kết mạnh mẽ và táo bạo hơn, cũng như triển khai những biện pháp để giảm nhẹ và tăng tính thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, cũng như hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo.

Việc Mỹ – một trong những quốc gia có lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu thế giới – tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris 2015 là một “cú sốc” đối với những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Liên hợp quốc trước đó từng cảnh báo thế giới đang chậm chân trong cuộc chiến toàn cầu mang tính cấp bách này.

Theo một báo cáo về nỗ lực chống biến đổi khí hậu của các quốc gia được công bố tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP24) diễn ra ở Katowice (Ba Lan) hồi năm ngoái, mặc dù thế giới đã đạt được kết quả nhất định thông qua các hành động để ngăn chặn tình trạng nóng lên của Trái Đất, tuy nhiên, mức tăng nhiệt độ vẫn còn rất cao.

Cụ thể, với các chính sách hiện hành, vào cuối thế kỷ 21 nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng 3,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Trong khi đó, theo Hiệp định Paris 2015, mức tăng nhiệt độ vào cuối thế kỷ 21 chỉ là 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Liên hợp quốc khẳng định mục tiêu tăng 1,5 độ C – ngưỡng an toàn đối với Trái Đất, vẫn có thể thực hiện được, song đòi hỏi những hành động ngay lập tức và ở mức độ chưa từng thấy của con người.