Bài 2: Vì đâu sông ô nhiễm?
Nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm tại sông Cầu, sông Ngũ Huyện Khê gây bức xúc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Dù nguyên nhân gây ô nhiễm được xác định từ lâu, song việc “giải cứu” dòng sông ô nhiễm vẫn bất khả thi.
Đua nhau xả thải ra sông
Hàng chục năm vừa qua, quá trình phát triển mạnh mẽ của các làng nghề, cụm công nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh đã khiến cho suy thoái và ô nhiễm ở nhiều nơi trên lưu vực sông Cầu liên tục gia tăng đến mức báo động.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, trên địa bàn lưu vực sông Cầu có 48 khu công nghiệp, 84 cụm công nghiệp, 141 làng nghề, 246 cơ sở y tế và hơn 3.500 doanh nghiệp nhà nước, cơ sở tư nhân hoạt động ở hầu hết các loại hình công nghiệp, thủ công nghiệp. Xả thải chủ yếu từ các loại hình: Sản xuất kinh doanh (68,88%), khu cụm công nghiệp (6,23%), làng nghề (24,25%) và nước thải y tế (0,64%).
Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 62 làng nghề, thì có tới 39 làng nghề có nguồn thải ảnh hưởng trực tiếp trên lưu vực sông Cầu thuộc các huyện Tiên Du, Yên Phong, thị xã Từ Sơn, TP Bắc Ninh… Một số làng nghề phát sinh nước thải lớn, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng như: Làng nghề tái chế giấy Phong Khê (TP Bắc Ninh), phát sinh khoảng 10.000m³/ngày, đêm; Làng nghề làm bún Khắc Niệm (TP Bắc Ninh), phát sinh khoảng 3.500m³/ngày, đêm; Làng nghề tái chế giấy Phú Lâm (huyện Tiên Du), phát sinh khoảng 4.000m³/ngày, đêm; Làng nghề nấu rượu Đại Lâm (huyện Yên Phong), phát sinh khoảng 2.500m³/ngày, đêm… Ngoài ra, một số làng nghề tái chế kim loại cũng có nguồn thải lớn chủ yếu là nước làm mát và nước thải lẫn với chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường như làng nghề tái chế thép Đa Hội (thị xã Từ Sơn), làng nghề tái chế nhôm Văn Môn (huyện Yên Phong).
Các chuyên gia về môi trường cảnh báo, ô nhiễm nguồn nước ở các làng nghề chủ yếu là do các hợp chất vô cơ độc hại như axit, bazơ, muối, kim loại nặng… thường thấy ở các làng nghề cơ khí, tẩy, nhuộm. Đây là những nguồn ô nhiễm cực kỳ nguy hiểm, trong đó, chất tẩy và màu nhuộm, phèn… được xếp vào loại nước thải nguy hiểm nhất trong các loại nước thải. Những chất này không những tác động đến nguồn nước mặt mà còn ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm. Đồng thời, chúng còn làm giảm lượng oxy hòa tan trong nước, ảnh hưởng tới môi trường sống của các loài động thực vật thuỷ sinh, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và gây nhiều bệnh hiểm nghèo cho người dân vùng lân cận.
Báo cáo mạng quan trắc môi trường hàng năm về kiểm tra, giám sát môi trường tại các làng nghề cho thấy môi trường nước ở một số làng nghề bị ô nhiễm nặng, kết quả phân tích chất lượng nước vượt Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) cho phép nhiều lần. Tại một số làng nghề ở TP Bắc Ninh, kết quả phân tích các mẫu nước thải có các chỉ tiêu phân tích (BOD5, COD, Amoni…) đều vượt QCQG về chất lượng nước thải. Đơn cử như làng nghề sản xuất giấy Phong Khê, hàm lượng BOD5 cao hơn QCVN từ 10 – 20 lần, COD cao hơn QCVN từ 15 – 24 lần; Làng nghề sản xuất bún Khắc Niệm, hàm lượng COD cao hơn QCVN từ 9 – 15 lần…
Giải cứu chưa triệt để
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Bắc Ninh Trần Thị Hằng cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường nhức nhối hiện nay tập trung chủ yếu tại các làng nghề, đặc biệt là làng nghề sản xuất giấy Phong Khê, Phú Lâm… và làng nghề sản xuất bún Khắc Niệm. Đây đã trở thành vấn đề cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả cộng đồng, với lộ trình và các giải pháp đồng bộ cụ thể. Do kinh tế phát triển nóng, các nhà máy, doanh nghiệp phát triển nhanh kéo theo hệ luỵ là khiến các con sông ô nhiễm nặng. Mặc dù, tỉnh Bắc Ninh không chủ trương đánh đổi môi trường lấy kinh tế, nhưng ô nhiễm là không tránh khỏi. |
Năm 2006, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu ra đời theo Quyết định số 174/2006 – QĐ/TT của Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban có 14 thành viên, gồm: Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các lãnh đạo 6 tỉnh (Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Dương) và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan. Nhiệm vụ của Ủy ban là bảo vệ và phục hồi môi trường lưu vực sông Cầu. Đồng thời, Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu cũng được phê duyệt với mục tiêu giải quyết tổng thể ô nhiễm môi trường nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của các địa phương trên lưu vực sông và toàn quốc.
Sau 12 năm (2006 – 2018), việc triển khai Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa tạo được cơ chế đột phá để các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Vì thế, chất lượng nước sông Cầu qua các năm chưa được cải thiện nhiều. Nhiều điểm bị ô nhiễm nặng ở khu vực hạ lưu, phụ lưu sông Cầu vẫn còn tồn tại. Đặc biệt, phải kể đến sự ô nhiễm nghiêm trọng, trong thời gian dài ở sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu đoạn chảy qua địa phận tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Ngay cả việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên lưu vực sông Cầu chưa đạt được mục tiêu do Đề án đề ra, mới xử lý được 43/52 cơ sở (82,7%).
Bên cạnh đó, các nhà máy xử lý nước thải tập trung của tỉnh Bắc Ninh đều chưa thể vận hành hết công suất thiết kế vì còn đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng hoặc chưa triển khai xây dựng. Trong đó, công suất giai đoạn 1 của Nhà máy xử lý nước thải tập trung Phong Khê làm 5.000m³/ngày, đêm, nhưng thực tế vận hành mới đạt khoảng 2.500m³/ngày, đêm. Riêng Nhà máy xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp Phú Lâm vẫn đang trong quá trình triển khai và chưa đi vào vận hành. Nhà máy xử lý nước thải Từ Sơn có công suất tối đa 33.000m3/ngày đêm, nhưng hiện nay nhà máy cũng chưa vận hành hết công suất, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh Lưu Xuân Hùng cho biết.
Có thể thấy lượng nước thải được xử lý trước khi xả ra sông chỉ đạt khoảng gần 1/3 so với khối lượng xả thải khổng lồ từ những khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các làng nghề. Tình trạng ô nhiễm là khó tránh khỏi.