Khói mù ô nhiễm vẫn bao phủ thủ đô Bangkok của Thái Lan, nhiều khu vực ghi nhận tỷ lệ bụi mịn trong không khí cao kỷ lục trong ngày 22/1.
Cơ quan kiểm soát tình trạng ô nhiễm Thái Lan cho hay trong vòng 24 giờ qua, mật độ bụi mịn PM2,5 đo được tại Bangkok vào khoảng từ 51µg/m3 (mcrogram/m3 không khí) đến 90 µg/m3, vượt qua ngưỡng an toàn 50µg/m3. Trong khi đó, chỉ số chất lượng không khí vào sáng 22/1 tại đây ghi nhận ở mức 122, tức là “có hại cho sức khỏe” đối với một số nhóm người nhạy cảm.
Không khí ngột ngạt do gió thổi yếu, lượng mưa ít được cho là nguyên nhân dẫn tới chất lượng không khí giảm sút nghiêm trọng tại thủ đô Bangkok và một số vùng lân cận. Nhiều khả năng nhà chức trách Thái Lan có thể phải áp dụng biện pháp giảm mật độ phương tiện tham gia giao thông, qua đó giảm khí phát thải gây ô nhiễm.
Chính quyền thành phố Bangkok cho hay sẽ đưa vào hoạt động nhiều xe buýt sử dụng hỗn hợp dầu diesel sinh học giúp giảm ô nhiễm không khí, trong khi cảnh sát sẽ lập 20 chốt an ninh nhằm hạn chế xe tải lớn vào thành phố trong giờ cao điểm.
Trước tình trạng bụi mịn gây ô nhiễm đang lan rộng trong thành phố trong khi các nhà chức trách chưa có biện pháp giải quyết mạnh tay, nhiều học giả kêu gọi chính quyền thành phố Bangkok ban bố một vùng kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí, theo đó các cơ quan hữu quan có thể thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và cải thiện chất lượng không khí.
Theo tổ chức phi chính phủ “Hòa bình xanh”, trong những tuần qua, người dân thủ đô Bangkok phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, chủ yếu do mật độ phương tiện giao thông cao cùng với việc đốt rơm rạ tại khu vực trồng trọt ở ngoại ô thành phố và khí thải từ các nhà máy. Với tình trạng này, Bangkok hiện là 1 trong số 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.
Trong nhiều tuần qua, giới chức thành phố Bangkok phải áp dụng biện pháp phun nước tại khắp đường phố và phun hơi nước vào không khí nhằm giảm tình trạng ô nhiễm, đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế lưu thông trên đường.