Lời kêu cứu từ những dòng sông – Bài 1

Bài 1: Ô nhiễm ngày càng trầm trọng

Từ lâu, sông Cầu và sông Ngũ Huyện Khê luôn trong tình trạng bị xâm hại nghiêm trọng, gây ô nhiễm và tiềm ẩn nhiều hiểm họa môi trường. Hai con sông này đang chết dần, chết mòn theo sự phát triển kinh tế nóng, sự sinh sôi của các khu công nghiệp, làng nghề truyền thống, trong đó có làng nghề giấy ở xã Phong Khê, cụm công nghiệp Phú Lâm (Bắc Ninh)… trong khi giải pháp xử lý nước thải bảo vệ môi trường không theo kịp.

Lời khẩn cầu từ sông Cầu

 Đã gần 12 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu, nhưng đến nay sông Cầu và sông Ngũ Huyện Khê vẫn trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Sông Cầu là 1 trong 5 dòng sông dài nhất ở miền Bắc. Lưu vực sông Cầu có diện tích lớn, vị trí địa lý đặc biệt, đa dạng, phong phú về tài nguyên và có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, sự phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh, thành: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng và TP Hà Nội. Dù vậy, hơn chục năm trở lại đây, nhắc tới sông Cầu, người ta chỉ còn nói đến nỗi ám ảnh về một dòng sông đang chết vì ô nhiễm. Hệ sinh thái sông Cầu đang bị phá hủy, kéo theo đó là sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người dân lưu vực sông.

Anh Nguyễn Thành Du (làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh) cho biết, người dân Bắc Ninh đã mưu sinh và gắn bó với sông Cầu hàng trăm năm. “Nhưng có lẽ chưa bao giờ chúng tôi thấy tình trạng ô nhiễm lại nghiêm trọng như hiện nay. Cứ một thời gian cá lại chết dạt trắng vào hai bên bờ kéo dài cả chục cây số, tạo nên một cảnh tượng khủng khiếp. Nhìn xót xa lắm, nhưng dân chẳng biết kêu ai”, anh Du nói.

Dòng Ngũ Huyện Khê qua địa phận xã Hòa Long.

Theo ghi nhận của phóng viên, sông Cầu chảy qua địa phận hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đoạn từ hợp lưu sông Ngũ Huyện Khê xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân là do tiếp nhận nước của sông Ngũ Huyện Khê. Ô nhiễm ảnh hưởng đến cuộc sống và gây bức xúc cho người dân. Bà Trần Thị Thanh (phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh) cho hay, vài năm nay vẫn có tình trạng cá chết hàng loạt, nổi trắng cả khúc sông.

Phía bên kia sông, các xã Yên Lư, Nham Sơn, Thắng Cương, Tư Mại, Đồng Phúc (thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) và xã Quang Châu (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cũng chịu chung cảnh ô nhiễm của sông Cầu. Nước trên sông đổi màu, hôi tanh, cá chết hàng loạt khiến người dân không khỏi lo lắng.

Sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt trên sông Cầu, ngày 4.6.2018, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN – MT) huyện Yên Dũng đã có Công văn số 33/TNMT-MTg gửi Sở TN – MT tỉnh Bắc Giang về việc ô nhiễm nước sông Cầu, đoạn qua địa bàn huyện Yên Dũng. Ngày 13.6.2018, Phòng TN – MT huyện Yên Dũng tiếp tục có công văn gửi Sở TN – MT tỉnh Bắc Giang, trong đó phản ánh rõ thực trạng nửa đầu năm 2018, nước sông Cầu thuộc địa bàn huyện Yên Dũng đã có ít nhất 3 lần chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối, cá chết hàng loạt.

Ngũ Huyện Khê ô nhiễm chất chồng

Kết quả theo dõi diễn biến chất lượng nước của Tổng cục Môi trường Bộ TN – MT tại sông Ngũ Huyện Khê trong đợt tháng 3 các năm 2014, 2015 và 2016 cho thấy cả 4 vị trí quan trắc tại cầu: Song Thát, Văn Môn, Lộc Hà, Đào Xá đều bị ô nhiễm; các thông số DO, COD, BOD5, N-NO2, N-NH4 đều vượt giá trị QCVN 08-MT:2015/BTNMT loại B1.

