Tiềm ẩn rủi ro từ sinh vật ngoại lai

Hiện tượng xâm lấn và phát triển mạnh mẽ của một số loài sinh vật ngoại lai gây tác động xấu đến kinh tế-xã hội và môi trường đã được các nhà khoa học trên thế giới cảnh báo nhiều năm qua.
Nếu không có một chiến lược quản lý thích hợp, các loài sinh vật ngoại lai xâm hại có thể gây ra những thảm họa không thể lường hết đối với một địa phương, một vùng hoặc một quốc gia.

Ở Việt Nam, Luật Đa dạng sinh học ra đời năm 2008, đã định nghĩa loài ngoại lai xâm hại như sau: “Loài ngoại lai xâm hại là loài ngoại lai chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với loài bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển”.

Trong tự nhiên luôn xảy ra sự du nhập, phát tán của sinh vật từ quốc gia này đến quốc gia khác, thậm chí từ châu lục này đến châu lục khác bằng nhiều con đường, hình thức, như: Tán phát tự nhiên; du nhập có chủ đích (trường hợp này là do những ưu tiên về lợi ích phát triển kinh tế, môi trường và nhu cầu xã hội); du nhập không chủ đích (là sự du nhập ngẫu nhiên của các loài sinh vật đi theo hàng hóa nhập khẩu hoặc phương tiện vận chuyển vào quốc gia hay vùng lãnh thổ nhờ các hoạt động của con người).

Trong số nhiều nước nghiên cứu về sinh vật ngoại lai xâm hại, trước hết phải kể đến Mỹ là nước đã ghi nhận có 2.100 loài thực vật ngoại lai xâm hại, gây tổn thất hàng tỷ USD/năm cho ngành nông nghiệp. Hầu hết các quốc gia ở châu Phi đều bị ảnh hưởng bởi các sinh vật ngoại lai xâm hại. Newzeland là nơi có số loài sinh vật ngoại lai lớn hơn số loài bản địa. Đất nước này chỉ có 1.200 loài bản địa, nhưng có tới 1.700 ngoại lai. Tại Việt Nam, từ năm 1990 trở về trước, các loài sinh vật ngoại lai xâm hại còn chưa được chú ý. Sau khi dịch ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata) bùng phát ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhanh chóng lan rộng khắp cả nước khiến các loài sinh vật ngoại lai xâm hại trở thành đối tượng cần phải quan tâm.

Nông dân tìm diệt ốc bươu vàng trên đồng lúa – Ảnh: Kim Tiền/Nông Nghiệp

Ngoài ốc bươu vàng, sự xuất hiện của cây mai dương, còn gọi là trinh nữ thân gỗ (Mimosa pigra) ở vườn quốc gia Tràm Chim đã làm số lượng sếu đầu đỏ giảm mạnh 600-800 cá thể vào giữa năm 1990 đến chỉ còn dưới 100 cá thể vào năm 2003 do cây mai dương xâm lấn, làm mất nhiều vùng cỏ năng (Eleocharis sp.) là thức ăn của sếu đầu đỏ. Khu vực sông La Ngà (Đồng Nai) nông dân đã phải chi 1,8 triệu đồng/ha cho việc chặt cây mai dương trong mỗi vụ gieo trồng. Nhiều công trình xây dựng sử dụng cát để san lấp mặt bằng, nhưng không lâu sau đó, cây mai dương đã mọc kín toàn bộ mặt bằng, gây khó khăn cho việc thi công, tăng chi phí xử lý trước khi tiến hành xây dựng. Hiện nay, cây mai dương đã có mặt ở hầu hết các địa phương trong toàn quốc.

Thanh niên huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi chặt bỏ cây mai dương Ảnh: Từ Trực/Người Lao Động

Trong số các loài sinh vật ngoại lai xâm hại đã nêu, ngoài ốc bươu vàng là đối tượng ưu tiên hàng đầu phải diệt trừ thì cây mai dương cũng đã được nghiên cứu, sử dụng nhiều biện pháp từ thủ công (nhổ, chặt đốn) đến biện pháp hóa học và biện pháp sinh học để diệt trừ. Kết quả thu được cho thấy, việc dùng thuốc trừ cỏ kết hợp với chặt cho hiệu quả cao trong việc diệt trừ cây mai dương.

Bên cạnh đó, trong hơn 50 năm qua đã có tổng số 20 loài cá, tôm, ốc nước ngọt được du nhập vào nước ta từ 12 nước trên thế giới. Có 12 loài cá, tôm nước lợ, nước mặn từ 7 nước và khu vực đã du nhập vào Việt Nam, trong đó nhiều nhất là từ Đài Loan và Trung Quốc. Đa số các loài cá tôm nước ngọt du nhập vào Việt Nam đều thích nghi với điều kiện môi trường và trở thành giống, loài chủ yếu trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, việc du nhập các loài cá cũng đã di nhập thêm một số mầm bệnh vào nước ta hoặc cá rô phi đen (Oreo chromis mossambicus) do khả năng sinh sản ở lứa tuổi rất sớm (3-4 tháng tuổi) dẫn đến tăng số lượng quần đàn nhanh làm cho nhiều người nuôi cá mong muốn loại bỏ cá rô phi đen trong các vực nước.

Cùng với việc thực hiện các biện pháp trên hiện trường để hạn chế sự phát triển của sinh vật ngoại lai xâm hại, Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quy định quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại, trong đó Luật Đa dạng sinh học năm 2008 là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, đề cập trực tiếp đến nội dung quản lý các loài ngoại lai xâm hại. Đáng lưu ý là các chương trình diệt trừ và kiểm soát các loài sinh vật ngoại lai xâm hại nhất ở Việt Nam như cây mai dương, ốc bươu vàng và một số loài ngoại lai xâm hại khác đã được xác định. Có thể khẳng định, đây là những nỗ lực nhằm giảm thiểu tiềm ẩn khôn lường của sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam.