Dự kiến sẽ có 3 đợt lấy nước với thời gian 16 ngày phục vụ gieo cấy lúa Đông Xuân 2018-2019 tại các tỉnh khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Do đó các địa phương cần chủ động và tranh thủ tối đa lịch điều tiết nước từ các hồ thủy điện để lấy nước tiết kiệm, hiệu quả góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và đủ nước gieo cấy.
Đây là một trong những nội dung quan trọng tại cuộc họp chỉ đạo điều hành các đợt lấy nước phục vụ gieo cấy lúa Đông Xuân 2018-2019 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ do Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp tổ chức ngày 16/1/2019.
Theo Tổng cục Thủy lợi, trong vụ gieo cấy lúa Đông Xuân 2018-2019 các tỉnh, thành phố khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ sẽ gieo cấy khoảng 602.500 ha lúa, giảm 9.340 ha so với vụ Đông Xuân 2017-2018 do các địa phương chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây trồng khác. Trong đó, diện tích gieo cấy phụ thuộc vào nguồn nước xả gia tăng từ các hồ chứa thủy điện khoảng 480.000 ha.
Thời vụ gieo cấy sẽ tập trung ở trà xuân muộn với thời gian gieo mạ từ ngày 25/1 – 10/2/2019, cấy trong tháng 2/2019.
Bất lợi từ tình hình thủy văn
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết dự báo hiện tượng El Nino sẽ xảy ra trong 6 tháng đầu năm. Tại khu vực Bắc Bộ, tổng lượng mưa mùa khô thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-25%. Trong tháng 2 và tháng 3 dự báo sẽ xuất hiện nhiều đợt mưa phùn. Tuy nhiên mưa trái mùa nhiều khả năng sẽ không xuất hiện. Nhiệt độ trung bình trong vụ Đông Xuân 2018-2019 có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm. Có thể xuất hiện rét đậm, rét hại trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2/2019.
Về tình hình nguồn nước, mực nước trên các sông suối khu vực Bắc Bộ trong tháng 1 và tháng 2/2019 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng ở mức 0,3-0,4 m xuất hiện vào tháng 2 hoặc tháng 3/2019.
Hiện tại các hồ chứa thủy điện đã cơ bản tích đầy, dự kiến đến thời gian bắt đầu xả dung tích trữ nước sẽ đạt khoảng 90-95% dung tích thiết kế.
Ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, tính đến thời điểm 31/12/2018 tổng lượng nước tại các hồ thủy điện thấp hơn 5,57 tỷ m3 so với mực nước dâng bình thường. So với cùng kỳ thấp hơn 4,06 tỷ m3, gần tương đương với dung tích chứa của hồ thủy điện Hòa Bình.
Các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang là 3 hồ chứa điều tiết nước phục vụ sản xuất Đông Xuân 2018-2019 thấp hơn mực nước dâng bình thường 993 triệu m3. Tổng lượng nước tích so với cùng kỳ năm trước của các hồ thủy điện này thấp hơn khoảng 520 triệu m3..
“Dự kiến các hồ thủy điện sẽ xả gần 6 tỷ m3 nước phục vụ sản xuất Đông Xuân 2018-2019 tại khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ”, ông Vũ Xuân Khu cho biết thêm.
Từ diễn biến tình hình thời tiết và thủy văn tại khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, đại diện Tổng cục Thủy lợi, EVN và Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương đều có chung nhận định, đây không phải là năm thuận lợi trong việc điều tiết nước phục vụ sản xuất Đông Xuân.
Triệt để sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm, hiệu quả
Tổng cục Thủy lợi cho biết, theo kế hoạch lịch lấy nước vụ Đông Xuân 2018-2019 sẽ gồm 3 đợt trong thời gian 16 ngày. Theo đó, đợt 1 (4 ngày) từ 0h ngày 21/1 đến 24h ngày 24/1/2019; đợt 2 (4 ngày) từ 0h ngày 31/1 đến 24h ngày 3/2/2019 và đợt 3 (8 ngày) từ 0h ngày 15/2 đến 24h ngày 22/2/2019.
Trong thời gian 3 đợt lấy nước, mực nước sông Hồng tại trạm Thủy văn Hà Nội được duy trì từ +2,2 m trở lên để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tiến hành lấy nước phục vụ sản xuất Đông Xuân 2018-2019.
Tổng cục Thủy lợi yêu cầu việc lấy nước phải bảo đảm đủ nước phục vụ gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất; tiết kiệm lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện, các đợt xả nước phải trùng với kỳ triều cường, tránh được kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhằm bảo đảm hiệu quả việc lấy nước.
Đồng thời ưu tiên lịch lấy nước thuận lợi hơn cho các địa phương thường gặp khó khăn về nguồn nước nhất là các địa phương có nhiều công trình lấy nước bằng động lực, thời gian lấy nước dài hơn như TP. Hà Nội, Bắc Ninh.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết đến thời điểm này công tác chuẩn bị lấy nước phục vụ sản xuất Đông Xuấn 2018-2019 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đã sãn sàng.
Một số địa phương có khó khăn trong việc lấy nước các năm trước như: Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên đã chủ động bố trí kinh phí xây dựng trạm bơm, trạm bơm dã chiến để bơm tưới phục vụ sản xuất. Cụ thể như TP. Hà Nội đã đầu tư xây dựng trạm bơm dã chiến Phù Sa đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hệ thống thủy lợi Sông Tích lấy nước. Ông Tỉnh cũng cho biết những khó khăn ảnh hưởng đến việc điều tiết nguồn nước như tình trạng hạ thấp đáy sông như Sông Hồng, phong tục, tập quán canh tác khác nhau cũng là một trong ững nguyên nhân có thể ảnh hưởng và kéo dài thời gian lấy nước.
Để bảo đảm hiệu quả của các đợt lấy nước, Tổng cục Thủy lợi sẽ phối hợp với Cục Trồng trọt, EVN và các cơ quan liên quan sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến lịch lấy nước trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ lấy nước phục vụ gieo cấy, tiến hành tích trữ nước trong hệ thống kênh mương ao, hồ, vùng trũng để phục vụ tưới dưỡng.
Theo dõi cập nhật thường xuyên tình hình nguồn nước, tiến độ lấy nước của các địa phương để kịp thời tham mưu điều chỉnh, rút ngắn thời gian lấy nước khi tiến độ lấy nước vượt kế hoạch.
Dẫn ra số liệu nếu rút ngắn được một ngày xả nước từ các hồ thủy điện sẽ tiết kiệm được gần một trăm tỷ đồng mỗi ngày, lãnh đạo Tổng cục thủy lợi khẳng định việc bảo đảm đủ nước gieo cấy của người dân trong vụ sản xuất Đông Xuân luôn là nhiệm vụ trọng tâm mà ngành nông nghiệp, thủy lợi tập trung nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cần triệt để tiết kiệm, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước để phục vụ phát điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.