Phát biểu tại Hội thảo “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững” sáng 17.1 tại Hà Nội, các chuyên gia nước ngoài cảnh báo ô nhiễm ở Việt Nam đang gia tăng và cách xử lý rác thải của Việt Nam chưa phù hợp.
Năng lượng tái tạo từ rác thải
Theo cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam từ năm 2008 đến nay đã tăng nhiều lần. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm ở Hà Nội còn cao hơn cả Bắc Kinh (Trung Quốc) và New Delhi (Ấn Độ), nguyên nhân ô nhiễm chủ yếu từ xăng, dầu và “đó là nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ về các loại bệnh liên quan đến hệ hô hấp; gây tỉ lệ tử vong cao ở Việt Nam” – Cựu ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh.
Đại diện của Phái đoàn Liên minh Châu Âu – ông Bruno Angelet cũng đặc biệt lưu ý: Giao thông vận tải là 1 trong những nguyên nhân trọng yếu tạo ra phác thải CO2 gây ô nhiễm lớn nhất. Ô nhiễm không chỉ là vấn đề thách thức của châu Âu hay bất kỳ quốc gia nào, đây đang là vấn đề chung mà thế giới phải có trách nhiệm khắc phục. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực mạnh mẽ, trong 10 năm qua, châu Âu không chỉ tăng trưởng kinh tế mà còn tăng trưởng xanh, bền vững.
Cũng theo ông Bruno Angelet, Việt Nam có tiềm năng lớn, hiện tại người Việt Nam đốt trấu (và rơm rạ-PV), đốt rất nhiều rác thải khiến khí gây ô nhiễm thải ra môi trường tăng, đe dọa mục tiêu làm sạch bầu không khí, ảnh hưởng tới nỗ lực ngăn chặn Trái Đất ấm lên.
“Đừng đốt rác thải, khi các bạn đốt rác thải cũng chính là các bạn đang đốt tiền. Chúng ta có thể sử dụng những sản phẩm này để tái tạo năng lượng, giảm những rác thải cho chúng gây ra và điều này sẽ ngăn cản biến đổi khí hậu”- ông Bruno Angelet nhấn mạnh.
Quyết sách kịp thời để đảm bảo an ninh năng lượng
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương – ông Cao Đức Phát, về mâu thuẫn giữa 2 mục tiêu là phát triển năng lượng và bảo vệ môi trường, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng cho phát triển đất nước ngày càng tăng cao thì giải pháp phù hợp để giảm tác động của biến đổi khí hậu bảo vệ môi trường là Việt Nam cần sử dụng nhiều hơn nguồn năng lượng sạch, tái tạo (hoặc ít hoặc không phát thải khí nhà kính) trong cơ cấu các nguồn năng lượng.
Tuy nhiên, việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch, tái tạo hiện nay còn nhiều hạn chế về giá cả, thị trường, cơ sở hạ tầng, điều kiện kỹ thuật… rất cần có những cơ chế, chính sách đủ mạnh và đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển.
Để đảm bảo an ninh năng lượng, việc đầu tư đủ và có dự phòng hợp lý các nguồn phát điện luôn là ưu tiên hàng đầu; lĩnh vực này đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn cùng với sử dụng công nghệ cao. Trên thực tế, đây là những điểm yếu cơ bản của các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam rất cần sự tham gia nhiều hơn nữa của các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực này.
Kết quả đánh giá vừa qua cho thấy, đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài về phát triển các nguồn phát điện ở Việt Nam còn rất hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính là giá điện hiện nay chưa hoàn toàn theo cơ chế thị trường, do có sự điều tiết của Nhà nước nên về cơ bản còn thấp, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư nước ngoài.
Việc thiếu các nguồn phát điện trong thời gian tới và trong dài hạn nếu chúng ta không điều chỉnh chính sách sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ và các Bô ngành liên quan cần sớm xem xét, đưa ra những quyết sách kịp thời về vấn đề này.