Cách đây 5 năm, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo quốc gia “định hướng phát triển và cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn”. Tại hội thảo này, các nhà khoa học hàng đầu ở Việt Nam đã có lời khuyên “không nên san lấp san hô lấn biển vì sẽ sập chân đảo Lý Sơn”. Nhưng hiện nay một doanh nghiệp ở Quảng Ngãi lạiđang rục rịch để chuẩn bị làm việc này.
Dự án The Sea Eyes do Công ty CP Phát triển Lý Sơn đang đề xuất sẽ lấn rộng ra biển và san lấp toàn bộ bãi san hô phía Nam của đảo Lý Sơn, diện tích 54,65ha, tổng mức đầu tư 1.713 tỷ đồng, thời gian thực hiện là từ năm 2019 – 2022. Đây là khu vực san hô tạo ra cảnh quan rất thơ mộng và hoang sơ cho đảo Lý Sơn. Vào buổi chiều khi nước rút, bãi san hô hiện ra màu rêu xanh, mặt nước lấp lóa ánh mặt trời vàng, những chiếc thuyền nhỏ len vào các lạch phải rời ra xa để đánh lưới, phụ nữ và trẻ em tràn ra bãi san hô và bắt đầu mưu sinh bằng nghề hái rong biển, bắt ốc, mỗi người kiếm được 200 – 250 ngàn đồng sau vài tiếng đồng hồ dạo trên bãi cạn, phía ngoài rạn san hô là các loại cá phong phú…
Rạn san hô như kho báu của đảo. Chuyện nghiêm cấm san lấp san hô đảo Lý Sơn đã được đề cập cách đây 5 năm, nhưng tới giờ này đã qua cầu gió bay. Đó là Hội thảo quốc gia “Định hướng phát triển và cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn”, do Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ngãi phối hợp thực hiện…Hội thảo quy tụ rất nhiều nhà khoa học mang đến những công trình nghiên cứu. Đó là PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, GS.TS Lê Vinh Danh, TS Nguyễn Quang, TS Lê Đăng Doanh, PGS.TS Vũ Thanh Ca…
Những doanh nghiệp có mặt tại hội thảo thời điểm đó đã đưa ra viễn cảnh phát triển Lý Sơn thành đô thị biển hiện đại. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã đưa ra tầm nhìn theo hướng giữ ổn định cho đảo Lý Sơn. PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết, mô hình thế giới lựa chọn hiện nay là kinh tế đảo, tức lấy môi trường sinh thái làm trọng tâm, vừa góp phần giữ sinh thái biển, đồng thời vừa tạo nguồn sinh kế cho cư dân địa phương; một số ý kiến khác đề nghị không biến đảo Lý Sơn thành đô thị biển, mà phát triển theo hướng hoang sơ như Thái Lan. Vì nhiều đảo bên Thái Lan thu hút khách du lịch bằng cách không thiết kế nặng về bê tông hóa, toàn bộ hệ thống nhà chờ, homestay, vật dụng, trang trí đều được làm bằng dừa và tạo ấn tượng mạnh. Từ đó, nhiều du khách từng đặt chân đến thường quay trở lại.
Trong hội thảo cũng đã có 1 ý kiến đề nghị mở rộng đảo bằng cách san lấp đất cát lên dải san hô. Ý kiến này đã bị đa số các nhà khoa học phản đối. Các giáo sư, tiến sĩ cho rằng, họ không bảo thủ về việc phát triển Lý Sơn, nhưng rạng san hô là chân đảo và tuyệt đối không được san lấp mở rộng mặt bằng, đẩy đảo ra sát mép vực, vì lâu ngày sóng biển sẽ đánh sập chân đảo. Theo lý giải của các nhà khoa học, chân đảo như vị thần hộ mệnh, phần lớn các đảo xa bờ đều có rạn san hô rất rộng, có những đảo có chân đảo rộng gấp 10 lần diện tích đảo. Khi sóng lớn đi qua khu vực trên sẽ bị suy yếu nên không tác động trực tiếp lên phần lục địa.
Hiện nay, rạng san hô rộng lớn ở phía Nam của đảo Lý Sơn đã tạo thêm nhiều sinh vật, cá, tôm, rong biển, trở thành nguồn sinh kế cho ngư dân địa phương, là nơi neo đậu tàu thuyền, sân chơi diễn ra các lễ hội đua thuyền, hoạt động văn hóa tâm linh. Đảo Lý Sơn đang được các nhà khoa học hoàn thành hồ sơ trình lên Unesco công nhận là Công viên địa chất toàn cầu…Ở quần đảo Hoàng Sa hiện nay, đảo Cây, đảo Quang Hòa, đảo Đá Hải Sâm, đảo Duy Mộng đều có chân đảo rộng vài km, riêng đảo Phú Lâm có phần chân đảo nối liền dài gần 10 km.
Ông Lê Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã An Vĩnh trả lời báo chí và cho biết, doanh nghiệp 2 lần tham vấn lấy ý kiến người dân thì bà con đều không đồng tình. Vừa qua, công nhân của Công ty Hợp Nghĩa ra khoan thăm dò nhưng người dân phát hiện và đã yêu cầu dừng thi công.
Theo ghi nhận của phóng viên khi tiếp xúc với nhiều người dân và đề cập thông tin việc san lấp sẽ làm đảo rộng ra, nhưng bà con địa phương đều cho biết, hiện tại là chưa cần thiết và muốn đảo phát triển ổn định.