Ngày 24/1/2019, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo “Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thu hút 47 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, số buồng lưu trú đạt 1.300.000, doanh thu tương đương 106,7 tỷ USD, tạo việc làm cho 7 triệu lao động và đóng góp 13,9% tổng GDP. Đặc biệt, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, thuộc nhóm 3 quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, ngành du lịch cũng xác định 7 khu vực động lực du lịch gồm: (1) Sơn La – Điện Biên – Lào Cai – Hà Giang, (2) Hà Nội – Quảng Ninh – Hải Phòng – Ninh Bình, (3) Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam, (4) Bình Định – Phú Yên – Khánh Hòa – Ninh Thuận – Bình Thuận, (5) TPHCM – Vũng Tàu, (6) Đồng bằng sông Cửu Long, (7) Lâm Đồng – Đắk Lắk.
Theo TS. Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch, quá trình lập Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn kết với quá trình thực hiện ĐMC. Ngành du lịch nhận thức rõ môi trường là yếu tố quyết định trong cuộc cạch tranh thu hút khách du lịch của các nước, cũng là yếu tố then chốt để phát triển du lịch một cách bền vững. Báo cáo ĐMC xác định 4 vấn đề môi trường liên quan đến Chiến lược gồm: Suy giảm hệ sinh thái và đa dạng sinh học, Gia tăng chất thải rắn, Suy giảm và ô nhiễm môi trường nước, Gia tăng tệ nạn xã hội và suy giảm các giá trị văn hóa.
TS. Hoàng Dương Tùng, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đồng tình cho rằng phải chú ý đúng mức đến vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và môi trường du lịch nói riêng, tuy nhiên “chưa rõ quan điểm của Chiến lược là phát triển du lịch nghiêng về số lượng hay chất lượng?”.
Cũng theo TS. Tùng, du lịch dựa trên tài nguyên du lịch nên phải xem xét thấu đáo giữa chi phí thu được và chi phí phải bỏ ra xử lý môi trường. Chiến lược chia thành 7 vùng động lực du lịch nhưng không làm rõ sức ép lên môi trường từng vùng khác nhau như thế nào để có giải pháp phù hợp và dường như chưa tính đến khả năng chịu tải của từng vùng mà thiên về hướng “đếm cua trong lỗ” kiểu đếm đầu khách du lịch theo năm rồi đưa ra giải pháp chung chung cho cả nước nên khó đạt hiệu quả cao.
Các đại biểu tham dự hội thảo đóng góp thêm nhiều ý kiến về các giải pháp hạn chế tác động từ phát triển du lịch tới môi trường như phải tính tới cả ô nhiễm không khí và xung đột tiềm ẩn giữa cộng đồng địa phương với khách du lịch trong trường hợp cộng đồng địa phương không được tiếp cận với tài nguyên, nếu không có giải pháp từ bây giờ thì sẽ rất dễ bùng phát thành điểm nóng.
Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện báo cáo ĐMC trước khi trình lên Chính phủ phê duyệt cùng với Chiến lược phát triển du lịch.