Sông Ngũ Huyện Khê là một chi lưu của sông Đuống, bắt nguồn từ địa phận huyện Đông Anh, Hà Nội và chảy vào Bắc Ninh tại thị xã Từ Sơn, cuối cùng đổ vào sông Cầu tại xã Hòa Long, TP Bắc Ninh. Sông Ngũ Huyện Khê chảy qua 4 đơn vị hành chính của tỉnh Bắc Ninh: Thị xã Từ Sơn, huyện Yên Phong, huyện Tiên Du và TP Bắc Ninh. Đây là nguồn nước cấp chính phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng là nơi tiếp nhận nước thải của thị xã Từ Sơn; nước thải của các cơ sở sản xuất, làng nghề tái chế kim loại Châu Khê; làng nghề gỗ mỹ nghệ Hương Mạc, Phù Khê, Đồng Quang, thị xã Từ Sơn; làng nghề tái chế giấy Phú Lâm, huyện Tiên Du; làng nghề tái chế giấy Phong Khê, TP Bắc Ninh; Cụm công nghiệp (CCN) Phong Khê 1, CCN Phong Khê 2 và CCN Phú Lâm.

Tại đoạn sông chảy qua xã Hòa Long, dòng nước đổi màu đen ngòm, chất thải cặn dồn ứ thành nhiều mảng, lớp, kèm đó là mùi hôi thối, mùi hóa chất… Bà Nguyễn Thị Tấm, thôn Xuân Viên, xã Hòa Long, TP Bắc Ninh chia sẻ: “Sống ngay cạnh sông, chúng tôi hàng ngày ăn không ngon, ngủ không yên. Bao năm nay, ngày nào người dân cũng phải chịu đựng mùi hôi thối của nước sông bốc lên. Nhà nào cũng thường phải cửa đóng then cài vì mùi hôi tanh nồng nặc từ sông cứ xộc thẳng vào”. Theo lời bà Tấm, hai mươi năm trước, những ngày giáp Tết cả làng nô nức kéo nhau ra bờ sông rửa lá dong, gói bánh chưng. Chục năm nay, không chỉ nước sông mà nước giếng khoan cũng bốc mùi hôi thối nên không nhà nào dám dùng.

Qua bao năm ô nhiễm chất chồng ô nhiễm, nước bẩn cứ lan rộng khắp các khu dân cư khiến nỗi lo về sức khỏe của người dân kéo dài đằng đẵng. Không những thế, ô nhiễm còn phá hủy môi trường ven sông từ hệ sinh thái thuỷ sinh, đến mạch nước ngầm, không khí và nước tưới cho cây trồng. Giọng nghèn nghẹn, bà Đặng Thị Trinh, thôn Xuân Viên, xã Hòa Long, TP Bắc Ninh kể: “Từ đầu năm 2018 đến nay, làng tôi đã có bốn người chết vì ung thư. Trong đó, có chồng tôi. Trước đây, vợ chồng chúng tôi còn cào hến dưới sông để kiếm thêm thu nhập. Nhưng nhiều năm nay do nước sông ô nhiễm nên không thể làm gì được nữa…”. Trưởng thôn Xuân Viên Nguyễn Văn Quyết cho biết: Sông ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân dọc hai bờ mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến năng suất lúa và hoa màu, việc sản xuất, canh tác của bà con.  Rõ ràng, cùng với các hoạt động kinh tế, khai thác dòng sông Cầu làm cho chất lượng nguồn nước và đa dạng sinh học ở lưu vực sống ngày càng suy giảm. Tình trạng ô nhiễm tại sông Ngũ Khê Huyện và sông Cầu trở nên nghiêm trọng hơn. Trước đó, năm 2016, Bộ TN – MT đã có kết luận cụ thể về nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường sông Cầu. Tuy nhiên, từ đó đến nay, mọi việc chưa được giải quyết triệt để và tình trạng sông Cầu “chết” ngày càng hiện hữu.