Tại Phú Quốc, Kiên Giang, các đối tượng thường khai thác trái phép khoáng sản vào ban đêm, ngoài giờ hành chính… đồng thời rất manh động, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ khi bị phát hiện, bắt giữ, gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường Phú Quốc, trên đảo hiện nay phần lớn các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác khoáng sản trước đây đã hết hạn. Năm 2018, huyện Phú Quốc phối hợp với các ngành chức năng có liên quan kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản đối với 18 tổ chức, cá nhân trên địa bàn, xử phạt vi phạm hành chính 6 trường hợp sai phạm 154 triệu đồng; đình chỉ, yêu cầu khắc phục vi phạm đối với 42 trường hợp khai thác nhỏ lẻ trong đất vườn của gia đình. Công an huyện Phú Quốc kiểm tra, xử lý 209 trường hợp vi phạm hơn 841 triệu đồng.
Một số điểm nóng về khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện là: Khu vực Bãi Trường, Suối Đá, xã Dương Tơ; Bãi Đất Đỏ, ấp 7, thị trấn An Thới; Cây Thông Ngoài, Suối Cát, xã Cửa Dương. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhu cầu vật liệu san lấp mặt bằng, xây dựng ở huyện Phú Quốc hiện rất lớn. Trong khi đó, các mỏ vật liệu san lấp trên địa bàn huyện đã hết hạn khai thác dẫn đến tình trạng lén lút khai thác trái phép khoáng sản, rất khó kiểm soát.
Các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại môi trường, khai thác trái phép khoáng sản vào ban đêm, ngoài giờ hành chính… đồng thời rất manh động, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ khi bị phát hiện, bắt giữ, gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.
Đối với các dự án đầu tư tại Bãi Trường, nhà đầu tư chưa triển khai thực hiện dự án, các đối tượng trộm cắp thường xuyên vào khai thác đất đá trái phép san lấp mặt bằng thu lợi bất chính. Ngoài ra, việc kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép còn nhiều bất cập do nguồn nhân lực tại địa phương còn thiếu, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ…
Trước thực trạng này, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đang triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, bảo vệ, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác tài nguyên khoáng sản trên đảo, xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại môi trường, khai thác trái phép.
Theo ông Lê Quang Minh, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Quốc, huyện đã hoàn chỉnh và công bố quy hoạch khoáng sản trên đảo để người dân, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội biết rõ ràng, cụ thể. Các địa phương chú trọng nâng cao chất lượng công tác thẩm định hồ sơ cấp phép và căn cứ vào hiệu quả kinh tế – xã hội của từng dự án, nhu cầu thực tế địa phương về vật liệu xây dựng gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái trên đảo; không cấp phép khai thác khoáng sản tràn lan, phát hiện, ngăn ngừa việc sang nhượng, mua bán mỏ trái phép.
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản nhằm nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng xã hội về việc bảo vệ tài nguyên khoảng sản, chung tay bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản.
Huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác khoáng sản, kiên quyết đình chỉ, xử lý nghiêm việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép trên đảo; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán khoáng sản gây tổn hại về môi trường sinh thái mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để.
Các xã, thị trấn thành lập tổ kiểm tra, xử lý kết hợp thí điểm xây dựng các chốt, trạm, kiểm soát việc khai thác, vận chuyển khoáng sản, nhất là ở những điểm nóng.