Việc tìm kiếm các giải pháp để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh đang trở nên vô cùng quan trọng và điện mặt trời đã trở thành một giải pháp hiệu quả không chỉ trước mắt, mà về lâu dài còn góp phần tích cực vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tuy vậy, cần có cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo, giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
Để làm rõ vấn đề này, TTXVN giới thiệu chùm 2 bài “Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam”.
Việc sản xuất các loại năng lượng truyền thống như thủy điện và nhiệt điện đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, hệ sinh thái, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và đời sống người dân. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 11/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, từ đó cải thiện các vấn đề môi trường, giảm nhẹ biến đổi khí hậu do khí thải nhà kính gây ra.
Cơ chế khuyến khích phát triển
Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 8/1/2019 đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Theo đó, các dự án trên mái nhà được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều. Bên mua điện thực hiện thanh toán lượng điện năng từ dự án trên mái nhà phát lên lưới điện với giá mua bán điện quy định tại khoản 1.
Giá mua bán điện đối với dự án trên mái nhà cho năm tiếp theo được xác định trên cơ sở tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày công bố tỷ giá cuối cùng của năm trước. Các dự án điện mặt trời trên mái nhà có thời điểm vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ trước ngày 1/7/2019, được áp dụng cơ chế về giá mua bán điện đối với dự án điện mặt trời trên mái nhà quy định tại Quyết định này.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, tính đến tháng 6/2018, Việt Nam đã có 100 dự án điện mặt trời quy mô lớn được bổ sung vào quy hoạch điện cấp tỉnh, quốc gia. Trong đó tổng công suất đăng ký là 4,7 GW vào năm 2020 và thêm 1,77 GW sau năm 2020. Còn với các dự án điện mặt trời trên mái nhà có tổng số 748 dự án với tổng công suất 11,55 MW. Tuy vậy, nhìn lại các dự án điện mặt trời được đầu tư và thực sự vận hành còn ít, rất nhiều trường hợp mua đi bán lại dự án.
“Để tiếp tục khuyến khích thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện chính sách như: Nghiên cứu cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất điện năng lượng tái tạo và các hộ tiêu thụ lớn có mong muốn dùng điện từ nguồn năng lượng tái tạo; thí điểm cơ chế đấu giá điện mặt trời và tiến tới áp dụng cơ chế này cho các nguồn điện năng lượng tái tạo khác…”, ông Ngãi cho biết.
Vẫn chỉ là tiềm năng
Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Minh Duệ, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, quy trình điều độ điện mặt trời là vấn đề kỹ thuật phức tạp, nên các bên từ chủ đầu tư điện mặt trời , địa phương và ngành điện… phải họp bàn xây dựng quy trình. Điện mặt trời ở Việt Nam hiện vẫn chỉ là tiềm năng, còn hiện thực trong ngắn hạn vẫn chưa có. Trong khi đó pin mặt trời vài kW, công suất nhỏ dễ đầu tư, hiệu quả và sử dụng phối hợp cùng điện lưới hoặc diesel nên sẽ có nhiều nơi đầu tư. Thực tế cho thấy năng lượng mặt trời là dạng năng lượng “trời cho” nhưng vấn đề sử dụng thế nào, hiệu quả ra sao là câu chuyện hoàn toàn khác. Nếu đầu tư không đồng bộ, không có cơ chế vận hành thích hợp, điện mặt trời có thể gây mất ổn định hệ thống điện, gây tụt áp, rã lưới…
Cụ thể, nguồn điện mặt trời chỉ hoạt động khi nắng tốt, ở những thời điểm như trời mưa, trời nhiều mây mù hay ban đêm thì điện mặt trời gần như không hoạt động, trừ phi có hệ thống pin, ăcquy tích điện. Đối với những dự án điện mặt trời quy mô lớn, hệ thống tích trữ này cũng chỉ thêm 3-5 giờ nhưng chi phí đầu tư rất đắt. Nếu một dự án bình thường để đầu tư 1 MW điện mặt trời tốn 1 triệu đô la Mỹ, nhưng kèm theo bộ tích điện thì chi phí đầu tư tăng lên gấp đôi. Vì vậy, khi hàng ngàn MW điện mặt trời được nối lưới, ngành điện vẫn phải tính toán phát triển nguồn bù vào hệ thống khi điện mặt trời không hoạt động…
Ông Lê Nguyễn Minh Nhật, Phó Giám đốc Công ty Điện năng lượng mặt trời Solar CSC cho biết, với nguyên lý hoạt động từ nguồn năng lượng tái tạo, giải pháp điện mặt trời với dàn tấm pin năng lượng mặt trời lắp trên mái nhà, hoạt động song song với điện lưới, giúp hộ dân tiết kiệm điện, giảm chi phí về lâu dài. Mái nhà, sân thượng, nhà xe, sân vườn, đất trống… là những nơi có thể tận dụng lắp đặt hệ thống điện mặt trời hòa lưới trực tiếp. Hệ thống năng lượng mặt trời có công suất tổng từ 1.65 – 5 kWp với mức giá lắp đặt trọn gói dao động từ 30 – 95 triệu đồng, bao gồm các thành phần cơ bản như tấm pin mặt trời , số lượng tùy vào công suất lắp đặt mong muốn; một bộ chuyển đổi inverter, thiết bị giám sát, hệ thống khung nhôm định hình…
“Hiện chúng tôi đã cung cấp giải pháp giám sát tự động đi kèm, giúp theo dõi lượng điện sản sinh mỗi ngày, tích hợp chức năng báo lỗi sớm và đề xuất phương án bảo trì, giúp bảo quản thiết bị bền hơn. Đồng thời, cũng đang trong các bước hoàn thiện thiết bị inverter (chuyển đổi) thông minh, chuyển đổi lưới điện, tích hợp thêm điều khiển thông minh. Thiết bị này sẽ có hệ thống sensor (cảm biến) để có thể hứng nắng ở góc tốt nhất trong các thời điểm trong ngày. Với điều kiện nắng không tốt, thiết bị này sẽ chuyển đổi sang điện lưới hoàn toàn tự động, tùy theo cường độ nắng”, ông Nhật chia sẻ.
“Thời gian tới, Bộ Tài chính cần đề ra văn bản hướng dẫn rõ ràng về việc đóng thuế sau khi lượng điện tạo ra được EVN mua lại thông qua công tơ 2 chiều cũng như việc bù trừ điện năng tiêu thụ, thuế giá trị gia tăng và hoá đơn hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các hộ dân. Đồng thời, đơn vị bán điện có thể thực hiện công tác truyền thông để người dân có thể tiếp cận với những thông tin về những mặt lợi ích của điện mặt trời . Ngoài ra, các nhà khoa học, doanh nghiệp có thể tham gia việc nghiên cứu và phát triển các bộ phận trong hệ thống điện mặt trời , tăng khả năng nội địa hóa các sản phẩm này nhằm giảm chi phí đầu tư, góp phần rút ngắn thời gian thu hồi vốn”, ông Ngãi đề xuất .