Cơn ác mộng rác thải mang tên Tetra Paks

Hơn 8 tỷ vỏ hộp Tetra Paks được bán hàng năm tại Việt Nam và chỉ một vài phần trăm được tái chế, gây ra tác động tàn phá đến môi trường.

Tiêu thụ sữa ở Việt Nam tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua và hiện đạt giá trị 4,1 tỷ đô la khi ngành công nghiệp sữa chuyển trọng tâm từ các thị trường phương Tây đã bão hòa để mở rộng sang châu Á. Nhưng dường như một trong những người hưởng lợi lớn nhất từ ​​sự tăng trưởng này lại là nhà cung cấp bao bì chính của ngành công nghiệp sữa: Tetra Pak.

Năm ngoái, 8,1 tỷ vỏ hộp sữa Tetra Pak được bán ở Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn chưa có chương trình tái chế toàn diện nào ở cấp độ toàn quốc được thực hiện. Hiện giờ, khi các hộp giấy chất đống trên các bãi biển và trong các bãi chôn lấp rác khắp nước, thì đó là một tác động tàn phá môi trường.

Công ty Tetra Pak cho biết có hai cơ sở tái chế ở Việt Nam là nhà máy Đồng Tiến ở Bình Tánh và Thuận An ở Bình Dương. Mỗi năm, công ty tái chế 18.000 tấn bìa các-tông với mỗi tấn tương đương 93.000 hộp, tương ứng họ đang tái chế khoảng 20% ​​sản lượng. Nhà máy tái chế chính là Đồng Tiến.

Tuy nhiên, theo con số mà ông Phan Quyết Tiến, phó giám đốc nhà máy Đồng Tiến đưa ra thì vào lúc cao điểm nhất là năm 2016, nhà máy cũng chỉ xử lý được 300-400 tấn bao bì Tetra Pak mỗi tháng, hiện con số này rút xuống còn 100 tấn. Tức là ngay lúc cao điểm, Đồng Tiến chỉ tái chế 5,5% số vỏ hộp được bán tại Việt Nam và giờ giảm xuống còn hơn 1%.

Rác thải là vỏ nhựa, vỏ hộp đựng sữa ở bãi biển của tỉnh Bình Thuận. Ảnh: The Guardian

“Có thể tái chế được vỏ hộp Tetra Pak nhưng chỉ trong trường hợp có hệ thống và công nghệ phù hợp. Trước đây, chúng tôi mua vỏ hộp Tetra Pak trực tiếp từ Tetra Pak. Chúng tôi cũng mua hộp sữa từ những người thu gom không chính thức và người nhặt rác trên toàn quốc nhưng thực tế đã chứng minh là mua từ hai nguồn này không hiệu quả về mặt tài chính và chúng tôi không thể kiếm được lợi nhuận”, ông Tiến giải thich.

Những ngày này, nhà máy Đồng Tiến chỉ chấp nhận vỏ hộp được gửi trực tiếp từ chính các công ty sữa trực thuộc Tetra Pak. Theo ông Tiến, “khoảng 30% đến 50% sản phẩm là nhôm và nhựa, còn lại là giấy. Nhưng vấn đề không chỉ đơn giản là nghiền các-tông hoặc làm chảy nhựa mà phải tách từng lớp riêng biệt và xử lý theo những cách khác nhau”.

Quy trình này không hiệu quả về mặt chi phí nhưng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là làm những gì có thể để bảo vệ môi trường – ngay cả khi điều đó là không đủ.

“Chúng tôi rất thích có thể tái chế các hộp giấy mà mọi người sử dụng và vứt đi – tôi chắc là nhiều nhà máy tái chế cũng thế – nhưng chúng tôi được hỗ trợ rất ít từ Tetra Pak và chúng tôi không phải là một tổ chức từ thiện”.

Kết quả? Một đất nước đầy những hộp sữa rỗng. Tại các trường tiểu học và nhà trẻ: một triệu học sinh tiểu học nhận được một hộp sữa ngọt miễn phí ở trường mỗi ngày nhờ vào một dự án của chính phủ do Tetra Pak tài trợ. Một chương trình giáo dục về rác thải đang được thí điểm ở 30 trường mẫu giáo nhưng những gì xảy ra với năm triệu hộp vào cuối mỗi tuần học vẫn phụ thuộc vào thể chế.

