Amit Kumar – một hướng dẫn viên du lịch 36 tuổi, đã sống ở thành phố cổ Varanasi trong hơn 30 năm. Trong những năm gần đây, Kumar đã chứng kiến sự cải thiện thần kỳ dọc theo dòng sông, các bậc thang ven sông thường bị bao phủ vì rác đã trở nên sạch bong.
Vào những ngày đầu năm, nước sông khá trong, dọc theo các bậc thang, các cậu bé chơi cricket khi mọi người ngồi trên bậc thang hoặc đi dạo bên bờ sông.
Chính phủ Ấn Độ đang gấp rút thực hiện mục tiêu làm sạch 100% sông Hằng vào năm 2020 với nỗ lực xử lý 4,8 tỷ lít nước thải/ngày và loại bỏ các nhà máy hóa chất độc hại. Đây cũng là mục tiêu chính của chiến dịch toàn quốc nhằm làm sạch đường phố, đường sá và cơ sở hạ tầng của các thành phố, thị trấn và khu vực nông thôn do Thủ tướng Narendra Modi khởi xướng năm 2014 mang tên Swachh Bharat.
Để làm sạch dòng sông, chính quyền trung ương đã dành riêng khoản tiền khổng lồ trị giá 200 tỷ rupee (2,8 tỷ USD) để lắp đặt hơn 1 triệu nhà vệ sinh gia đình ở các làng dọc theo bờ sông, cải tạo hoặc xây dựng hơn 20 nhà máy xử lý nước thải và xây dựng hơn 50 lò hỏa táng điện phục vụ người dân hỏa táng và rải tro xuống sông thay vì thả trôi xác chết như trước đây.
Các nhà khoa học và người dân cũng tham gia cùng chính phủ trong công cuộc “trẻ hóa” sông Hằng. Các kỹ sư đang vẽ bản đồ 3D sông Hằng chảy trên đất nước Ấn Độ với tham vọng các mô hình số dòng sông Hằng và những khu định cư xung quanh sẽ giúp các nhà chức trách quản lý và giảm thiểu chất thải.
Dự án này sẽ đem lại những bản đồ có độ phân giải cao của các hệ thống thoát nước của các thành phố dọc sông Hằng.
Kỹ sư môi trường Vinod Tare của Viện Công nghệ Ấn Độ ở Kanpur cho biết, rất nhiều sự can thiệp của chính phủ hiện nay như tách chất thải công nghiệp chưa qua xử lý khỏi dòng sông, đang được thực hiện mà không có thông tin chuẩn để đánh giá là liệu chúng có hiệu quả không.
Các quan chức chính phủ cũng hy vọng các bản đồ này sẽ tăng cường hiểu biết về các thành phố phát triển dọc hai bờ sông như thế nào và bờ sông đang bị xói mòn ra sao. Điều này sẽ giúp các chính quyền địa phương quản lý rủi ro thiên tai như lũ lụt.
Sông Hằng thiêng liêng của Ấn Độ bắt nguồn từ dãy Hymalaya băng giá nhưng trở nên ô nhiễm trong hành trình qua các thành phố đang phát triển và các trung tâm công nghiệp.
Đối với người Hindu, sông Hằng được nhân cách hóa thành nữ thần Ganga. Các lễ hội tôn giáo lớn được tổ chức thường xuyên dọc theo bờ sông. Nhiều người tin rằng uống nước sông Hằng mang lại may mắn.
Tại bang Uttar Pradesh, thành phố Prayagraj đang tổ chức lễ hội tôn giáo khổng lồ có tên Kumbh Mela với 150 triệu người hành hương sẽ đến tắm ở sông Hằng vào tháng 3. Chính phủ tiểu bang đã thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo nước sạch, tạm thời đóng cửa cống thoát nước và ra lệnh cho các xưởng thuộc da gây ô nhiễm nặng ở thượng nguồn phải đóng cửa trong thời gian 3 tháng lễ hội.
Mridula Ramesh – giám đốc điều hành chung của Viện Khí hậu Sundaram, cho biết chiến dịch Swachh Bharat đã kết nối và phục hồi tinh thần giữa các công dân, công ty và chính quyền địa phương: “Mặc dù tôi nghĩ rằng kết quả sẽ chậm và đa dạng, tôi tin rằng Swachh Bharat sẽ mang lại kết quả cuối cùng”.