Thành phố năng lượng mặt trời, được không?

Hệ thống phát điện phân tán là một giải pháp tiềm năng giải quyết nhu cầu năng lượng cho Việt Nam.

Trên con đường yên tĩnh của một khu dân cư cũ ở quận 9, ngôi nhà một tầng vuông vức của anh Tuấn tràn ngập những tia nắng nhảy nhót xuyên qua trần nhà được lợp xen kẽ tấm sáng và tấm pin quang điện. Hệ thống 3kW giúp anh tiết kiệm được 1/3 hóa đơn tiền điện hằng tháng, lẽ ra nhiều hơn nếu điện dư phát lên lưới được trả lại vào hóa đơn cho anh.

Công nghệ phát triển giúp làm giảm chi phí đầu tư, cộng hưởng với chính sách của Nhà nước và ý thức sống xanh đã giúp việc lắp đặt điện Mặt trời lan rộng tại những thành phố lớn, đặc biệt tại vùng nhiều bức xạ nhiệt như Nam bộ.


Tranh thủ thời hạn 6.2019, nhiều doanh nghiệp khuyến khích hộ gia đình đầu tư pin quang điện để được mua điện với giá ưu đãi, như SolarBK tại TP.HCM với gói BigK kèm bảo hiểm và hỗ trợ vay vốn, hay Sao Mai Group tại các tỉnh miền Tây. Ngoài hộ gia đình, những cao ốc văn phòng, khách sạn có diện tích bề mặt rộng, ngốn nhiều năng lượng cũng là đối tượng được nhắm đến.

Việc phát điện phân tán, với vô số nhà sản xuất điện đơn lẻ là các cá nhân kết nối với lưới điện, có thể giải tỏa gánh nặng của Việt Nam về năng lượng với tốc độ tăng trưởng 8% mỗi năm cho những thập niên tới. Không gây quá tải cho lưới điện, giảm phát thải khí nhà kính, mô hình phát điện phân tán với giải pháp phổ biến là điện năng lượng mặt trời và điện gió đang được nhiều nước sử dụng.

Đức, Úc, Canada và New Zealand là vài điển hình của việc hướng đến năng lượng tái tạo là thành phần phát điện chính với tỉ lệ 80-100% trong tương lai gần. Mặt khác, World Bank nhận thấy chính phủ cần huy động 150 tỉ USD từ nay đến năm 2030 cho việc đầu tư phát điện, truyền tải và phân phối. Việc khuyến khích tư nhân tự đầu tư sẽ xoa dịu áp lực này.


Thành phố thông minh với các công nghệ sẽ kết nối các máy phát điện đơn nhỏ thành mạng lưới điện linh hoạt, cho phép người dùng theo dõi trực tuyến lượng điện sản xuất ra, sản lượng sử dụng, bán bớt hay mua thêm từ hệ thống, như cách mà phần mềm SSOC của SolarBK đang hỗ trợ người dùng. Tuy nhiên, tương lai về năng lượng tại Việt Nam còn nhiều trở ngại về chính sách, pháp lý và kỹ thuật cần vượt qua.

Dù công tơ 2 chiều đã được lắp, trở ngại hành chính khiến người dân vẫn chưa được trả tiền, dù điện đã phát lên lưới. Lý do hành chính bao gồm việc yêu cầu người phát điện cung cấp hóa đơn cho EVN. “EVN có lý do của họ vì theo quy định họ cần có hóa đơn đầu vào”, Tiến sĩ Lê Việt Phú, giảng viên Đại học Fulbright, nhận định.

Hơn nữa, sau thời điểm tháng 6.2019, tương lai của giá điện tái tạo vẫn còn là ẩn số. Mặt khác, mỗi khi có hộ gia đình lắp đặt tấm pin quang điện trên mái nhà và bắt đầu xoay ngược đồng hồ điện, lưới điện sẽ nhiễu loạn. Những nhiễu loạn đơn lẻ không đáng kể, nhưng thảm họa có thể xảy ra nếu lưới điện chưa được thiết kế để xử lý khi con số lên đến hàng trăm ngàn hay hàng triệu.

Tại Đức, vào những ngày trời quang điện tái tạo chiếm hơn một nửa lượng điện tạo ra, nên nước này đã phải đầu tư hàng trăm triệu USD để hệ thống quang điện có thể tự động khắc phục bất kỳ rối loạn nào, chứ không đơn thuần là tắt đi, khiến cho giá điện ở Đức đắt gấp 4 lần giá điện ở bang Illinois, Mỹ.

Ngoài ra, “quy hoạch đô thị có nhiều biến động và không rõ ràng cũng là một yếu tố khiến nhiều nhà đầu tư ngần ngại”, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Mai Văn Trung của SolarBK trao đổi với NCĐT. Thông thường, thời gian hoàn vốn cho hệ thống quang điện trên dưới 10 năm, tùy thuộc vào góc chiếu sáng của tòa nhà. Thế nhưng, nhà đầu tư không tính được rủi ro có những tòa nhà khác mọc lên che sáng trong điều kiện quy hoạch như hiện nay.

Điều thú vị là với chính sách ưu đãi giá điện cho hoạt động sản xuất hiện tại, doanh nghiệp sản xuất không có nhiều động cơ đầu tư cho điện tái tạo vì tính kinh tế không cao. Tuy nhiên, “điện giá rẻ dường như khiến doanh nghiệp có xu hướng sử dụng công nghệ thâm dụng năng lượng hơn”, Tiến sĩ Phú kết luận.


Ngành điện Việt Nam đang trải qua thay đổi cơ bản giống như ngành viễn thông. Từ thời hoàng kim của điện thoại cố định với một nhà mạng độc quyền, giờ đây vô số nhà mạng cung cấp nhiều lựa chọn cả hữu tuyến lẫn vô tuyến. Từ thế độc quyền, ngành điện đang trong quá trình tự do hóa, chuyển sang thị trường bán buôn cạnh tranh rồi tiến đến bán lẻ cạnh tranh. Tương lai năng lượng bền vững với việc giảm vai trò của nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là điện than, đòi hỏi nhiều nỗ lực và hợp tác từ người dân cho đến chính phủ.

Điều đó cũng trả lời một phần cho câu hỏi của ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia, World Bank tại Việt Nam, “Làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu năng lượng của tương lai nhưng vẫn đảm bảo được các mục tiêu của Chính phủ trong việc giảm phát thải khí nhà kính và các chỉ tiêu về biến đổi khí hậu?”.