Vỏ hộp giấy Tetra Pak có thể được chế tạo thành ngói lợp nhà – tận dụng 95% đến 97% bao bì nhiều lớp. “Trung bình, chúng tôi sản xuất 5.000 viên ngói mỗi tháng”, ông Phan Quyết Tiến nói. Thật không may, giá ngói này cũng đắt gấp đôi ngói lợp bình thường. “Kết quả là, chúng tôi phải sản xuất theo đơn đặt hàng, rất ít công ty xây dựng sẵn sàng trả mức giá đó và chúng tôi không muốn bị tồn kho”, ông Tiến giải thích.

Tình hình có thể còn tệ hơn. Tháng 5/2018, Tetra Pak khai trương nhà máy bao bì nội địa đầu tiên của họ tại Việt Nam, trị giá 110 triệu đô la và nằm ở ngoại ô TP HCM. Nhà máy có công suất 20 tỷ hộp/ năm – đón đầu sự gia tăng tiêu thụ sữa được dự đoán ở mức 50%.

Cho đến nay, chưa có bất kỳ giải pháp tái chế nào khả thi về mặt kinh tế, các vỏ hộp Tetra Pak ở khu vực thành thị của Việt Nam được các công ty vệ sinh đô thị do chính quyền địa phương cấp phép, chẳng hạn Citenco, thu gom và xử lý tại các bãi rác lớn trên toàn quốc. Ở Bà Rịa, các vỏ hộp giấy chủ yếu tập kết tại một bãi rác rộng 30 ha thuộc sở hữu của Hàn Quốc – lớn nhất trong khu vực. Không có phân loại hoặc tái chế gì hết. Ước tính khoảng 76% -82% chất thải đô thị không thể tái chế ở Việt Nam được gom về các bãi chôn lấp. Nhưng ở khu vực nông thôn, nơi chỉ có 10% chất thải được thu gom bởi các cơ quan được cấp phép, phần lớn rác bị đổ bên lề đường hoặc xuống biển.

Mia MacDonald, giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu chính sách Brighter Green, bày tỏ: “Tôi thấy lạ lùng và đáng lo ngại khi rất ít người biết về những gì xảy ra với bao bì Tetra Pak khi mà nó được phân phối với số lượng lớn như vậy trên khắp Việt Nam. Tetra Pak dường như đã nhìn thấy tiềm năng phát triển ở Đông Nam Á và hiện đang cố gắng tận dụng cơ hội bằng những hộp giấy nhỏ, sử dụng một lần rồi vứt đi. Bao bì trông có vẻ hiền lành: nó không rõ ràng là nhựa, thủy tinh hay kim loại – thể hiện rằng nó có thể tái chế được.

Công ty thừa nhận rằng cần làm nhiều hơn để phát triển tái chế trên khắp Việt Nam. “Chúng tôi đã chủ động tái chế từ năm 2004, tìm kiếm các công ty tái chế và sự hỗ trợ từ chính phủ cũng như các NGO. Chúng tôi bắt đầu làm việc với công ty tái chế đầu tiên vào năm 2006 và đồng ý rằng cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Trong vài năm qua, chúng tôi cùng với các đối tác xây dựng tổng công suất tái chế là 18.000 tấn/năm. Nút thắt là thu gom và phân loại. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính phủ cũng như các đối tác khác để tăng cường thu gom và tái chế vỏ đồ uống tại Việt Nam”, Jason Jason Pelz, giám đốc khu vực về kinh tế tuần hoàn của Tetra Pak nói.

“Việc tái chế phải được hỗ trợ bởi Tetra Pak và ngành công nghiệp sữa bởi họ là những người kiếm được lợi nhuận khổng lồ”, ông Quyết Tiến nói thêm rằng nhà máy tái chế Đồng Tiến cần nâng cấp công nghệ chế biến vỏ hộp các-tông nhưng không có đủ vốn.

“Nếu Tetra Pak không thể cung cấp cho chúng tôi, chúng tôi sẽ phải chấm dứt hoàn toàn chương trình và họ phải tìm đối tác mới hoặc họ có thể thử tự tái chế và sẽ thấy việc này khó khăn đến mức nào”.

Nhật Anh (Theo Guardian)

Nguồn: